(BKT) – Kon Plông có rất nhiều thác nước đẹp và thơ mộng, như thác Pa Sỹ, thác Đăk Ke, thác Lô Ba, thác Đăk Tăng, thác Đăk Snghé… Đây đều là những điểm du lịch nổi tiếng bởi thắng cảnh tuyệt đẹp, nên thơ. Trong đó, Khu du lịch sinh thái Măng Đen với truyền thuyết “vùng đất bảy hồ, ba thác” được nhắc đến nhiều nhất.
Để khai thác các thắng cảnh này, trong năm 2015, huyện Kon Plông tiếp tục đầu tư xây dựng một tuyến đường mới về thác Lô Ba để phục vụ và mời gọi du khách về với ngàn xanh Măng Đen.
Truyền thuyết của người M’nâm kể rằng: Xưa, Măng Đen là vùng bằng phẳng, đẹp lạ lùng với rừng thiêng xanh mênh mông trải dài như dải lụa, nhưng Măng Đen không có người và loài vật sinh sống.
Một hôm, Yang Plinh (thượng đế) từ trên trời nhìn xuống Măng Đen cảm thấy buồn, bèn gọi bảy người con trai đến, gồm: Gu Kăng Đam, Gu Kăng Lung, Gu Kăng Rpong, Gu Kăng Zơ Ri, Gu Kăng Ziu, Gu Kăng Săng và em út là Gu Kăng Pô và cho xuống Măng Đen lập làng. Mỗi chàng trai được Yang Plinh bắt cho một cô gái ở các vùng quê khác nhau về làm vợ.
NISAVA
Bảy cặp vợ chồng ấy lập bảy làng quanh vùng Măng Đen và Yang Plinh quy định mỗi cặp vợ chồng ấy chỉ được sinh đẻ một lần với mười con trai và mười con gái. Sau đó người chồng được phong hàm vị thần cai quản vùng đất đó, còn người vợ phải biến thành những con vật linh như: heo, nai, cá, thằn lằn…
Nhờ đất đai màu mỡ, thời tiết thuận hòa, các vị thần lại dạy cho con cháu dựng nhà, làm rẫy, săn thú, dệt vải, đan lát, hát ca, đánh cồng chiêng… vùng Măng Đen ngày càng sung túc. Mỗi năm, khi lúa đã về đầy kho, heo gà đầy sân, thịt thú rừng cũng như cá ở suối được sấy khô gác đầy trên chạn bếp, con trâu, con bò, con dê thả trong rừng béo mập…, là lúc bảy vị thần dạy dân làm lễ ăn trâu cúng Yeeng (gọi là ăn trâu mừng năm mới)…
Thế rồi có một lần, do vui chơi, ăn uống cả tuần, những người con Yang Plinh quên mất lời cha dặn, ăn cả thịt cùng loài với vợ mình biến ra. Từ trên trời nhìn xuống, Yang Plinh nổi giận, dùng lửa trừng trị sáu người con trai lớn. Lửa khói mù mịt, đất đá biến thành nước chảy tràn khắp vùng, nhà cửa, tài sản… của sáu người anh đều bị nhấn chìm trong biển lửa. Riêng người em út, dù không ăn nhưng biết mà không nhắc nhở các anh mình cũng bị trừng trị, nhưng Yang Plinh cho lựa chọn một là dân làng phải chết, hai là người em út phải chết.
NISAVA
Vì quá thương xót dân làng nên người em út tự nhận cái chết về mình. Các cột lửa từ từ tắt, dân làng sống sót và phải chuyển đi nơi khác. Bảy làng biến thành bảy hồ, đó là hồ Toong Đam, Toong RPông, Toong Zơ Ri, Toong Ziu, Toong Săng, Toong Ly Lung và Toong Pô. Ba cột lửa bắn lên trời, biến thành ba thác nước, đó là thác Pa Sỹ, Đăk Ke và Đăk Pne; nhưng cũng có người cho rằng đó là thác Pa Sỹ, thác Đăk Ke và thác Lô Ba ngày nay.
Đường dẫn du khách đến thác Lô Ba là một ngã rẽ trên Quốc lộ 24, đoạn vừa chạm đỉnh đèo Măng Đen. Đường được bê tông nhựa, có đoạn bê tông xi măng cấp 5 miền núi, dài hơn 2,5km, chạy qua những khu rừng thông xanh mướt và rừng nguyên sinh, thấp thoáng đâu đó mùi thơm của hoa cà phê chè. Đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Đại hội Đảng bộ huyện Kon Plông lần thứ XVIII.
Khi đã đi hết đoạn đường trên, du khách sẽ gặp bãi đỗ xe. Phía bên trái là 251 bậc tam cấp dẫn xuống lòng suối và tiếp tục men ngược theo dòng suối một đoạn, du khách sẽ tới thác Lô Ba. Thác Lô Ba có độ cao khoảng trên 40m. Nước của thác này bắt nguồn từ đỉnh núi cao từ Măng Bút, Đăk Tăng, Măng Cành mang theo hơi lạnh của núi rừng chảy qua nền địa hình cao, dốc, đổ xối xả, ào ạt xuống dòng suối làm tung bọt trắng xóa.
Thác Lô Ba khá hoang sơ lại nằm sâu trong cánh rừng nguyên sinh nên ít người biết tới. Nhưng với những ai đã đặt chân đến đây đều không ngừng trầm trồ cảm thán trước sức quyến rũ của thác. Vẻ đẹp của thác được tạo thành bởi dòng suối uốn lượn qua các triền đá trải dài trong nhánh rừng Măng Đen trước khi đổ ra sông Đăk Snghé, rồi nhập vào dòng sông Đăk Bla, xuôi về Sê San.
Phượt hay dã ngoại ở thác Lô Ba, du khách có thể tự tay chuẩn bị đồ ăn thức uống, mang cả lều cắm trại để tiết kiệm chi phí. Nơi đây, du khách có thể trầm mình vào nước mát rượi dọc con suối hay trèo lên các phiến đá rộng nằm nghỉ ngơi, câu cá, thưởng ngoạn phong cảnh. Xung quanh thác có nhiều bãi đất rộng rợp bóng cây xanh, là nơi thích hợp để dựng lều cắm trại, trải nghiệm cuộc sống giữa đại ngàn bao la. Không gian ở thác Lô Ba rất trong lành, từ rừng cây vách đá đến hoa nở, chim kêu, tất cả hòa quyện vẽ nên bức tranh rất thơ mộng. Hòa trong cảnh đẹp nơi đây, du khách sẽ thấy thoang thoảng bên tai mình âm thanh xào xạc của cây rừng đang đu đưa trong gió…
NISAVA
Có thể thấy, ngoài các địa danh quen thuộc của Măng Đen như thác Pa Sỹ, thác Đăk Ke, hồ Toong Đam, hồ Đăk Ke, hồ Ly Lung…, thác Lô Ba là điểm du lịch dã ngoại mới mở của Kon Plông. Du khách thử một lần đến thác này, hy vọng sẽ tìm thêm được những điều kỳ thú mới để lắng lòng và thấm sâu với Măng Đen.
Theo Dương Lê (Báo Kontum)
NISAVA TRAVEL!