Từng được ví như suối tóc của sơn nữ ngủ, dòng sông Gâm mang vẻ thuần khiết, mộc mạc nơi núi rừng, giờ đây mang một vóc dáng mới với sức mạnh điện năng tiềm ẩn trong vẻ đẹp thơ mộng.
Sông Gâm (còn gọi là sông Gầm) là một phụ lưu của sông Lô chảy theo hướng từ Bắc xuống Nam. Sông xuất phát từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào địa giới của khu tự trị Choong – Quảng Tây rồi vào Việt Nam tại tỉnh Cao Bằng. Tại đây có thị trấn Bảo Lạc nằm ở tả ngạn sông. Sông Gâm xuôi theo dòng nước tới Na Động thì nhận thêm nước của sông Nho Quế từ Lũng Cú, điểm cực Bắc nước Việt Nam đổ về khiến dòng sông được nới rộng.
Sông Gâm tiếp tục quanh co chảy qua địa giới tỉnh Hà Giang trước khi đổ vào sông Lô ở Bình Ca phía bắc thành phố Tuyên Quang. Sông Gâm có một phụ lưu chính bên tả ngạn là Sông Năng. Sông này rót nước từ Hồ Ba Bể bên tỉnh Bắc Kạn vào sông Gâm.
Trong suốt chiều dài 217 km chảy vào địa phận Việt Nam, sông Gâm uốn mình, trôi xuôi theo hình cánh cung, giữa những dãy núi cao ngất cấu tạo bằng đá phiến thạch anh, cát kết và đá vôi qua quá trình vận động, kiến tạo làm nên những cảnh sắc đẹp tuyệt vời. Gây ấn tượng mạnh nhất chính là đoạn sông dài non 100 km, nối liền Hà Giang với Na Hang – Tuyên Quang.
Đây là cuộc giang trình khởi đầu từ hẻm núi mang tên khe đá Đổ, tựa như một Thủy Môn Quan trên dòng nước biếc. Rồi không gian lại mở ra một thế giới toàn núi rừng trùng trùng điệp điệp ngập trong mây trời.
Những đám mây phảng phất như khói sương lúc tản mạn trôi lãng đãng đầu non, khi ùn lại thành đám bông trắng sà xuống tận chiếc thuyền câu đang gác chèo, thả lưới…
Và không gian đôi bờ sông Gâm còn quyến rũ với vẻ đẹp thình lình: bản làng người Mông mộc mạc bất ngờ lộ diện sau một khúc quanh, những ngọn thác như dòng sữa len lỏi dưới tán cây rừng rồi tung bọt trắng xóa trên mặt sông.
Vòng cung sông Gâm ôm trọn một số xã của huyện Nà Hang và huyện Lâm Bình, trong đó có vùng đất Thượng Lâm huyền thoại.
Đây là vùng lòng chảo được bao bọc bởi những ngọn núi đá kỳ vĩ, đẹp như tranh thủy mặc. Từ đời này qua đời khác, câu chuyện truyền thuyết đàn chim phượng hoàng về xây tổ vẫn được người dân Nà Hang kể cho nhau nghe.
Truyền rằng, ngày xưa vùng đất này được coi là nơi giao hòa giữa trời và đất, cảnh đẹp hữu tình. Rồi một ngày, cả vùng chợt thấy đàn phượng hoàng bay về, mỗi con chọn 1 ngọn núi để đậu. Nhưng con phượng hoàng thứ 100 không tìm được chỗ đậu, cả đàn bèn vỗ cánh bay đi, để lại 99 ngọn núi với hình dáng chim phượng hoàng. Mỗi ngọn núi với thế đứng khác nhau tạo thành quần thể núi đá sinh động bao quanh lòng chảo Thượng Lâm.
Với người ở Na Hang – Tuyên Quang, Vài Phạ tên gọi một cột đá sừng sững hay cọc buộc trâu trời theo tiếng dân tộc Tày giữa hàng trăm đảo đá vôi giăng khắp mặt sông là nơi sơn kỳ thủy tú, ít nơi nào có cảnh quan kỳ bí, say lòng người đến thế.
Kỳ diệu hơn khi sông Gâm được ngăn dòng làm thủy điện. Dải sông màu diệp lục vốn nằm lọt thỏm giữa những vách đá hùng vĩ, sâu hún hút, giờ đây đã đem nước đi mênh mang khắp vùng. Hơn 8.000 ha mặt nước bao trùm 12 xã của 2 huyện Nà Hang và Lâm Bình, nhưng Thượng Lâm vẫn còn nguyên vẹn. Bởi mảnh đất này được bao bọc với những dãy núi đá, cao hơn hẳn so với vùng lòng hồ.
Một vùng núi non trùng điệp đặc trưng của vùng cao, bao năm được nhiều người ví là “Hạ Long cạn”, nay bỗng chốc trở thành một “Hạ Long” đích thực của Tuyên Quang. Cọc Vài sừng sững, Pác Tạ uy nghi soi bóng mặt hồ chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục của tạo hóa. Một khu sinh thái lý tưởng với cánh rừng nguyên sinh hàng nghìn năm tuổi; hệ thống hang động, di tích kỳ bí của người Việt cổ; thác nước huyền ảo cùng với những loài động vật, thực vật quý hiếm đã bổ sung cho vẻ kỳ ảo của quần thể khu sinh thái vùng lòng hồ.
Núi đá lô nhô, lúc dàn trải hệt những quân cờ uy nghi, trầm mặc lúc thì gối lên nhau tầng tầng, lớp lớp đến tận trời xanh. Thảng hoặc, xuất hiện chiếc thuyền chèo, hình dáng đầy gợi cảm len lỏi giữa rừng đá, rồi khuất dần sau làn sương núi, không biết đi đâu về đâu.
Sông Gâm còn nổi tiếng với các loài cá quý hiếm như dầm xanh, anh vũ. Theo lời kể của những người cao tuổi ở Nà Hang thì trước đây vài chục năm, đồng bào dân tộc Tày, Dao sống hai bên bờ sông sống chủ yếu bằng nghề săn cá. “Săn” là bởi thời đó cá chiên, quất trên sông Gâm rất lớn, có con nặng đến hàng chục cân, người đánh cá không khác gì đi bắt “thủy quái”.
Ngày nay, nhờ được khuyến khích nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy điện, người dân Nà Hang, Lâm Bình đã mạnh dạn phát triển nghề mới dựa trên những kinh nghiệm trước đây. Dòng sông Gâm giờ đây đã mở ra một hướng đi mới về kinh tế, tạo nguồn thu không nhỏ cho đồng bào các dân tộc vùng cao và góp phần bảo tồn các giống cá quý hiếm của địa phương.
Trước đây, câu chuyện về những người dân sống theo lưu vực sông Gâm từ Nà Hang, Chiêm Hóa xuôi về Yên Sơn còn khó khăn, bây giờ sắp lui vào dĩ vãng. Bởi từ khu vực lòng hồ cho đến hạ lưu, người dân đã hình thành và sống bằng nghề nuôi thủy sản. Ven con đường nhựa hơn trăm cây số men theo con sông về xuôi, xuất hiện những cánh đồng xanh mướt, nhiều làng bản trù phú, dịch vụ mọc lên như nêm…
Xem thêm nguồn 1 – nguồn 2 – nguồn 3
NISAVA TRAVEL! tổng hợp