Từ lâu, xã Vinh An (Phú Vang) đã được nhiều người biết đến với “Thành phố lăng”, nhưng ít ai biết Vinh An còn một bãi biển đẹp, nguyên vẻ hoang sơ.

< Thuyền chài trên bãi biển làng An Bằng (xã Vinh An).

Bãi tắm nhiều tiềm năng

Vinh An cách thành phố Huế chừng 40km theo hướng đông nam, có nhiều điều kiện để phát triển du lịch. Với bờ biển dài 4,9 km, bãi biển Vinh An đến nay hầu như vẫn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, môi trường chưa bị ô nhiễm, nước biển xanh trong, bờ cát trải dài và trắng mịn. Cách mép nước vài chục mét, hàng phi lao xanh ngút góp phần làm bãi tắm hấp dẫn hơn.

< Một trong những đường ra bãi biển.

Ngoài vẻ đẹp tự nhiên, khi đến bãi biển Vinh An, du khách còn được thưởng thức những món hải sản tươi ngon với giá cả bình dân. Món bánh ép ở đây tuy cùng tên như những nơi khác, nhưng chất lượng khác nhiều. Điều này được khẳng định khi món bánh ép không chỉ phục vụ bà con địa phương, mà còn được nhiều người dùng làm quà cho người thân ở phương xa và cả ở nước ngoài.

Ngoài ra, ngư dân An Bằng (Vinh An) có truyền thống 3 năm một lần tổ chức lễ hội cầu ngư, đua thuyền truyền thống.

Lễ hội được tổ chức trong 4 ngày kéo dài từ ngày 12 đến 16 tháng 5 âm lịch. Đó là những ngày bà con xa quê trở về, là dịp du khách đến tham quan, bởi đây là dịp mọi phong tục truyền thống của một làng chài ven biển được tái hiện đầy đủ nhất.

Cần đầu tư phát triển

Đến bãi biển Vinh An vào một buổi chiều nắng đẹp, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là sự bình yên ở nơi đây.

Tuy đang mùa hè, nhưng bãi biển không chật kín người như những nơi khác. Trên bãi cát, những chiếc thuyền nhỏ xếp thành hàng dài. Cạnh đó, vài ngư dân đang mắc lưới chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo, một vài gia đình đang sum vầy trong chuyến dã ngoại.

< Sân chùa An Bằng.

Bãi biển ở đây gần như vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, chỉ có 5 đến 7 hàng quán nhỏ. Theo anh Hồ Bính, chủ quán ở bãi tắm cho biết, khách ở đây chủ yếu là người địa phương, khách nơi khác đến thường không nhiều.

Anh Bính nói thêm: Việc đầu tư xây dựng bãi tắm Vinh An mang lại rất nhiều lợi ích, dễ thấy nhất là lợi ích kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương.

Đem những ý kiến của anh Bính trao đổi với chính quyền địa phương, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Vinh An cho biết: “Với tiềm năng của bãi biển Vinh An, địa phương cũng có mong muốn phát triển du lịch biển. Xã đã làm tờ trình đề nghị UBND huyện sớm hoàn chỉnh quy hoạch, nhưng đến nay chưa có quyết định quy hoạch cụ thể nên chính quyền xã Vinh An vẫn chưa thể làm gì”.


< Khu lăng mộ hoành tráng của dân.

Ngoài nguyên nhân trên, việc xây dựng mở rộng tuyến đường nối từ Quốc lộ 49B đến bãi tắm của xã là một khó khăn không nhỏ.

Theo ông Thành: “Tuyến đường làm bằng bê tông, hiện nay đã xuống cấp, xã sửa chữa, nâng cấp nhiều lần, nhưng nếu để phát triển du lịch biển gắn với tham quan du lịch tâm linh thì phải đầu tư xây mới. Dân cũng có kiến nghị, xã cũng dự định làm lại tuyến đường, nhưng kinh phí ít nhất là 8 tỷ đồng, trong khi xã không đủ nguồn lực”.

Là một xã thuộc diện xã bãi ngang, kinh tế còn nhiều khó khăn, việc phát triển du lịch biển gắn với tham quan du lịch hứa hẹn là ngành mũi nhọn giúp thay đổi bộ mặt kinh tế Vinh An trong tương lai. Đó là mong mỏi, nguyện vọng của đa số người dân, cũng như chính quyền địa phương nơi đây.

Theo quy hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Vinh An là 1 trong 7 xã, thị trấn của huyện Phú Vang thuộc diện quy hoạch phân vùng sử dụng đất các bãi tắm, điểm vui chơi giải trí cộng đồng bền vững vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025.

NISAVA TRAVEL! – Theo Thể thao Việt Nam, Panoramio

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *