(DTO) – Trên một ngọn núi đá ở xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa có tấm bia khắc “chữ thần” bằng tiếng Hán cổ. Tấm bia đá có từ khi nào không ai biết rõ và những câu chuyện về tấm bia này thường mang màu sắc kỳ bí.
“Chữ thần” gây đau mắt?
Vùng đất ven biển của huyện Nga Sơn xưa kia là một cửa biển mênh mông sóng nước. Nơi đây gắn liền với nhiều chiến tích lịch sử đánh giặc ngoại xâm của cha ông ta. Bên cạnh đó cũng có những truyền thuyết được lưu truyền ở vùng đất này như: Chàng Từ Thức gặp nàng Giáng Hương, Mai An Tiêm ở đảo hoang, Lão vọng…
Trong đó, câu chuyện về một tấm bia trên vách núi có khắc “chữ thần” ở xóm 7, xã Nga Thiện đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào viết rõ về nguồn gốc của nó.
Để đến được nơi có tấm bia khắc “chữ thần”, chúng tôi ngược dòng sông Hoạt từ ngã ba sông Chính Đại (xã Nga Điền) xuôi về xã Nga Thiện. Quãng đường sông dài chừng 3km mà phải đi đò hết gần 2 giờ đồng hồ. Hai bên bờ sông toàn là những dãy núi đá vôi cao sừng sững nối tiếp nhau.
Ông Đinh Văn Toán (64 tuổi) ở xóm 7, xã Nga Điền có hơn 30 năm làm nghề chèo đò cho du khách, cho biết, trước kia vùng đất này là cửa biển lớn có tên là cửa Thần Phù, thuyền bè qua lại rất tấp nập. Khi đó tấm bia khắc “chữ thần” đã có rồi. Tấm bia nằm trên một ngọn núi cao nhô ra sát ra ngoài sông. “Chữ thần” nằm giữa tấm bia ở độ cao lưng chừng núi, từ mặt đất lên khoảng hơn 10m. “Mới nhìn thì không biết đó là chữ gì được đâu, vì tấm bia bị người dân đục một phần rồi. Lâu ngày nước trên ngọn núi chảy xuống làm rêu mọc nên chữ cũng bị mờ đi nhiều. Người dân chúng tôi gọi là “bia thần” chứ cũng không biết đấy là chữ gì. Trước kia tôi có chở một đoàn nghiên cứu đến, họ bắc thang lên xem và nói đây là “chữ thần” nên đến nay người dân cũng gọi là chữ thần” – ông Toán nói.
<Chữ Thần khắc nổi trên vách đá bị mẻ mất một góc khiến nước mua hắt vào làm rêu mốc.
Nhìn từ dưới lên có thể thấy một tấm bia khắc vào vách đá rộng khoảng 1 m2, ở giữa có một ký tự chữ Hán được khắc nổi hẳn lên bề mặt, nằm rộng chiếm phần lớn tấm bia. Xung quanh bốn góc bia được chạm khắc những đường vân tỉ mẩn.
Theo ông Mai Nguyễn Thuần, người sống gần tấm bia này, “Tấm bia không chỉ có “chữ thần” to nằm ở giữa mà bốn góc ngang dọc cửa tấm bia đều có những dòng chữ Hán nhỏ. Đến nay, những dòng chữ nhỏ này không còn nữa do trước đây dân làng bên sông bị dịch đau mắt, họ nghĩ do tấm bia chiếu vào làng gây ra nên đã đến bắc thang đục hết những chữ nhỏ này đi rồi!”.
Cũng theo ông Thuần, từ khi vợ chồng ông đến sinh sống ở khu đất gần chân núi có tấm bia khắc “chữ thần” này (hơn 20 năm), có rất nhiều đoàn nghiên cứu đến tìm hiểu về tấm bia nhưng chưa hề có kết luận bia có từ bao giờ.
Người gác chữ không công
< Tấm bia khắc chữ “thần” nằm ở lưng chừng núi và ông Mai Nguyễn Thuần – người hơn 20 năm canh gác “chữ thần” không công.
Vợ chồng ông Mai Nguyễn Thuần (56 tuổi) xóm 7, xã Nga Thiện là người đầu tiên ra sinh sống ở vùng đất hoang dưới chân núi có tấm bia khắc “chữ thần”. Hơn 20 năm qua, vợ chồng ông Thuần tình nguyện là người gác “chữ thần” không công.
“Vùng đất mà tôi đang sống này trước khi ra khai hoang lập nghiệp giống như một đảo hoang. Mùa lũ, xung quanh khu vực này nước ngập hết chỉ chòi ra khu đất mà tôi dựng lều ở là không bị lút. Ở đây chẳng trồng được cây gì ngoài cây cói. Mấy năm trước có nước còn trồng được chứ những năm gần đây do người ta đắp đập ở cửa biển nên không có nước chảy vào ruộng cói không sống nổi nên ruộng hoang hóa trở lại”.
Khi được hỏi về tấm bia có “chữ thần”, ông Thuần kể: “Tôi nghe nói về tấm bia ở núi đá này từ khi còn bé. Khi ra sống ở đây, vợ chồng tôi chỉ biết khai hoang lập nghiệp chứ không để ý tới. Đến khi có nhiều đoàn đến nghiên cứu về rồi xin trọ lại nhà tôi, nghe họ nói mới biết rõ là “chữ thần” có từ hàng nghìn năm nay, đây có thể là một di tích lịch sử của ông cha để lại nhưng do nó nằm ở nơi hoang sơ này nên ít người quan tâm đến”.
Là người sống tâm linh, hàng tháng cứ đến ngày rằm mùng một, vợ chồng ông Thuần lại sắm đĩa hoa quả cùng nén hương đến dưới chữ tấm bia để thắp. Ông Thuần tâm sự: “Cũng chưa biết tấm bia có từ bao giờ nhưng là do ông cha để lại, mình ở đây thì phải làm tròn đạo nghĩa, thắp nén hương dâng cho phải đạo, trọn lòng thành. Những năm gần đây, có rất nhiều người từ mãi huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa… cũng tìm đến nơi “chữ thần” này để thắp hương cầu khấn. Nhiều người còn mang theo can, chai nhựa đế lấy nước trong cái hang nhỏ nằm dưới “chữ thần” về uống. Tôi nghe họ nói là nước này chữa được bệnh, mình cũng không tin lắm, tôi thắp hương là vì cái tâm với ông bà”.
< Ngay dưới chân núi tấm bia chữ “thần” có một cái hang nhỏ xuyên lên trên đỉnh núi.
Nói tới lời nguyền liên quan đến tấm bia khiến dân làng bên sông bị đau mắt mà nhiều người nghĩ là do “chữ thần” chiếu vào, ông Thuần khẳng định: “Khi đó, tôi thấy nhiều người đến bắc thang lên đục tấm bia vào buổi tối nên tôi đã báo công an đến ngăn họ. Sau này cơ quan y tế về kiểm tra mới biết dịch đau mắt là do dùng nước sông Hoạt ô nhiễm chứ không phải do “chữ thần” soi.
Ông Thuần mong mỏi các nhà nghiên cứu có câu trả lời chính xác về gốc tích cũng như ý nghĩa của tấm bia lạ này, nếu thực sự là một di tích quý thì cần có phương án bảo vệ tương xứng.
Theo Thái Bá – Duy Tuyên (Dân Trí)
NISAVA TRAVEL!