Cách TP Tuy Hòa chừng 10km về phía Bắc bằng đường bộ, từ bãi biển Long Thủy mất thêm khoảng 15 phút đi thuyền là có thể ra đến đảo Hòn Chùa. Đây là một trong những điểm du lịch dã ngoại được rất nhiều người chọn lựa trong mùa hè.

< Hòn Chùa nhìn từ làng chài An Chấn.

Đảo Hòn Chùa cách đất liền hơn 1km, có diện tích khoảng 0,22 Km² – kề cận đó là hai đảo nhỏ Hòn Dứa và Hòn Than. Khu vực quanh các đảo này có những rạn san hô có diện tích khoảng 100 ha. Long Thuỷ – Hòn chùa rất thích hợp cho đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Có thể tổ chức các dịch vụ: lặn biển, câu cá, lướt ván và các trò chơi thể thao trên biển trong tương lai gần.

< Ra đảo Hòn Chùa bằng tàu thuê của ngư dân. Dĩ nhiên, bạn hoàn toàn có thể thuê thuyền thúng nếu ít người – giá dễ chấp nhận.

Cảm nhận đầu tiên của du khách tới đây là hòn Chùa còn khá hoang sơ. Ngoài một số phi lao, bàng và dừa do người từ đất liền mang ra trồng, trên đảo chủ yếu là cây cối thuộc loại lùm bụi rậm và nhiều loại cỏ gai.

< Bãi biển tại Hòn Chùa nước trong vắt dù trời âm u. Núi trong ảnh chính là đỉnh Chóp Chài tại Tuy Hòa.

Không khí ở nơi này thật trong lành với biển xanh và những đụn cát trắng thoai thoải đón gió lộng.

Nếu bạn muốn tìm một nơi yên tĩnh để thư giãn hoặc du lịch lặn biển khám phá thì hòn Chùa đúng là nơi lý tưởng.

< Một góc Hòn Chùa, hướng nhìn vào Mũi Yến. Hòn Yến nhìn từ hướng này trông như cái vây lưng cá mập khổng lồ.

Tại đây, thiên nhiên biển đảo cực kỳ hoang sơ. Với bãi tắm chạy dài, nước xanh trong, cát trắng phau, bạn có thể vô tư ngâm mình trong làn nước mát và chơi đùa nghịch cát. Những rạn san hô ở khu vực này còn khá dày và rất phong phú, đa dạng.

< Zoom ảnh Hòn Yến lại gần hơn.

Trước đây, một thời gian dài, người dân khai thác trái phép, sau đó việc này đã bị cấm tuyệt đối nên san hô được bảo tồn. Chỉ cần một chiếc kính lặn và một chiếc áo phao, bạn đã ngắm được “lâu đài” san hô dưới đáy đại dương.

Ngoài ra, bạn có thể lặn đâm cá và bắt nhím biển – người dân địa phương gọi là con nhum hoặc cầu gai – để góp vào buổi tiệc dã chiến giữa đảo.

< Dưới nước là vô số rạng san hô.

Nhiều người dân ở TP Tuy Hòa vẫn thường tự tổ chức những chuyến du lịch dã ngoại ở đảo Hòn Chùa. Đặc sản ở đây là các loài ốc và nhím biển. Nhím biển là động vật sống thành đàn ở nhiều vùng biển khác nhau, chúng thường quần tụ ở những nơi có nhiều rạn san hô, đá ngầm và hang hốc để ăn rong rêu và cỏ biển.

Ngoại hình loài vật này tròn như quả cầu, to như trái cam, nhiều gai tua tủa như lông nhím nên còn có tên là cầu gai, nhím biển. Thịt nhím biển là thực phẩm giàu chất bổ, cung cấp nhiều dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, giúp người ta có thêm sức khỏe sau những ngày lao động mệt nhọc.

Những con nhím biển to tròn, bổ ra làm hai, dùng muỗng cạo lấy phần thịt vàng ươm để nấu cháo hoặc súp. Đơn giản hơn, chỉ cần nước cốt chanh vắt vào cho tái sơ, húp ngay trong vỏ, vị ngọt mát lan tỏa đến tận “đáy” bao tử.

Ngoài cách ăn “dã ngoại” như trên, người ta có thể nướng trên than hồng. Con nhím biển được bổ làm đôi, cho ít mỡ hành đưa lên lò nướng đến khi khô phần thịt là đã có một món ăn thơm ngon, hấp dẫn khó cưỡng.

< Nhìn vào làng chài An Chấn.

Với loài hải sản này, người dân địa phương thường dùng nấu cháo hoặc um chuối. Cách làm khá đơn giản, cạo lấy phần thịt, xào qua dầu ăn, sau đó cho vào nồi cháo hoặc trộn chuối um.

Sau khi um chín, thịt của nó cùng gia vị sẽ thấm đều với chuối, nêm ít lá lốt hoặc ngò gai thì mùi thơm càng đậm đà hơn. Dùng bánh tráng nướng xúc lai rai lúc còn nóng thật không gì bằng.

< Một góc Hòn Chùa mùa khô, mùa mưa cỏ cây xanh um.

Trước đây, nhím biển rất ít người dùng vì vẻ ngoài gai góc của nó. Nhưng gần đây, với giá trị dinh dưỡng cao và nhu cầu của khách du lịch, nhím biển bán rất được giá, mỗi con từ 15.000 đến 20.000 đồng, chỉ có những nhà hàng đặc biệt mới có.

Tại Hòn Chùa, ngoài nhím biển, du khách còn có thể tìm dọc gành đá để cạy ốc vú nàng, một sản vật hiếm ở vùng này.

< Không ảnh Hòn Chùa xưa.

Vào trung tuần tháng 6 Âm lịch hàng năm, tại Long Thủy thường diễn ra lễ hội cầu ngư. Trong dịp này có những nghi thức cúng tế để cầu an, cầu phúc vạn làng.

Tiềm năng du lịch Hòn Chùa được ngành Du lịch Phú Yên xếp vào hạng có giá trị khai thác rất cao. Tuy nhiên, lâu nay tiềm năng này cũng chỉ dừng lại ở mức biết đến của số ít người địa phương, công ty lữ hành khai thác tự phát chứ chưa có một sự đầu tư quy mô.

Rất nhiều người làm du lịch nghĩ tới việc tổ chức chuyên nghiệp dịch vụ câu cá, lặn ngắm san hô như một sản phẩm tour độc đáo, nhưng chưa có sự đầu tư.

< Cắm trại qua đêm tại Hòn Chùa.

Muốn ra Hòn Chùa, bạn đến bãi biển Long Thủy hay chạy thêm một vài cây số nữa vào làng chài An Chấn rồi thuê thuyền ngư dân để ra đảo. Có thể cắm trại qua đêm nếu bạn đem theo đầy đủ hành lý, thức ăn, nước uống; hải sản có thể mua từ ngư dân hoặc chính bạn sẽ câu được đấy.

Ông Lê Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Lữ hành Tuy Hòa Tourist, nói: “Thời gian qua, khi làm tour biển, đảo, chúng tôi luôn chọn địa điểm Hòn Chùa cũng vì những lý do trên. Phản hồi của khách du lịch khi tham gia tour này là rất tốt”. Nhà báo Tạ Việt Anh, nguyên Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị (Hà Nội) trong một lần tham gia tour dã ngoại Hòn Chùa nhận xét: “Cảnh quan, không khí ở đảo rất hoang sơ trong lành, phù hợp cho những chuyến dã ngoại. Chỉ cần tắm biển, lặn ngắm san hô thôi cũng khiến tôi và mọi người thấy thỏa mãn rồi”.

NISAVA TRAVEL! tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *