Trên gò đất cao nhất thành phố, tại giao lộ 19/8 và đường Hoàng Thái Hiếu có một cây da cao lớn, cành lá xum xuê, rợp mát.
Trong khung cảnh ồn ào, náo nhiệt của trung tâm thành phố Vĩnh Long vốn thiếu cây cao bóng cả, dư thừa khói bụi, tiếng ồn thì sự hiện diện của cây da kia đã là điều thú vị.
< Di tích nhà bia Cửa Hữu và cây da.
Đặc biệt hơn, người Vĩnh Long lâu nay luôn giữ gìn cây da bằng tình cảm trân trọng, thiêng liêng, vì đây chính là dấu vết duy nhất còn sót lại của thành Vĩnh Long xưa : ‘Cây da cửa Hữu’.
< Cây da cửa Hữu, ảnh xưa.
Theo Đại Nam nhất thống chí và Gia Định thành thông chí, vào tháng hai năm Quý Dậu, đời Gia Long thứ 12 (1813), triều đình Huế lệnh cho quan Khâm mạng trấn thủ Lưu Phước Tường của Vĩnh Thanh trấn xây dựng thành.
Thành xưa tọa lạc tại Phường 1, thành phố Vĩnh Long ngày nay. Thành đắp bằng đất, cửa chính hướng Đông Nam, lưng quay hướng Tây Bắc.
< Một đoạn sông Long Hồ chảy qua lỵ sở Long Hồ dinh, tức thành phố Vĩnh Long ngày nay.
Chu vi thành rộng 750 trượng (một trượng bằng 3 thước), cao một trượng, dày 2,5 trượng. Quanh thành có hào rộng, sông sâu. Phía tả là sông Long Hồ, phía hữu là rạch Ngư Câu (rạch Cái Cá), mặt sau có sông Cổ Chiên (một nhánh lớn của Sông Tiền), mặt trước có đường Cừ Sâu (nay là rạch Cầu Lầu). Thành có 5 cửa quay về 5 hướng Đông – Tây – Bắc – Đông Nam và Tây Nam. Cửa Tiền của thành ở hướng Đông, cửa Hậu hướng Tây, cửa Tả hướng Bắc, cửa Hữu hướng Tây Nam.
< Cửa Hữu thành Long Hồ được phục dựng.
Bên ngoài mỗi cửa thành đều có một đoạn thành cong, bao vòng cửa. Bốn góc thành tạo thành hình hoa mai. Trong thành có hai con đường dọc, 3 đường ngang, 3 công thự, kho lương, nhà thừa ty, trại lính và hành cung. Phía Đông thành có quan lộ chạy dọc sông Long Hồ, phía Tả là nhà Sứ quán, phía Hữu là chợ Vĩnh Thanh. Riêng góc Nam của thành, chỗ tiếp giáp đường cừ và sông Long Hồ, có xưởng Thủy sư (xưởng đóng tàu chiến). Thành tuy không rộng nhưng được xây dựng kiên cố, bố phòng chặt chẽ, thuận tiện đường tiến thủ. Nói về tầm quan yếu của thành, sách Gia Định thành thông chí nhận định : “ …Thật là yếu địa hình thắng vậy”.
< Di tích trước khi phục dựng.
Đời Minh Mạng thứ 13 (1832), sau đúng 100 năm thành lập Long Hồ dinh (1732), Vĩnh Thanh trấn đổi tên thành Vĩnh Long trấn (sau đổi tiếp thành Vĩnh Long tỉnh – một trong Nam Kỳ lục tỉnh). Do nhiều biến chuyển của lịch sử, địa phận Vĩnh Long về sau thu hẹp nhiều so với khi còn là thủ phủ miền Tây thời Ling Hồ dinh. Nhưng thành Vĩnh Long trong suốt quá trình tồn tại luôn là thành trì vững chắc, chi phối về quân sự – kinh tế – văn hóa cả khu vực miền Tây Nam Bộ rộng lớn của Tổ quốc.
Trong thời kỳ quân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, thành Vĩnh Long thất thủ hai lần: năm Nhâm Tuất (1862) và năm Đinh Mão (1867). Sau khi thành Vĩnh Long thất thủ lần thứ hai, quân Pháp đã phá tan tất cả đồn lũy và san bằng tòa thành, chỉ duy nhất còn lại một cây da và một ngôi miếu nhỏ ở cửa Hữu. Nhân dân giữ gìn, bảo vệ cây da, gọi tên cây da cửa Hữu để lưu dấu và hoài niệm về thành Vĩnh Long xưa.
< Nhà bia và cây da Cửa Hữu ngày nay.
Vào thập niên 50, cây da này bị lụi tàn. Sau đó, từ thân cây mẹ, mọc lên cây đa con và phát triển tươi tốt cho đến ngày nay. Ngày 1/12/2000, UBND tỉnh ra quyết định công nhận Cây da cửa Hữu là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Trải qua thời gian dài, vì nhiều nguyên nhân, di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Sau khi phục dựng lại cửa Hữu cùng nhà bia, lễ khánh thành đã được tổ chức vào chiều 28 tháng 4 năm 2008.
Tổng hợp từ sách Di tích Lịch sử – Văn hóa tỉnh Vĩnh Long, Wikipedia…
NISAVA TRAVEL!