Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Tp. Hội An) không chỉ là đảo với nhiều điểm du lịch hẫp dẫn mà còn sở hữu nhiều sản vật từ rừng đến biển như các loại rau rừng, tôm cá, và nhiều hải sản đặc biệt như bào ngư, cua đá, mực một nắng

Mực một nắng ngon tuyệt vời

Ở đảo Cù Lao, thôn Bãi Làng được xem là nơi làm mực nắng nhiều nhất, ngon nhất. Cách chế biến mực một nắng rất đơn giản. Mực tươi rửa sạch rồi trải trên vỉ đem phơi. Sau gần một ngày được nắng và gió biển hong ráo bớt nước, mực vừa se se khô rồi đem nướng lửa than hồng. Nướng vừa chín tới thì dùng tay vừa thổi vừa xé, chấm tương ớt bỏ vào miệng… để nghe hương vị biển cả hòa quyện trong lát mực. Mực một nắng tại đây có giá từ 400 – 450 nghìn đồng/kg – món quà thú vị từ đảo gửi về đất liền.

Bào ngư tươi roi rói

Bào ngư là một loại ốc cực hiếm, được biết đến với nhiều tên gọi như ốc cửu không (do có 9 lỗ trống) hay hải nhĩ (do có hình dạng giống cái tai). Loài ốc này bám vào những tảng đá ngầm san hô ở vùng nước biển có độ mặn cao, sóng gió vì vậy rất khó bị phát hiện. Để bắt được bào ngư, ngư dân có kinh nghiệm phải lặn sâu xuống biển và khó khăn lắm mới tách chúng ra khỏi những tảng đá.

Bào ngư mới bắt hay mua về nhìn con nào cũng có thân tròn dày, thịt đầy, mình đồng đều, chỉ cần rửa sạch đất cát, không cần ngâm xả chất thải như các loại ốc khác, đem nấu ăn ngay để còn giữ lại các vị thuốc có giá trị dinh dưỡng.

Thịt bào ngư giòn, có mùi vị thơm. Các món từ bào ngư nếu biết cách kết hợp với các gia vị sẽ tạo nên những món ăn vô cùng hấp dẫn mà không loại hải sản nào sánh được.
Bào ngư tươi có thể chế biến thành nhiều món ăn như luộc, hấp, xào tùy theo từng khẩu vị của thực khách. Nhiều người ưa món bào ngư luộc với gừng. Để bề mặt thịt bào ngư sau khi luộc không bị rút lại và xuất hiện các vết nứt phải bỏ bào ngư vào nồi khi nước gừng hơi nóng. Bào ngư luộc chấm muối tiêu chanh, thịt sẽ béo ngọt, ăn vào cảm giác lạ miệng, rất đặc biệt so với những loại hải sản khác.

Dân ghiền bào ngư không thể bỏ qua món bào ngư nướng. Gừng, tỏi băm vắt nước hòa với nước mắm, đường và tiêu làm nước xốt. Cho hỗn hợp này vào từng con bào ngư ướp khoảng mươi phút, sau đó nướng trên lửa than đến khi miệng ốc sôi sùng sục, bốc mùi thơm lựng thì rưới thêm nước xốt. Và chỉ chờ khoảng dăm phút cho nước xốt ngấm đều vào thịt bào ngư là có thể mang xuống bày ra đĩa thưởng thức.

Ngoài ra, có thể xào bào ngư với nấm. Trước khi xào phải chần bào ngư qua nước sôi có pha rượu và gừng xắt lát. Xào hành tây cho thơm, cho bào ngư vào đảo đều, lửa lớn, nêm giấm, muối, đường. Trút nấm xào tiếp. Cuối cùng là cho những lát gừng cắt sợi vào.

Kỳ công hơn là món bao ngư hầm gà. Đặt bào ngư vào nồi, sắp từng miếng thịt gà, tiếp theo là hành lá, gia vị vừa ăn và cho nước luộc gà vào. Bắt đầu hầm lửa nhỏ liu riu đến khi nào bào ngư mềm thì được. Trong lúc nấu thỉnh thoảng nên kiểm tra nước, nếu nước cạn thì thêm vào. Cuối cùng dùng bột năng pha nước cho vào để tạo độ sánh.

Độc đáo ốc vú nàng

Nên ra đảo Cù Lao vào ngày trăng tròn để thưởng thức những món ăn được chế biến từ ốc vú nàng. Bởi đơn giản vào mùa trăng tròn ốc vú nàng mới xuất hiện nhiều.

Không phổ biến như ở Côn Đảo, Phú Quý…nhưng ốc vú nàng Cù Lao Chàm là đặc sản lạ tai, lạ mắt đối với nhiều du khách. Chỉ với tên gọi thôi, loài ốc độc đáo này đã khiến nhiều người muốn tò mò, tìm hiểu. Thật ra vú nàng là loài ốc hình chóp lệch, trên đỉnh có một cái núm nhỏ trông tựa như bầu vú của cô gái dậy thì, vỏ ngoài màu đen xám, mặt trong lấp lánh xà cừ.

Vì số lượng có hạn, nên dân bắt ốc chuyên nghiệp phải ngâm mình dưới nước hàng giờ, dùng đèn soi rọi vào tận kẽ đá, dùng mũi dao nhọn tách từng con ốc đang bám chặt vào thành đá. Thưởng thức từng con ốc giòn giòn, ngòn ngọt mới hiểu hết kỳ công của người đi bắt ốc. Người dân xứ biển có thể chế biến ốc vú nàng thành nhiều món, trước tiên là món luộc. Nói là luộc nhưng chẳng cần tí nước nào, những con ốc vú nàng tự thân khá nhiều nước, tự nó đủ nước luộc lấy.

Ốc bắt về ngâm nước cho sạch, xếp vào nồi, trong khi luộc, mở nắp nồi, dùng đũa đảo ốc để cho thịt chín đều, sau đó vớt ra. Trong giây lát những con ốc vú nàng đã bắt đầu co dần, khi thịt đã chuyển sang màu vàng, mùi thơm lan tỏa là ốc chín. Món này ăn nóng cùng với muối tiêu, chanh, người sành ăn dùng tay húp luôn nước trong con ốc.

Món thứ đến là món nướng, món này ấn tượng không kém món luộc. Theo dân “ghiền” đặc sản biển, món ốc vú nàng ngon nhất vẫn là ốc vú nàng chín khi được nướng trên lò than. Sắp ốc lên vỉ nướng, vài phút sau nước ốc nhỏ ra vỉ nướng xèo xèo, mùi thơm bốc lên nưng nức hai cánh mũi. Ốc vú nàng nướng phải vừa chín tới ăn mới ngon, để quá lửa thì thịt bám chắc hay săn quắt lại rất khó gỡ ra. Cứ một miếng ốc vú nàng, một ngụm rượu, trong chốc lát số vỏ ốc đã bỏ đầy một góc.

Món gỏi ốc vú nàng cũng đầy hương vị đậm đà khiến người thưởng thức khó mà quên được. Thịt ốc thái mỏng trộn với da lợn, thịt ba chỉ, dưa chuột, rau răm, rau húng, đậu phụng rang giã dập nhỏ, chanh tươi, ớt và nước mắm ăn với bánh tráng nướng, chấm với nước mắm gừng là tuyệt không gì bằng.

Đặc sản cua đá

Thuyền cập bến cầu cảng bãi Làng, ngay trên bờ, những cư dân địa phương bày bán đủ loại đặc sản của miền biển đảo, gây chú ý nhất trong số ấy là những chiếc lồng sắt chắc chắn, đựng những con cua có màu sắc kỳ lạ – gọi là cua đá vì sống trên các hang đá trên núi – một món ngon dân dã của xứ đảo cù lao mà ai từng đến cũng mong được nếm thử. Vị thịt cua ngọt, thanh chứ không phảng phất vị tanh thường thấy của động vật miền biển. Do cua ăn các loại cỏ cây trên núi, nên thịt cua nồng một mùi cây rừng, thơm đến lạ.

Mỗi con cua đá trung bình chỉ lớn bằng nắm tay, và có màu sắc rất ấn tượng, mai và các chi màu nâu tím, phần bụng dưới ngả màu vàng ươm. Cua đá rất khoẻ, chạy nhanh, và thường chỉ lú đầu khỏi hang khi đêm xuống để đi ăn. Đó cũng là lúc những cư dân trên đảo đi săn cua đá. Một thợ săn cua cho biết, đi săn mà gặp 10 con, bắt được 4 – 5 con là nghề lắm rồi.

Cũng do cái “tội” nhanh chạy, dẻo dai, leo núi khoẻ, lại chuyên “ăn chay” nên thịt cua đá phải nói theo ngôn ngữ của người Hoa Chợ Lớn là “dzách lầu”, từ cái nước luộc cua đã đượm vị ngọt nhẹ, dịu thanh, thịt cua dai hơn hẳn cua biển, cua đồng, không chút mùi tanh. Nhưng cái độc chiêu nhất khi thưởng thức cua đá, đó là hương thơm kỳ lạ.

Giở ngược cái mai cua, túm mấy chân xé một đường, con cua mới luộc còn hơi nóng, phả làn khói nhẹ từ phần thịt nằm dưới mai cua, xông lên mũi phảng phất đâu đó chút the the, cay cay mùi thảo dược, đem lại cho người ăn cảm giác cứ như đang hít hơi của nồi xông giải cảm.

Dân đảo ai cũng nói cua đá là một vị thuốc, hỏi kỹ thuốc trị bịnh gì thì… không ai rõ, nhưng chỉ biết ăn vào vừa ngon vừa lạ miệng, tinh thần thấy sảng khoái, cộng thêm cái hiu hiu của gió biển hoà cùng cảnh vật trời mây sóng nước, khiến cho cái thi vị trong từng miếng thịt cua xứ cù lao càng tăng lên bội phần. Chẳng thế mà cua đá từ lâu đã trở thành “ngôi sao” của ẩm thực ở cù lao Chàm, nên dù chỉ cách Hội An nửa giờ đi biển, con cua đá cũng không đủ nhiều để vào được bờ, cung cấp cho hằng hà sa số những lữ khách ngày ngày du ngoạn miền Hội An, Cửa Đại.

Theo TST TOURIST
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *