(Tiếp theo) Hơn 16h, bọn mình lại lên xe. Chỉ chạy thêm tầm 300 mét nữa là đến ngã 4 có nhánh rẽ lên đồi Bằng Lăng, vậy là đã chạy giáp vòng quanh núi Bà Rá – chiều dài con đường này khoảng 11,5km với nhiều dốc, cua khá đẹp giữa các vườn điều.

< Bọn mình trở ra ngã 4, bi giờ sẽ khám phá một phần Hồ Thác Mơ xem thế nào.

Ngược lại đường Hồ Xuân Hương, mình lại quẹo vào ngõ cầu Thác Mẹ để tìm đường ra hồ Thác Mơ. Qua một dốc đứng có cua gắt, mình gặp một ngã 4 đường nhựa, rẽ trái là đi ra đường TL741 còn chạy thẳng sẽ ra một trong những đập ngăn dòng của hồ thủy điện Thác Mơ – mình chạy thẳng.

< Qua cầu Thác Mẹ, lên một con dốc gắt rồi thì mình gặp ngã 4 (tại đây), bọn mình chạy thẳng gặp đường như thế này.

Thuỷ điện Thác Mơ nằm trên bậc thang đầu tiên trong tổng sơ đồ khai thác năng lượng của lưu vực sông Bé, thuộc địa phận thị xã Phước Long, huyện Bù Đăng và huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, cách Tp. Hồ Chí Minh 170km về phía Tây Bắc…

< Con đường với nhiểu đoạn lên đồi xuống dốc, khá vắng xe. Nhiều đoạn trồng cây công nghiệp nhưng không phải cây điều.

Vận hành từ năm 1995 đến nay với hồ chứa 1,3 tỉ m³ nước, hai tổ máy, mỗi tổ 75MW, thuỷ điện Thác Mơ có nhiệm vụ chính là sản xuất điện, điều tiết lũ cho hạ du kết hợp nuôi trồng thủy sản và ‘du lịch’.

< Mình dừng lại nhiều lần, đơn gian chỉ muốn tìm ít tấm ảnh đẹp. ‘Đường vắng’ với dân phượt là điều tuyệt vời.

Xem qua: sản xuất điện dĩ nhiên là mục tiêu chính. Những năm đầu mới đi vào vận hành, Thuỷ điện Thác Mơ đóng vai trò là một trong những nguồn điện chủ lực cho lưới điện miền Nam, đã tham gia khắc phục việc thiếu điện gay gắt lúc bấy giờ. Công trình chiến lược này còn là tiền đề để xây dựng hai nhà máy thủy điện bậc dưới là Cần Đơn và Srok Phú Miêng.

< Xuống dốc thả trớn, gió vi vu bên tai… rồi lại lên tiếp con dốc dài, hai bên chỉ toàn là rừng bụi trên vùng đất đỏ.

Riêng về nhiệm vụ ‘điều tiết lũ’, có lẽ đây là chuyện… nghe chơi vì thủy điện bao giờ cũng tính cái lợi cho mình, tức là tích nước càng nhiều càng tốt vì nước sinh ra tiền – hạ lưu thiếu nước thì… rán chịu. Còn lũ nhiều, nước hồ đến độ cao nguy hiểm thì buộc phải xã tràn dù hạ lưu có cần hay không cần nước…

< Từ đỉnh con dốc, mình ngắm máy rồi chụp ngược lại. Máu phượt nổi lên, cứ như thế này chắc làm nguyên cung đường ven hồ Thác Mơ quá, về nhà chắc sập tối luôn.

< Đổ dốc qua một rừng cây công nghiệp, mình thấy con đập bên dưới. Đây chỉ là một trong nhiều con đập của hồ Thác Mơ.

Nuôi trồng thủy sản thì đương nhiên, có nước phải thả cá tăng thêm nguồn lợi. Riêng vế ‘du lịch’ thì mình đang… kiểm nghiệm đây: con đường bọn mình đang chạy sẽ băng qua phần đập đầu tiên rồi đến nhà máy thủy điện Thác Mơ (cả phần đập có cổng lấy nước), đường sẽ kéo dài ven hồ rồi nối vào TL760 (có thông tin ghi 750), vượt sông bằng cầu sắt để đến Sóc Bom Bo…

< Dựng xe tạm ven đầu đập, mình thử xuống lòng hồ xem sao. Vị trí nơi này tại đây.

Sau khi qua cầu Dăk Lấp sẽ nối vào QL14 ngay ngã 3 Minh Hưng. Từ đây, theo QL14 trở ngược về đến ngã 3 Bù Na sẽ rẽ phải vào đường ĐT759 để trở về Phước Long, hoàn tất một cung đường ‘du lịch’ ven hồ. Cung đường này cũng có những nhánh rẽ nhỏ giúp ta vào các thôn bản ven hồ, thậm chí ra sát bờ hồ đấy – cứ chịu đi là tới hết.

< Sát mép hồ là những cây công nghiệp gì đó trồng thành hàng.

Vậy nhưng, chạy một hồi, đụng chuyện mới thấy việc hồ thủy Thác Mơ dành cho du lịch chỉ là chuyện… ‘lơ tơ mơ’. Bạn xem tường thuật của mình ở phần dưới nhé.

< Dưới này nhìn lên: nửa kia đang cất khẩu trang, bao tay… vì nắng đã xế chiều rồi.

< Gần mép nước. Thật ra đây chỉ là một góc rất nhỏ của hồ – bạn xem lại vị trí nơi mình đang đứng trên bản đồ. Từ ‘vụng’ nước này có những nhánh thông ra hồ lớn ngoài kia.

< Đập nước phía dưới hồ nhìn lên, thân đập cũng là một con đường, đường này chạy thẳng đến nhà máy thủy điện, ngang đập chính và nối vào TL760.

< Chụp một phát rừng cây công nghiệp  xanh um nơi mình đứng rồi lại trở lên lộ.

< Con đường thẳng băng trên thân đập đây. Ngắm nghía một hồi rồi bọn mình sẽ thẳng tiến, chạy ngang qua đập chính  của thủy điện Thác Mơ để hướng về Đức Hạnh và chạy theo con đường ven hồ đi Sóc Bom Bo, QL14…

< Nhưng đó là chuyện sau, bây giờ khám ‘điền thổ’ nơi này cái đã. Bình Phước nói chung không dư thừa cảnh đẹp, nhất là trong mùa khô… nên gặp gì hay phải chộp liền!

< Thân trái của đập nước đây: thoai thoải, có đoạn trồng cỏ theo ô vuông, có khúc kè đá và bê tông… nhưng cỏ đang cháy khô màu đỏ úa.

< Từ giữa thân đập nhìn thấy rõ núi Bà Rá, xem cũng hay đó chứ?

< Xa xa, thấp thoáng bóng nhà cửa tại trung tâm thị xã Phước Long.

Lúc này mình bổng nghe ai quát to: ‘Này, này’…
Xoay người nhìn lại thì thấy hai anh mặc sắc phục bảo vệ màu xanh, nón xanh… đậu xe ngay phía sau, trên đường.

< Còn mặt đập mé bên hồ đây. Mùa khô, kiệt nước… Chắc cũng không xa mực nước ‘chết’ là bao.

Tay bảo vệ trung niên hạch hỏi:
– Anh làm gì thế?
– Tôi ngắm và chụp hình, anh không thấy sao?
– Anh đi đâu vào đây, vào làm gì?
– Tụi tôi đi du lịch, có gì lạ đâu?
– Bây giờ đường này là đường cấm, anh lại đây…

Vừa lúc này thì có một xe gắn máy khác lại chạy vèo tới, trên đó có 2 chị gái và đứa trẻ, tay bảo vệ lại khua gậy “Này, này… dừng lại! đi đâu đó?”. Xe dừng, khách trên xe ngơ ngác: “Tôi đi chụp hình”. “Không đi được, quay lại đây!”

Mình đưa máy ảnh vào trong áo gió, kéo dây kéo, bước ngang hai ‘ông cố’ bảo vệ và nói:
– Cấm đường thì nên trưng bảng cấm ngoài kia để người dân đi ngã khác, không phải vào đây cho mất công. Bình Phước đã thiếu khung cảnh du lịch, lại gặp ‘cấm cửa’ thế này thì ngành du lịch địa phương các anh chỉ có ngáp ruồi. Bây giờ không cho đi thì tụi tôi trở ra.

Vậy là trở đầu xe ra, hứng khởi đã tiêu hao vì nắng nóng, bây giờ thì tan mất sạch!

Du lịch tại nhiều nơi được xem là ‘kỹ nghệ không khói’. Bọn ‘phượt’ mình không tiêu xài nhiều, vậy nhưng cũng phải thuê phòng ở, cũng phải ăn tiệm, mua nước chai, mua vé cáp treo…v.v…
Quan trọng nhất là chuyến đi được tường thuật chi tiết trên Blog để quảng bá cho nhiều bạn khác…

Tất tật mọi thứ đó cũng góp một phần vào nền kinh tế địa phương đó chứ?

< Nhưng thôi, cụt hứng rồi thì trở về lại trung tâm thị xã Phước Long. Đây là góc đường Lê Quý Đôn – Trần Hưng Đạo (xéo sau lưng là nhà thờ giáo xứ Phước Long), nơi này có quán bánh xèo lề đường…

< Bánh xèo ngon, giòn – 10k/cái bánh lớn tráng kiểu miền Nam nhưng lại ăn kèm bánh tráng theo cung cách miền Trung.
Trà đá có sẵn, mát lạnh. Khi mới bắt đầu phượt, trà đá các nơi bọn mình không dám rớ cho dù khát cách mấy. 

Vậy nhưng sau này uống tất, nhất là trong tiết trời nóng như nung này – không chết ai mà lo, hi hi…

< ‘Nửa kia’ chưa đủ đô nên măm thêm gỏi cuốn + bánh chuối nếp nướng…

< Mình không hảo món này nên đi loanh quanh. Đây là đầu đường Đinh Tiên Hoàng – Lê Qúy Đôn.

< Mé trái là công viên hình tam giác nhỏ, mé bên kia có hàng quán, có quán chè đá… Tý nữa sẽ qua ‘kiểm tra’ cho biết.

< Bưu điện thị xã Phước Long đây.

< Trở xe lại một tua để ghé qua quán chè, trễ mất cảnh mặt trời lặn, thật tiếc!
Đây là hướng ngay hồ Thủy Long, ven hồ có Tịnh Xá Ngọc Phước.
Cụt hứng, vậy nên cả hai xử lý bằng cách ghé quán chè đá (hi hi).

< Măm chè xong, ghé công viên. Trong đây có gốc cây kỳ lạ này.

Tối, lại lên xe mang theo quà chạy ngang trường Phổ thông Dân tộc Nội trú xã Phước Long lần nữa nhưng trường vẫn cửa đóng then cài, không có ai…

Đành vậy, hôm sau là ngày chủ nhật: có lẽ sau khi lên đỉnh Bà Rá xong thì bọn mình sẽ về vậy, cắt ngắn chuyến đi.

Còn tiếp
Phần 1 – Phần 2 – Phần 3 – Phần 4 – Phần 5 – Phần 6 – Phần 7

Điền Gia Dũng
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *