Bí non làm gỏi phải là thứ quả “bỏ đi”, bị sâu, nám cuống, sượng hoàn toàn. Mùa bí đỏ thường vào tháng giêng. Đó là khi nhìn ra trảng cát sau nhà, thấy màu xanh của bí phủ bạt ngàn trên những ụ cát nối tiếp nhau, nổi bật lên trên đó là những bông hoa vàng vàng nghệ vươn thẳng, thoáng lấp ló mấy quả bí non xanh đậm, bóng lưỡng nằm xoãi.

Bí đỏ dễ trồng, chỉ chừng hơn tháng, tháng rưỡi sau khi ươm dây là có thể bắt đầu thu hoạch ngọn non. Những ngày này, dễ dàng bắt gặp những rổ bông bí vàng mượt hấp dẫn và những chồi ngọn non ướt rượt sương theo chân người nông dân ra chợ.

Chỉ mới thoáng nhìn thôi, miệng lưỡi đã thấy thòm thèm đủ thứ món ngon từ loại nguyên liệu dân dã này: Bông bí, ngọn bí luộc chấm mắm cái cá cơm ăn vừa hao cơm vừa mát ruột; ngọn bí xào tỏi vừa đậm vừa thơm làm món “đưa cay” đơn giản mà thú vị. Cầu kì hơn nữa thì lấy bông bí nhồi thịt hấp cách thủy, ngọn bí luộc vắt ráo nước để phối với tôm đất và thịt ba chỉ thành món gỏi hạng sang.

Tháng giêng hay sa mưa bất chợt cho ta thêm một món ngon nữa từ bí: Gỏi bí non. Đây là loại nguyên liệu khá “kỳ cục”, bởi cứ chọn theo nguyên tắc “da láng, không bị sâu đục, hư thối” như những loại thực phẩm khác là… thua. Bí non ăn được phải là thứ quả “bỏ đi”, bị sâu, bị nám cuống, bị ảnh hưởng thời tiết không thể lớn nữa.. Phải là như thế, bí non mới sượng, giòn, khi luộc, xào, nấu canh hay chế biến món gì  không bị mềm oặt, rã mịn ra như bí “xịn”.

Phàm đã là thứ nguyên liệu dân dã thì chế biến chỉ có cách làm thiệt đơn giản như ông bà mình trước nay vẫn làm, vẫn nấu, cầu kì quá lại hóa ra “lai” hương vị, mất ngon!

Bí non hái về rửa sạch xong mới đem gọt vỏ, xắt lát mỏng vừa ăn đem luộc vừa chín tới với chút muối hầm (cũng có người cầu kì, không muốn mấy chục giây lát bí bị dằm trong nước sôi bị ra hết chất ngọt thì đem hấp hơi nước). Vớt ra rổ, dùng đũa xới nhẹ cho bí nhanh nguội hoặc thả vào vài cục nước đá cho bí giòn.

Trong lúc ấy, người nội trợ nhanh tay chà vỏ dăm củ nén, lột thêm mấy tép tỏi rồi giã dập. Cho vào chảo nóng vài muỗng dầu phộng, chờ cho dầu vừa chín thì cho tỏi nén vào phi. Nhớ cái lúc mùi thơm quyến rũ ấy bay lên phưng phức thì lẹ tay bắc xuống, bởi để quá lửa tí xíu là nén đã bị cháy khét rồi.

Bí nguội đem vắt thật ráo nước, sau đó đánh tơi và trộn với dầu phụng đã khử nén thơm lừng kia, nêm vào vài muỗng nước mắm tỏi ớt chua ngọt. Cuối cùng là cho ra đĩa, rắc đậu phộng giã dập và rau thơm xắt nhỏ lên trên là có thể thưởng thức. Lát bí vàng ươm, nhai vào cảm giác ngay được cái giòn sừn sựt và vị ngọt đọng lại nơi đầu lưỡi. Hòa quyện vào đó còn có cái beo béo của dầu phụng, bùi bùi của đậu phộng rang và the the của rau thơm, tỏi ớt.

Những khi có khách khứa hay muốn bữa ăn “xôm tụ” hơn, các bà, các cô thường gia giảm thêm ít tôm đất hay thịt ba chỉ. Nhưng thiệt ra, cái vị giòn ngọt mộc mạc dễ chịu kia nếu “ở” một mình thì lại hay hơn nhiều lần, bởi cái lưỡi không bị chất béo của thịt, vị ngọt của tôm “dỗ” mà dành tất cả sự chờ đợi vào miếng ngon dân dã kia,

Mùa bí mới bắt đầu ngoài kia thôi, các bà, các cô chớ chần chừ để lỡ rồi tiếc nuối. Bởi bông bí, ngọn bí, bí non chỉ ngon thực sự trong tháng giêng này, khi nó hội tụ đủ cái thơm, cái mát, cái dịu của đất trời đương xuân, chứ một hai tháng nữa chớm hè nắng gắt thì món ngon đã phai đi ít nhiều. Rau sạch ít phải lo thuốc trừ sâu, kích thích, lại đương đúng vụ cũng là một lý do để những món ngon từ bí góp mặt nhiều hơn trong những bữa cơm gia đình xứ Quảng tháng giêng này.

NISAVA TRAVEL! – Theo Như Huyền (Báo Quảng Nam), internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *