Người xứ Huế thường ngợi ca thành phố mình có sông Hương, soi bóng thành quách, lâu đài. Người Quảng Trị chẳng bao giờ quên quê mình có dòng Thạch Hãn lững lờ trôi bên Thành Cổ huyền thoại. Còn người Quảng Ngãi thì tự hào về thành phố trẻ bên sông-nơi từ lâu gọi là đất Cẩm Thành.

Bốn mùa trong năm tôi đều lên núi Thiên Ấn để được thưởng ngoạn thành phố Quảng Ngãi thân yêu nằm bên kia dòng sông Trà. Thành phố Quảng Ngãi đẹp hơn cả có lẽ trong tiết đông tàn khi trời bãng lãng mù sương. Lúc đó, dòng sông Trà Khúc trong xanh, đầy nước, như dải lụa mềm vắt qua những làng mạc rồi nhẹ nhàng trôi qua thành phố. Cầu Trường Xuân, cầu Trà Khúc cũ, Trà Khúc mới như vạch nối giữa đôi bờ con sông.

< Cầu Trường Xuân xưa.

Thành phố Quảng Ngãi xưa có tên gọi là đất Cẩm Thành. Tuần phủ Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) từng vịnh: “Châu Sa để dưới chân chờ mãi/ Trấn chỉ sau lưng phía Cẩm Thành”. Còn thi sĩ Bích Khê thì viết: “Trà Giang, Thiên Ấn chuông gầm sóng/Vang tiếng ngàn năm đất Cẩm Thành”.

Lê Trung Việt  trong Non nước xứ Quảng cho rằng trước năm 1975, xã Cẩm Thành  gồm 4 ấp Nam Lộ, Bắc Lộ, Thu Lộ, Bắc Môn. Viện dẫn những điều này để thấy tên gọi Cẩm Thành tức Thành gấm có từ xa xưa và ăn sâu trong ký ức nhiều người.

Theo địa chí Quảng Ngãi, đơn vị hành chính của thành phố Quảng Ngãi lúc bấy giờ gồm các thôn xã xưa như: Xã Ba La, xã Chính Mông, châu Vạn Tượng, xã Đại Nham, châu Phù Khế thuộc Tổng Nghĩa Hạ, huyện Chương Nghĩa.

< Bờ xe nước ven sông Trà xưa.

Còn theo Quảng Ngãi tỉnh chí do tuần phủ Nguyễn Bá Trác chủ biên thì đến năm 1933, thành phố Quảng Ngãi đếm được 331 ngôi nhà với số dân chỉ 1.278 người. Nếu tính trong khu vực nội thành Quảng Ngãi (được xây dựng dưới thời Gia Long thứ 14 tức năm 1815) thì năm 1933 có thêm 87 nóc nhà và 584 người dân.

Chừng ấy thôi đã cho thấy thành phố Quảng Ngãi xưa thật bé nhỏ và dân cư thưa thớt. Nếu so với bây giờ thì số nhà, số dân năm 1933 chỉ bằng một con hẻm trong lòng thành phố hôm nay.

< Đường phố tại Quảng Ngãi xưa.
NISAVA
Thành phố Quảng Ngãi trước năm 1975, mặc dù được mở rộng hơn, nhưng cũng chỉ lèo tèo những con đường như: Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Lê Trung Đình… Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thành phố Quảng Ngãi (hay nói đúng hơn là thị xã Quảng Ngãi) lại ngủ yên hơn một thập kỷ bởi Quảng Ngãi sáp nhập với Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình, tỉnh lỵ đóng ở thành phố biển Quy Nhơn. Thời đó, cuộc sống khó khăn, người dân thị xã Quảng Ngãi đã nông thôn hoá thị thành. Nhà nhà che chắn lại thành vuông, thành khoảnh để nuôi heo, trồng mướp, trồng bí, trồng bầu. Dòng sông Trà trong mùa mưa lũ, không có đê bao che chắn nên chỉ sau vài ngày mưa lớn ở thượng nguồn thì “phố  biến thành sông”.

< Đá Thần nông (đá Dựng) thuộc quần thể núi Giàng, thôn 1, xã Nghĩa Dõng, TP. Quảng Ngãi.

Tôi nhớ như in, năm 1989, tỉnh Nghĩa Bình chia đôi. Thị xã nhỏ bé đón hàng nghìn cán bộ, công nhân viên chức trở về. Trụ sở UBND thị xã trở thành trụ sở của UBND tỉnh, mỗi sở ngành được phân ở tạm một phòng để làm việc. Ngày đó, nghèo khó vô cùng. Người người uống bia hơi, rượu độ, nhưng quanh bàn nhậu toàn chuyện “canh tân” thị xã thân yêu.

Ở khu vực phía Bắc ngã ba Thu Lộ (bây giờ là ngã năm) tỉnh đã xây dựng 96 căn hộ cho cán bộ, công chức tá túc và khu này lập tức mang tên Khu 96 hộ. Bây giờ, khu vực này đã nâng lên hàng trăm hộ.

Nối theo nó là cả khu vực nhà cửa bên sông theo dọc đường Hai Bà Trưng. Nhưng cái tên khu 96 hộ vẫn cứ còn. Âu cũng là ký ức của một thời mà theo thời gian vẫn cứ tồn tại dù nhiều năm sau nữa.
NISAVA
Bạn bè tôi thường sống bằng hoài niệm. Có lúc cùng nhau đi chụp hình lăng ông Bùi Tá Hán, tháp nước bên vườn hoa Bưu điện xem một ngôi nhà kiến trúc kiểu Pháp trên đường Hùng Vương hay thắp hương miếu thờ bà Thánh Mẫu trên đường Võ Thị Sáu. Tất cả đều cảm nhận thành phố đang trở mình lớn lên nhưng ẩn sâu trong lòng nó là cả một quá khứ thăng trầm.

Chẳng ai quên khu vực Nhà máy Đường Quảng Ngãi trước đây thuộc xã Quảng Phú, bây giờ là phường. Từ một Nhà máy đường, bây giờ trở thành KCN Quảng Phú với hàng chục nhà máy: Sữa, bánh kẹo, bia, chế biến hải sản, lâm sản xuất khẩu…

Còn về hướng nam, 23 năm trước hoàn toàn không có ngã năm mới nhưng bây giờ lại nằm giữa trục đường Lê Lợi 2 chiều và xa hơn là khu vực sân vận động. Con đường Bàu Giang-Cầu Mới đang hình thành, nhiều vùng đất trước kia là đồng ruộng, bãi mía, giờ là đường phố, khu dân cư.

Nhưng mở rộng quy mô hơn vẫn nằm ở phía đông thành phố. Phường Nghĩa Chánh hồi mới chia tỉnh là xã Nghĩa Chánh với đồng ruộng, bây giờ là bến xe, là khu công sở, là quảng trường, trung tâm văn hoá. Những dãy phố theo đó cũng mọc lên.

Tôi vẫn thường lang thang trên trục đường Phạm Văn Đồng mỗi khi mùa xuân sắp gõ cửa. Khi đó, con đường này khoác lên mình nó đủ sắc màu và hiển nhiên thành con đường hoa. Bên những lão mai già, là những chậu cúc vàng dung dị, hoa đồng tiền đầy vẻ chân quê và rực rỡ hơn là những chậu hoa lyly hay các dòng địa lan, phong lan nhập ngoại.

< Hoàng hôn nhìn từ núi Thiên Ấn.

Rồi năm cũ sắp tàn và năm mới sắp sang, hàng vạn người đổ về chào đón giờ phút giao thừa thiêng liêng ấy. Có năm trời giá rét mưa phùn, nhưng lòng người thành phố vẫn tràn niềm hân hoan, xua cái rét qua những lớp áo dày và phấn khích khi nhìn thấy những tràng pháo hoa bay lên.
NISAVA
Đường Quang Trung xưa thuộc trục đường thiên lý Bắc – Nam giờ nằm trong lòng thành phố. Từ khi cầu Trà Khúc mới được xây dựng, đường tránh đông lại nhận vai trò tuyến đường tránh. Và nay thành phố đang tiến về phía đông. Với tốc độ phát triển như hiện nay có lẽ mai đây, đường tránh đông rồi cũng sẽ nằm trong lòng thành phố như đường Quang Trung của vài mươi năm trước. Thế mới thấy cái áo của thành phố quá chật so với tốc độ phát triển và càng đòi hỏi các nhà quy hoạch phải cố gắng nâng tầm.

< Một góc thành phố về đêm.

Thành phố Quảng Ngãi là một thành phố trẻ trong chuỗi các đô thị miền Trung trên con đường công nghiệp hoá. Từ năm 2015, TP.Quảng Ngãi sẽ mở rộng về phía đông bắc, bao gồm thị trấn Sơn Tịnh và 9 xã gồm: Tịnh Ấn Tây, Tịnh Ấn Đông, Tịnh An, Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh Thiện, Tịnh Hòa, Tịnh Khê, Tịnh Kỳ (huyện Sơn Tịnh) và 3 xã Nghĩa An, Nghĩa Hà và Nghĩa Phú (huyện Tư Nghĩa). Như vậy, thành phố Quảng Ngãi sẽ có phố có đồng, có sông và có biển. Sông Trà Khúc sẽ nằm giữa lòng thành phố, như dòng Hương Giang chứ không còn là thành phố bên sông nữa.

Theo Cẩm Thư – Tỉnh đoàn Quảng Ngãi
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *