(Baohatinh) – Hồng Lĩnh từ bao đời nay đã sừng sững giữa nhân gian, sừng sững trong từng điệu ví, lời ca, góp phần tạo nên tính cách hiên ngang, bền gan, vững chí cho bao thế hệ người Hà Tĩnh, tạo nên một niềm vinh dự lớn lao và động lực vươn lên cho thị xã mang tên núi Hồng nơi Bãi Vọt hoang sơ…

Chẳng hiểu vì nguyên cớ địa lý nào mà đất trời ban tặng cho Hà Tĩnh một cảnh sắc thiên nhiên hài hòa, thơ mộng đến thế, để Núi Hồng – sông Lam trở thành một trong những danh thắng nổi tiếng được khắc trên cửu đỉnh của triều đình nhà Nguyễn ở Huế. Sự gắn bó sông núi hài hòa ấy đã khiến thi sĩ Xuân Hoài phải thốt lên: “Nếu không có sông Lam/Núi Hồng buồn biết mấy/Núi Hồng không đứng đấy/Sông Lam xanh cũng thừa”.

Núi Hồng – sông Lam đâu chỉ đẹp trong mắt nhìn mà chính sông núi đã kiến tạo nên những tập tục văn hóa, những truyền thống lao động sản xuất và hun đúc nên những người con tài hoa cho quê hương.

Sông Lam tuy chảy qua thị xã Hồng Lĩnh không nhiều, chỉ một nhánh rẽ tạo thành con sông Minh. Tuy ngày nay dòng chảy này không còn nhưng với khoảng thời gian tồn tại, âm thầm chảy bên một trong những đoạn đẹp nhất của Ngàn Hống cũng đã kiến tạo nên một vùng văn hóa đặc sắc.

Cùng với những di tích danh thắng nổi tiếng trên suốt 99 đỉnh núi Hồng, thị xã Hồng Lĩnh cũng tự hào khi được sở hữu những danh thắng đẹp nổi tiếng như Hồ Thiên Tượng và chùa Thiên Tượng, quần thể di tích văn hóa Tiên Sơn (chùa Tiên, đền Thánh) ở phường Trung Lương.

Sông núi ấy cũng đã dồn tụ tinh hoa tạo nên những danh nhân đất Việt nơi chính mảnh đất hoang sơ vốn chỉ là truông Vọt mênh mông. Người Hồng Lĩnh có thể tự hào là quê hương của những danh nhân nổi tiếng như: nhà sử học Sử Hy Nhan, Sử Đức Huy, Quan ngự sử triều Lê – Bùi Cầm Hổ, tiến sỹ giám sát ngự sử quyền tham chánh Bùi Đăng Đạt, Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến…

Thổ nhưỡng núi sông ấy cũng tạo cho vùng đất này những truyền thống văn hóa, lao động đặc sắc. Hiện nay cùng với những câu ca, điệu ví, thị xã Hồng Lĩnh còn nổi tiếng với lễ hội hát Sắc Bùa ở xã Thuận Lộc. Hàng năm, lễ hội này được tổ chức trong đêm giao thừa từ 00h00 đến 08h00 ngày 1 tháng Giêng hàng năm. Đây là lễ hội mang tính truyền thống nhằm tạo sự giao lưu gặp gỡ đầu năm cho người dân nơi đây.

Lễ hội đã tạo nên niềm hứng khởi cho những người dân lao động lẫn cán bộ, viên chức nhà nước. Chính vì vậy, từ khoảng 25 tháng Chạp người dân đã tụ tập tại các hội quán của các xóm để tập dượt. Các bài hát Sắc bùa được các vị bô lão và những người có tiếng thơ văn sáng tác, lời hát mang những nét đặc trưng của người dân nơi đây và những lời chúc tốt đẹp đầu năm. Sau hội hát sắc bùa, ngày mùng 3, mùng 4 Tết Nguyên Đán người Hồng Lĩnh lại được vui với hội đua thuyền ở Trung Lương.

Hội đua thuyền được tổ chức nhằm chọn ra những tay đua cừ khôi và rèn luyện sức khỏe cho dân vùng sông nước đồng thời là truyền thống của nhân dân địa phương để cầu yên xóm làng. Đặc sắc nhất, gắn bó với truyền thống lao động của người Hồng Lĩnh xưa là lễ hội văn hóa Tiên Sơn được tổ chức tại quần thể văn hóa Tiên Sơn Chùa Tiên Đền Thánh (Rú Tiên – Phường Trung Lương).

Hội Văn Hóa Tiên Sơn là sự khôi phục các lễ hội văn hóa vật thể phi vật thể truyền thống dân gian nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công với nước với làng xã mà điển hình là lễ tế lục vị (6 Thánh) tổ truyền nghề trong dân gian, với người dân ở đây là nghề Rèn vào ngày 7 tết Nguyên Đán. Trong lễ hội có tục Hầu Đồng hát chèo văn các thánh ở cung tứ phủ của đền trong quần thể di tích.

Thừa hưởng những truyền thống văn hóa, lao động sản xuất từ xa xưa, ngày nay Hồng Lĩnh cũng đang vươn mình trong sự phát triển chung của cả tỉnh.

Với vị thế khá thuận lợi để có thể gắn xây dựng kinh tế công nghiệp và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, văn hóa – du lịch, thương mại – dịch vụ, nhiều năm qua Hồng Lĩnh cũng đang phát triển khá toàn diện. Việc nhiều tuyến đường quan trọng đã được triển khai và xây dựng đạt chất lượng cao như đường Suối Tiên – Thiên Tượng, đường Song Trạng, đường Thống Nhất, đường Lê Duẩn không chỉ giúp bộ mặt đô thị đổi thay mà còn là nhân tố góp phần nâng cao nguồn lợi từ du lịch.

Những năm qua, Hồng Lĩnh cũng hướng tới thực hiện gắn phát triển kinh tế với nâng cao tri thức văn hóa. Với diện tích hơn 5.855 ha và hơn 40 nghìn nhân khẩu, thị xã Hồng Lĩnh đang là đô thị giàu về tiềm năng đất đai và nhân lực. Phát triển kinh tế và văn hóa không chỉ là mối quan tâm hàng đầu của mỗi gia đình mà của toàn xã hội. Sự đồng thuận giữa ý Đảng lòng dân đang là một thế mạnh cho Hồng Lĩnh vươn lên.

Bằng sức mạnh của đoàn kết, bằng sự đổi mới và dân chủ, Đảng bộ Hồng Lĩnh đã tạo được niềm tin trong nhân dân, thực hiện tốt những mục tiêu đề ra. Hồng Lĩnh đã huy động được nhiều nguồn lực tập thể và cá nhân trong ủng hộ, quyên góp xây dựng các thiết chế văn hóa như: nhà văn hóa, hội quán, làm đường bê tông, xây dựng cổng làng, chuyển đổi đất để xây dựng nhà văn hóa.

Đến nay toàn thị xã có 61/67 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, 60/67 thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa. Bên cạnh đó, các hoạt động văn nghệ thể thao cũng diễn ra rất sôi nổi. Thị xã Hồng Lĩnh cũng có 32 CLB các loại hình văn hóa và về cơ bản, các CLB này đã lồng ghép tuyên truyền có hiệu quả cao các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Núi Hồng đoạn đi qua thị xã Hồng Lĩnh không chỉ cho nhân dân nơi đây những danh thắng đẹp mà còn ban tặng nguồn tiềm năng khoáng sản đá, cát dồi dào tạo điều kiện thuận lợi cho nghề xây dựng phát triển. Nhà máy gạch tuy-nen Thuận Lộc, Nhà máy gạch tuy-nen Công ty xây dựng 6 đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trẻ, đóng góp một phần không nhỏ cho nguồn thu ngân ngân sách địa phương. Bằng cơ chế thông thoáng thị xã đã thu hút được nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà máy, mở mang các hoạt động kinh doanh về xây dựng, cơ khí, dịch vụ thương mại…

Bên cạnh đó, thị xã Hồng Lĩnh khuyến khích làng nghề rèn Trung Lương tiếp tục phát triển nghề truyền thống và có những giải pháp mới tạo điều kiện cho nhân dân phát huy tốt tay nghề, nâng cao thu nhập.

Với những ưu ái của dải đất Hồng Lam, đất và người Hồng Lĩnh đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong sự phát triển kinh tế, văn hóa chung của cả tỉnh. 20 năm chưa phải là chặng đường dài đối với sự tồn tại của một địa giới hành chính nhưng chừng ấy cũng đã đủ để người dân nơi đây khẳng định được nét riêng của mình giữa miên man 99 đỉnh non Hồng.
Xem thêm >

Theo báo Hà Tĩnh
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *