Một phác họa tuyệt đẹp bức tranh vùng đất Tổ. Phú Thọ, đất Tổ của dân tộc Việt, là vùng đất thiêng của người Việt Nam kể từ ngày các Vua Hùng dựng nước, đặt tên hiệu Văn Lang, quốc gia đầu tiên của Việt Nam, với Thủ đô là Phong Châu, thành phố Việt Trì, Phú Thọ hôm nay.

Phú Thọ cách Hà Nội 90 km, là vùng núi trung du Bắc Bộ, phía bắc giáp Tuyên Quang, Yên Bái; phía đông- đông nam giáp Vĩnh Phúc, Hà Tây; phía tây giáp Sơn La; phía nam giáp Hòa Bình, tất cả 4 phía vây bọc lấy đất Tổ Phú Thọ như một vành đai bảo vệ và cũng là những miền đất nằm trong hành trình trở về nguồn cội tổ tiên dân tộc Việt.

Theo truyền thuyết xưa, khi tìm đất để đóng đô, Vua Hùng thứ nhất đã định chọn Hà Tĩnh, nhưng thấy 99 ngọn Hồng Lĩnh tuy đẹp song vùng này đất hẹp, sỏi đá cằn khô, sông ngòi nông cạn, ngắn ngủi, nên bỏ đi về miền trung du cao rộng.

Tới ngã ba Sông Thao(Sông Hồng) nước đỏ,Sông Lô nước xanh,Sông Đà nước đen quấn quanh 3 ngọn núi đột ngột nhô cao như đầu rồng là núi Hùng, núi Trọc, núi Văn xếp hàng chầu về linh địa có 99 ngọn đồi như 99 thớt voi từ Phú Lộc đến Thậm Thình, lại thêm vài chục quả đồi thấp hơn như đàn rùa từ Việt Trì bò lên, địa thế vừa đẹp như tranh vẽ,vừa phát nở dài rộng, Vua Hùng vừa ý chọn làm quốc đô, tức Phong Châu, ngã ba Bạch Hạc, thành phố Việt Trì.

Là miền đất cổ nên Phú Thọ chứa trong mình nhiều di tích gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc Việt.

Mỗi cái tên, mỗi miền đất Phú Thọ là một sự tích đầy dấu ấn của người Việt cổ. Những di chỉ khảo cổ văn hóa Sơn Vi có từ 20.000 năm trước, Đồng Đậu thời trung kỳ kin khí khỏang 3000 năm trước CN, Làng Cả… nhiều đình, chùa, lăng, tẩm để lại xung quanh vùng inú Nghĩa Lĩnh gắn với 18 đời Vua Hùng, các triều đại Lý, Trần… Và một di sản văn hóa phong phú gồm bao nhiêu tác phẩm ca dao, tục ngữ, truyện thơ, các làn điệu ca hát dân gian của các dân tộc ở đây như hát “xéc bùa”, hát “ví”,hát “đúm” của người Mường, hát “xoan”, hát “ghẹo” của người Việt… Cho thấy đất Phong Châu, Phú Thọ là một trung tâm văn hóa của người Việt từ xa xưa.

Những danh lam thắng cảnh ở Phú Thọ cũng rất đặc trưng của vùng đất cổ, mang những nét đẹp hoang sơ như từ thuở xưa huyền hoặc trong cổ tích, thần thọai không hề bị phai dấu dù đã trải qua hàng nghàn năm.

Núi Thắm, còn có tên là núi Đầu Rồng, dài gần 4km. Núi có hình đầu rồng vươn lên trời cao và luôn được phủ màu xanh thẫm của rừng cây. Trên đỉnh núi có một cáo ao nhỏ gọi là Ao Tiên, tương truyền nơi này các nàng tiên trên thượng giới hay bay xuống trút xiêm áo tắm gội, chẳng thế mà đã có trong dân gian câu chuyện cổ tích người trần lấy vợ tiên, chỉ vì ngắm trộm tiên tắm…Nước ao trong xanh, không bao giờ thấy cạn, kể cả mùa nắng. Xung quanh núi Thắm là hàng trăm ngọn đồi thoai thỏai nằm kề nhau như bát úp, xanh mướt những vạt chè, cọ, sơn, trẩu… những cây làm giàu cho cuộc sống của người dân ở đây.

Đầm Ao Châu (hay Trâu), là một hồ nước lớn ở Ấm Thượng- Hạ Hòa, mặt hồ khỏang 2km2. Hồ có hình dáng như đầu một con trâu có 2 sừng chõai về phía Sông Thao, Sông Chảy. Đầm có 99 khe ngách đa xen nhau theo các dãy đồi bao xung quanh. Cây cối có vẻ hoang dã với nhiều lọai cây lá kỳ di. Phong cảnh ở đây huyền hoặc bí ẩn như thần thọai bởi các “cư dân” có hình dáng kỳ lạ, như sống từ thời thượng cổ, đến đây có thể làm bạn với những “cụ” rùa cổ quái, tôm, cá mang những dáng vẻ lạ lùng… Theo như truyền thuyết dân gian thì nơi đây là chốn “ẩn cư” của các binh tướng Thủy Tinh sau khi bại trận Sơn Tinh.

Trèo núi Thắm, xuống đầm Ao Châu, mời vào hang động Xuân Sơn- thanh Sơn, phía tây bắc Phú Thọ, một quần thể hang động kỳ ảo, nằm sâu trong rừng cây bạt ngàn ẩn chứa nhiều bí ẩn . Những nhũ đá trong hang rủ xuống, phủ rêu xanh nhìn mềm mại như tóc các nàng tiên núi dập dờn theo làn gió vô hình, và tiếng gió cũng vô hình chỉ cảm thấy một cách mơ hồ đang tấu khúc nhạc của tiên nữ vùng sơn cước nghe âm âm u u, giống tiếng xưa vọng về huyền bí.Động Tiên ở đây là một hang ngầm trong lòng núi đá cẩm thạch dài 10km, trong động có những đường thông gió thẳng lên đỉnh núi, hắt các tia mặt trời như sợi vàng  mảnh mai thêu dệt trên vách đá phủ mượt rêu mịn nhung những vệt  óng ánh lung linh huyền ảo, như đang lạc vào sơn động của thần tiên núi rừng.

Rừng Xuân Sơn cũng là một khu rừng đầy kỳ hoa dị thảo mà lúc đầu cứ ngỡ chỉ có trong truyền thuyết. Như lọai cây thay màu lá 4 lần trong ngày giống nàng tiên thay xiêm áo, cho sáng-trưa-chiều-tối lúc nào cũng tươi mát diễm lệ, hay lọai cây kim giao có hoa 3 năm mới nở, lưu giữ hương thơm hàng trăm năm ngàn năm,rồi lọai cây có những cái nắp như một bình rượu nhỏ xinh hé mở đầy sự mời gọi quyến rũ. Chim chóc muông thú ở đây cũng là những sinh vật cổ quái, chồn bay sóc bay, các lòai chim sặc sỡ sắc màu tiếng hót như chuông như khánh  âm vang cả rừng…

Di tích cổ còn sót lại ở Phú Thọ, không thể bỏ qua hai ngôi chùa có từ thời Lý-Trần. Chùa Xuân Lũng- Lâm Thao, có tấm bia đá lớn 3,2mx1,2mx0,95m,trên viết nhiếu thông tin quý về lịch sử, phong tục, văn hóa từ thế kỷ 14 (1377-1388) ở ngay chính điện.Hay chùa Phúc thánh ở núi Ngọc Phúc, xã Hương Nộn, Tam Nông. Chùa do bà phi Lê Thị Lan Xuân( phi thứ 5 của Vua Lý Thần Tông) dựng năm 1145, chùa là một công trình kiến trúc cổ tòan bằng gỗ chò chỉ rất đẹp.Ngòai ra còn có Đình Cổ Tích, chùa Bồng Lai, đền Hiền Quang…

Ngòai những di tích cổ xưa thần thọai, Phú Thọ còn nổi danh với hai khu di tích gắn với chiến công vang dội của quân và dân Việt Nam những ngày kháng chiến chống Pháp. Khu di tích chiến khu Hiền Lương và chiến khu Vạn Thắng, cùng những chiến công của “Việt Minh’, “Vệ Quốc Đòan” đã làm nên nguồn cảm hứng cho các tác phẩm nhạc- ca khúc còn mãi với thời gian như Trường ca Sông Lô (Văn Cao),Du kích Sông Thao (Đỗ Nhuận).

Nhưng đến với Phú Thọ, đến với vùng đất Tổ, không ai không hướng về kinh thành Văn Lang- Phong Châu xưa, Hạc trì hôm nay, và núi Nghĩa Lĩnh, nơi thờ 18 vị Vua Hùng, miền đất mang niềm kiêu hãnh của muôn đời con Rồng cháu Tiên dân tộc Việt.”Dù ai đi đâu về đâu/nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”

Đất Tổ là vùng đất thiêng với bao truyền thuyết gắn liền với những chiến công dựng nước giữ nước mà hàng ngàn năm sau con cháu vẫn hằng ghi nhớ.Vùng Hạc Trì có làng Lâu Thượng tục gọi là Kẻ Sử, nơi Vua Hùng làm việc.

Làng Lâu Hạ là nơi cung thất của vợ con Vua. Làng Dữu Lâu tục gọi  Kẻ Trầu là nôi có vườn trầu của Vua. Làng Tiên Cát tục gọi  Kẻ Cát là nơi Vua Hùng 18 dựng lầu kén rể cho Công chúa Mỵ Nương, tại đây Sơn Tinh đã thắng Thủy Tinh trong cuộc thi tài”voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao”. Làng Nỗ Lực là nơi có trường tập bắn cung tên. Làng Thanh Miễn là nơi có nhà Thái miếu thờ các Vua Hùng. Làng Minh Nông tục gọi Kẻ Lú là nơi Vua Hùng dậy dân cày cấy, tại đây còn có đồi Mã Lao, nơi Vua Hùng nghỉ ngựa trong các cuộc du hành. Làng Nông Trang là nơi có kho lúa của Vua. Làng Hương Trầm là nơi Lang Liêu, con trai út Vua Hùng thứ 6 cấy lúa của Vua, làm ra bánh chưng bánh dày dâng tặng Vua cha cúng lễ tạ ơn Trời Đất. Làng Thậm Thình là nơi dân làng giã gạo dâng Vua. Làng Kim Đái là nơi bản doanh của các Lạc Hầu. Đồi Tháp Long là nơi các quan làm việc. Làng Cẩm Đợi và làng Thụy Vân là bản diang của các Lạc Tướng và là nơi luyện quân.

Vùng Phủ Ninh, nơi các Vua Hùng thường đi săn, đặc biệt vùng này gắn với truyền thuyết con voi thứ 100 bất nghĩa bị Vua Hùng trừng phạt, biến thành đồi Phú Lộc hình con voi, cách xa 99 ngọn đồi khác quay về 1 phía xung quanh núi Nghĩa Lĩnh. Làng Khang Phụ, có mộ Vua Hùng, ở đấy có lăng Vua, tục truyền là mộ Vua Hùng thứ 6, sau khi Thánh Gióng đánh giặc Ân thắng lợi cưỡi ngựa sắt bay về trời, Vua cũng cởi áo ắt lên cành cây kim giao rồi hóa. Vùng Thanh Ba, làng Vũ Lao có núi Thắm, nơi các Vua Hùng hay đi săn bắn. Vùng Hạ Hào, làng Hiền Lương cách tây bắc Đền Hùng 40km là Đền thờ Mẹ Âu Cơ- Mẹ Việt Nam.Vùng Tam Nông, làng Dị Nâu, hữu ngạn Sông Thao, cách phía nam Đền Hùng 15km là nơi Đức Thánh Tản Viên đóng quân trước khi xuất trận đánh giặc Thục xâm lược. Vùng Thanh Thủy, làng Lăng Xương ở tả ngạn Sông Đà, cách phía nam Đền Hùng 20km là Động Lăng Xương, quê Mẹ Âu Cơ, hiện nay có Đền thờ Thánh Mẫu Đức Tản Viên Sơn Thánh.

Đền Hùng, trung tấm điểm của vùng đất Tổ, tọa lạc trên đỉng Nghĩa Lĩnh, một ngọn núi có hình đầu rồng, hướng về ngã ba Hạc Trì, xanh um cỏ cây, oai hùng như một con rồng ngẩng cao đầu mhìn trời. Tục truyền Đền nguyên là ngôi miếu thờ 18 Vua Hùng, sau tới đời Vua Tự Đức (1874) đã được xây dựng quy mô hơn thành một quần thể Đền, Chùa thờ cúng 18 đời Vua Hùng cho đến hôm nay. Ngòai khu vực Đền, Chùa thờ Vua Hùng ở dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, phía đông nam còn có Đền Giếng Ngọc.Tương truyền ngày xưa, giếng là nơi 2 Công chúa con Vua Hùng 18 là Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi mặt chải tóc. Ngày nay, ai lên Đền Vua trên đỉnh núi, đều ghé qua Giếng Ngọc khóat vốc nước rửa mặt, rửa bụi đường, uống một hớp nước giếng cho lòng thanh sạch để lên núi ra mắt Tổ Tiên.

Hàng năm Lễ hội Đền Hùng là Lễ hội to nhất nước vào ngày 10.3 âm lịch, và bắt đâu từ Xuân Nhâm Ngọ- 2002, giỗ Tổ Hùng Vương chính thức là Quốc Lễ, từ 2006, mọi người được nghỉ làm việc ngày này để kỷ niệm Lễ giỗ Tổ. Lễ giỗ chính thức ngày 10.3 âm lịch, nhưng thường được bắt đầu từ ngày 8.3 và kéo dài tới 11.3. Ngòai các đám rước theo nghi lễ cổ truyền, còn có nhiếu cuộc diễn xướng dân gian đặc sắc của người Việt, người Mường như hát xoan, hát chèo, hát đúm, đu tiên, đua thuyền, rước rồng, đánh cờ, đấu vật, nâu cơm trông em… Đến ngày này, từ khắp mọi miền đất nước, kể cả những người con xa xứ, xa Tổ quốc đều ngưỡng vọng về Đất Tổ với tấm lòng thành kính.

Mười tám đời Vua Hùng dựng nước, giữ nước với bao truyền thuyết sống mãi cùng dân tộc Việt. Từng người dân Việt đều mang mình dòng máu Hùng Vương, tinh thần Hùng Vương, để thành sức mạnh vượt qua bao thử thách gian lao, luôn giữ vững cơ đồ Tổ tiên gây dựng. Tự hào là những hậu duệ của các Vua Hùng, của con Hồng cháu Lạc, dòng dõi Rồng Tiên, càng thấm thía hơn câu nói của Chủ Tịch Hồ Chí Minh;’Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ  nước”. Để cho  Tổ quốc Việt Nam muôn đời trường tồn vững mạnh.

NISAVA TRAVEL! – Theo VnExplorer, ảnh internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *