(TBKTSG) – Khác với Vũng Tàu, vốn nổi tiếng là chốn du hí, ăn chơi của dân có tiền, vùng đất Bà Rịa được biết đến với những huyền thoại đất và người, nơi an nghỉ của những bậc tiền bối dày công mở đất phương Nam và những vị tướng tài với nhiều bí ẩn chưa được giải mã… Và địa danh này gắn liền với câu chuyện về Bà Rịa nương nương, một phụ nữ quê gốc ở Phú Yên.
Sách Đại Nam thực lục tiền biên cho biết địa danh Bà Rịa được sử nhà Nguyễn nói đến vào năm 1690. Năm 1776, Lê Quý Đôn cũng đề cập tới địa danh nầy trong cuốn Phủ biên tạp lục. Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí có ghi: “Bà Rịa ở địa đầu biên giới trấn Biên Hòa, là đất có danh tiếng, cho nên các phủ phía Bắc có câu ngạn rằng, “cơm Nai Rịa – cá Rí Rang” ấy là lấy xứ Đồng Nai mà Bà Rịa đứng đầu bao gồm cả Bến Nghé, Sài Gòn, Mỹ Tho, Long Hồ vậy”.
Ghi công người mở đất
Theo cụ Huỳnh Văn Bộ, văn kiện thời Minh Mạng năm thứ 12, cho biết bà Rịa quê ở Phú Yên, gia đình nghèo, năm 15 tuổi (thời chúa Nguyễn Phúc Tần) bà theo cha mẹ vào lập thân tại Long Lập (xã Long Phước ngày nay). Không chồng con, bà mất năm 94 tuổi (khoảng năm 1759).
Bà Rịa là người có công khai phá đất đai, lập làng, lập ấp tại địa phương nầy, vua Minh Mạng ngưỡng mộ tài đức, ghi nhận công lao của bà nên ban họ vua cho bà: Nguyễn Thị Rịa, ghi thêm hai chữ “sương phụ”. Năm 1831, để đề cao một phụ nữ dân dã vua lấy tên bà đặt tên tỉnh: tỉnh Bà Rịa. Năm 1936 mộ bà được quận trưởng Long Điền xuất công quỹ trùng tu. Từ năm 1945, khu mộ dần bị hoang phế. Năm 1972, mộ được tu sửa và bà được thờ trong đình Phước An (xã Tam Phước).
< Điện thờ Bà Rịa Tiên nữ nương nương.
Ngày nay, mộ phần bà Rịa ở Tam Phước (Long Điền) nằm bên con đường chính, với chiếc cổng khang trang ghi hàng chữ: Mộ Bà Rịa, cùng một hàng rào tường đẹp đẽ. Khu mộ rộng lớn với những hàng trúc, tre đằng ngà, bồ đề cùng nhiều loại cây xanh cho bóng mát. Song song với ngôi mộ là điện thờ Bà Rịa nương nương, được tôn tạo năm 2010. Vòng thành khu mộ xây bằng đá ong mài, rộng 7 mét, dài 8,2 mét; tường cao 1 mét, dày 0,5 mét. Bên trong là ngôi mộ xây bằng ô dước với một nấm bằng nằm trên ba bậc cấp.
Dấu xưa đất cũ
< Bàu Thành ngày nay.
Ngày nay, đến Long Điền, vẫn nghe người bản xứ nhắc đến câu ca dao: “Bao giờ bưng Bạc hết sình / bàu Thành hết nước thì mình hết thương”. Bàu Thành là một bàu nước lớn hình chữ nhật (dài 450 mét, rộng 250 mét) có bờ đất cao bao quanh với hàng tre xanh mướt. Có thể đây là Mô Xoài, như Trịnh Hoài Đức viết trong Gia Định thành thông chí: “Bô Tâm (vua nước Cao Miên) đắp lũy đất ở vùng địa đầu Mô Xoài. Phía ngoài trồng tre gai, tăng thêm quân và voi để phòng thủ, thế rất vững”. Tại bàu Thành, xưa kia người Pháp khai quật được gốm, con lăn bằng đá sa thạch và đưa về viện Bảo tàng Sài Gòn (nay là Bảo tàng Lịch sử TPHCM). Nhà khảo cổ học Malleret cho rằng đó là gốm Óc Eo.
Bàu Thành chính là cương vực phía đông của Vương quốc Phù Nam. Bàu Thành còn gọi bàu Voi tắm. Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức cho biết thêm, đây là nơi vua cho đào bàu lấy nước cho voi uống và tắm nên còn gọi bàu Vua… Di tích nầy còn nhiều điều bí ẩn, cần nghiên cứu sâu. Hiện nay di tích Bàu Thành được quy hoạch xây dựng và bảo vệ nằm trong Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Long Điền.
Cách bàu Thành khoảng 800 mét về phía nam là gò Cây Cám, là một gò cát khá lớn. Năm 1999, khi san ủi mở đường, người ta phát hiện một tượng Phật bằng đá. Theo giám định của Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ) thì tượng Phật nầy mang phong cách văn hóa thời kỳ hậu Óc Eo. Người ta cũng phát hiện một số mảnh gốm màu đỏ xương pha cát, cứng, thuộc thời Chân Lạp (thế kỷ IX-X).
< Đình thần Long Điền.
Gần bàu Thành là đình Long Điền, được công nhận là di tích văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, nhưng đến nay vẫn chưa ai biết đình Long Điền được tạo dựng từ khi nào. Theo nghiên cứu, người ta ước đoán đình được xây dựng vào khoảng đời vua Thiệu Trị (1841-1847). Quần thể kiến trúc đình hợp thành chữ đinh, bao gồm: cổng tam quan, nhà võ ca, ngôi đình chánh, ngôi tiền hiền. Bên cạnh là nhà tiên sư, nhà trù, và miếu thần nông. Trong đình hiện lưu giữ nhiều sưu tập hiện vật bằng gỗ, gốm sứ có giá trị mỹ thuật, như: bộ bao lam, đôi hạc trên mình rùa, tủ thờ, bàn thờ… được chạm trổ công phu. Đình đã trải qua ba đợt tái thiết, tôn tạo. Hiện nay chứng tích cổ còn lại tại đình là một bức tường dài 50 mét, cao khoảng 3 mét, xây bằng đá ong tô. Giữa bức tường có vọng lâu cao, phía dưới là chiếc cổng.
Đền thờ hai vị quận công nhà Nguyễn
< Đình thần Lâm Thao, thờ Tả quận công Châu Văn Tiếp và Hữu quận công Nguyễn Hữu Dật.
Ở vùng này còn có ngôi đình thần Lâm Thao Tả quận công Châu Văn Tiếp, Hữu quận công Nguyễn Hữu Dật. Ông từ Trần Văn Ngọc (sinh năm 1954) cho biết xưa kia hai đền thờ riêng biệt: đền thờ Diên Công (Nguyễn Diên) và đền Châu quận công (Châu Văn Tiếp). Đền Châu Văn Tiếp xây dựng ngoài đường cái, năm 1946, thực hiện cuộc vận động “vườn không nhà trống”, du kích xã Tam Phước đốt cả hai đình. Đình Diên công ở ngay tại đây, đốt ba lần cháy tới chánh điện thì tắt.
Năm 1954, đình Diên công được tái thiết và thêm nhiều đợt tu bổ sau đó. Năm 1975, kỳ lão đem sắc chỉ và sắc phong, chiếc ngai và bài vị Châu Văn Tiếp về thờ chung Diên công. Từ đó ban tế tự đổi tên là Đình thần Hắc Lăng thờ Lâm Thao Tả quận công Châu Văn Tiếp và Hữu quận công Nguyễn Hữu Dực. Hằng năm, đình tổ chức rất long trọng ngày vía Ông (Nguyễn Diên và Châu Văn Tiếp) vào ngày 16 tháng 6 âm lịch.
< Mộ phần Bình Tây đại đô đốc, Tả quận công Châu Văn Tiếp.
Về đền Diên công, sách Đại Nam nhất thống chi ghi: “Đền Diên công ở xã Hắc Lăng huyện Phước An có Diên công thờ khai biên công thần Chưởng cơ Diên Lộc hầu Nguyễn công”. Đền được dân làng Hắc Lăng lập trên phần mộ năm 1674, sau khi Chưởng cơ Diên Lộc hầu Nguyễn công qua đời. Khi triều Nguyễn thống nhất đất nước, Chưởng cơ Lộc hầu Nguyễn công được vua (Gia Long hoặc Minh Mạng) ban sắc thần. Năm Tự Đức thứ nhất (1847), ban cho ông sắc thần khác, từ đó dân làng lập đình thờ cúng.
Về thân thế Diên Lộc hầu Nguyễn công (Nguyễn Diên, Nguyễn Hữu Dực) khá phức tạp, có thể nói ông là một võ tướng thao lược, văn võ song toàn, khi cầm quân rất oai danh, gây chấn động. Trải qua chiến trận gian lao, hiểm trở nên Diên Lộc hầu bị trọng bệnh rồi chết ngày 16-6-1674.
Châu Văn Tiếp (1738-1784) là một vị tướng tài, một trong “tam hùng” của đất Gia Định lúc bấy giờ (cùng với Đỗ Thành Nhân và Võ Tánh). Ông tên tộc là Doãn Ngạch, người thôn Vân Hòa, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Năm 1771, khi Tây Sơn phát động cuộc khởi nghĩa nông dân, Châu Văn Tiếp chiếm cứ núi Trà Lang (Phú Yên) tung hoành một cõi. Sau khi thần phục nhà Nguyễn, ông lập được rất nhiều công trận.
Tháng Sáu năm Giáp Thìn (1784), Nguyễn Ánh phong Châu Văn Tiếp chức Bình Tây đại đô đốc, mở cuộc tấn công Gia Định. Tháng Mười, ông mở cuộc tấn công lớn vào quân Tây Sơn trên sông Mân Thít (Mang Thít, Vĩnh Long). Quân Tây Sơn thiệt hại năng, rút lui. Châu Văn Tiếp bị trong thương và mất ngày 19-10-1784. Do hoàn cảnh chiến tranh, Nguyễn Ánh sai lấy ván thuyền ghép lại làm hòm, dùng bộ nhung phục cấp tướng để tân liệm và bí mật cho người đem an táng ông tại một nơi thuộc xã An Hội (Vĩnh Long). Về sau, Nguyễn Ánh cho bốc mộ ông đem về Hắc Lăng (Phước Lăng, Long Điền nay) an táng. Nguyễn Ánh cho xây mộ ông bề thế, quy mô và khá đẹp.
Ngôi mộ nằm cách xa đình khoảng 500 mét đường chim bay. Ngôi mộ có 3 cổng, 1 chính, 2 phụ bên hông, với 2 con nghê chầu. Bên trái mộ Châu Văn Tiếp là ngôi mộ đơn giản, bia ghi: “Ngôi mộ bà phu nhân Châu Quận công Cao Thị Cấu, quê quán Hắc Lăng”. Đây là ngôi mộ do nhân dân địa phương xây. Cả khu mộ nầy, ngày nay nằm trên phần đất cát, cỏ cây um tùm, hầu như không được chăm sóc!
Đất xưa Bà Rịa còn nhiều điều cần được nghiên cứu sâu trên tinh thần khoa học để giải mã những bí ẩn mang màu huyền thoại dù chỉ mới trải qua khoảng ba trăm năm, thời gian chưa dài đối với sự phát triển một vùng đất có ý nghĩa lịch sử.
Theo Phù Sa Lộc (Thời Báo Kinh Tế Sàigòn)
NISAVA TRAVEL!