Ngày nay, cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành điểm hẹn của dân “phượt”. Từ Hà Nội lên đến Hà Giang xa tới 320 km, thế mà các phượt lại hầu hết chọn phương tiện là xe máy. Nhưng quả thật, có đi rồi mới biết cung đường đó đã hấp dẫn người ta đến mức nào, và chọn đi xe máy là cách cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp Hà Giang.

Bốn phía là đá tai mèo

Đó là khi phố xá đã lùi xa và trước mặt chúng tôi hiện lên miền đất trung du trập trùng rừng cọ, những đồi chè xanh mởn, no tròn như những chiếc bát úp. Rồi những vẻ thanh bình ấy cũng trôi qua nhanh, thay vào đó là núi non hùng vĩ điệp trùng của vùng cao địa đầu Tổ quốc.

Ấn tượng thực sự phải là quãng đường từ thị xã Hà Giang lên Cao nguyên đá Đồng Văn. Suốt chặng đường 160km ấy gần như lúc nào cũng một bên là vách núi dựng đứng, bên kia là vực thẳm hun hút. Lần đầu tiên tôi được biết thế nào là đá tai mèo, cả một vùng đá tai mèo nhọn hoắt cheo leo, chênh vênh ở độ cao trung bình 1.000-1.600m so với mực nước biển.
NISAVA
Cúi xuống chân thấy đá tai mèo, nhìn ra xung quanh chỉ thấy đá, ngẩng lên cũng là đá, đá liền với trời, miên man một màu trắng xám. Đứng giữa cao nguyên đá vào lúc hoàng hôn cảm giác thật là khó tả, người ta thấy mình như nhỏ bé, bơ vơ trước biển đá thăm thẳm và mịt mùng. Chẳng thế mà có người đã bảo, đá tai mèo đời đời gắn bó với người Đồng Văn.

Một đứa trẻ sinh ra, lớn lên trên Đồng Văn có khi cả đời không đi hết nổi những dãy núi đá mênh mông của quê hương mình. Đến cao nguyên đá càng thấy lạ lùng cho cái sức sống diệu kỳ của con người và cỏ cây của vùng đất này. Đời này sang đời khác, người ta cất tiếng khóc chào đời trên đá, lớn lên mưu sinh cùng với đá, chống chọi với đá mà cũng bầu bạn với đá.

Cứ thử tưởng tượng những đứa trẻ ở Đồng Văn chỉ phong phanh vài tấm áo mỏng mà lớn lên giữa cái rét buốt của mùa đông vùng đá. Rồi ngô trồng trên đá, len lỏi bám chặt vào đá mà ra bắp.

Vượt qua đèo Mã Pì Lèng lãng đãng mây bay, đây cũng là con đèo được mệnh danh đứng đầu “tứ đại đèo” của miền Bắc- còn có tên gọi Đường Hạnh phúc. Rồi thị trấn Đồng Văn chợt hiện ra trong ánh chiều nhàn nhạt. Giữa bao la mây núi, phố cổ Đồng Văn giống như nàng sơn nữ quyến rũ chìm đắm trong giấc mộng, còn dòng sông Nho Quế xanh ngắt thì giống như  chiếc khăn hờ hững làm duyên.
NISAVA
Từ trên cao nhìn xuống, nước dòng Nho Quế như không trôi. Không thể tưởng tượng rằng, nơi cao nguyên đá hùng vĩ vắt qua địa phận bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc ở cực Bắc Hà Giang lại có một thị trấn thanh bình và lãng mạn đến thế.

Thâm trầm phố cổ

Có một quần thể kiến trúc phố và chợ cổ đã hơn trăm năm tuổi nằm ở trung tâm thị trấn Đồng Văn, lọt thỏm giữa bốn bề vách núi sừng sững như tấm bình phong khổng lồ che mưa chắn bão. Phố cổ Đồng Văn cổ kính, thâm trầm, có hình vòng cung kéo dài hàng cây số tít tắp về phía chân núi. Khu phố cổ vẻn vẹn 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau. Những ngôi nhà cổ này đều có tuổi đời trên dưới 100 năm, cá biệt có những ngôi nhà gần 200 năm…

Chúng tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê ở một quán nhỏ trong lòng phố cổ. Cảm giác thật tuyệt. Giữa cao nguyên bốn bề núi đá tai mèo, một thị trấn Đồng Văn yên bình, không hối hả. Đặc biệt, nơi này như một bức tranh được đổi thay trong ngày. Buổi sáng, không gian im lìm trong sương sớm như được đánh thức bởi ánh sáng, âm thanh náo nhiệt và những sắc màu rực rỡ trong trang phục của đồng bào người Mông, Hoa, Tày, Nùng…

Chiều đến, sự yên bình cố hữu lại bao trùm khu phố cổ giữa lòng Cao nguyên đá. Đêm đến ánh đèn dầu từ mỗi chiếc bàn chỉ đủ soi lờ mờ. Trong không gian ấy đôi khi có tiếng kèn môi của chàng trai Mông trong giai điệu gọi bạn tình. Vào đêm cuối tuần, quán cà phê phố cổ lại rộn ràng với những chàng trai, cô gái từ các bản được chủ quán mời về hát những bài dân ca, thể hiện những điệu múa giao duyên…
NISAVA
Từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã tổ chức “Đêm Phố cổ” vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch hàng tháng. Trong “Đêm Phố cổ” các hộ dân trong khu phố cổ đồng loạt treo đèn lồng đỏ, cùng đó là một số hoạt động mang đậm bản sắc khác như trưng bày thổ cẩm các dân tộc, trình diễn và bày bán các món ăn truyền thống của các dân tộc phục vụ du khách.

Dù có vẻ chưa chuyên nghiệp nhưng cái dân dã của thị trấn Đồng Văn lại có sức hấp dẫn rất riêng. Giờ ở khu phố cổ, một vài ngôi nhà bê tông đã mọc lên, cùng với đó là nhiều ngôi nhà cổ đã cũ nát, xuống cấp. Người ta lo ngại khu phố cổ Đồng Văn sẽ không tránh được tổn thương.

Đến Đồng Văn, cũng không thể bỏ qua đỉnh Lũng Cú- điểm cực Bắc của Tổ quốc, nơi có cột cờ kiêu hãnh khẳng định giang sơn từ đây. Dừng tại bãi đỗ xe ở lưng chừng núi, chúng tôi hào hứng chinh phục 286 bậc đá lên độ cao khoảng hơn 1400m của đỉnh núi có địa danh là Lũng Cú này.  Lũng trong tiếng Mông là Ngô. Lũng Cú là thung lũng Ngô.

Có tên vậy là vì từ xưa đến nay cả cánh đồng Thèn Pả là cánh đồng trồng ngô lớn nhất ở Lũng Cú, đó là cách lý giải đơn giản nhất, chất phác nhất như chính con người và cuộc sống nơi đây.

Nhưng chúng tôi lại tâm đắc với cách lý giải nhuốm màu huyền thoại về ngọn núi Long Cư nơi rồng ở. Người dân ở đây vẫn kể cho nhau nghe về câu chuyện sự tích Rồng thiêng đến ở tại ngọn núi linh Lũng Cú hay xưa kia là núi Rồng. Bạn cũng không nên bỏ qua Dinh Nhà Vương thuộc xã Sà Phìn.

E là, chỉ một lần đến cao nguyên đá sẽ chẳng đủ thời gian để người ta thỏa được ước mong khám phá vùng đất kỳ thú này.

Theo Vũ Minh Duy (Đại Đoàn Kết)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *