(NDO) – Ðèo An Khê nằm trên quốc lộ 19 nối liền hai tỉnh Bình Ðịnh và Gia Lai. Đèo cao 740 m, dài 10 km. Ngày xưa, đèo này gọi đèo Mang (không phải đèo Mang Yang nằm giữa An Khê và Plây-cu), theo tiếng Ba Na có nghĩa là cửa, ngõ.

< Cua cùi chỏ trên đèo An Khê. Chắc chắn rằng khúc cua tuyệt đẹp này thì xe nào cũng phải ‘bò’ lên thôi!

Thời nhà Nguyễn gọi là đèo Vĩnh Viễn, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Ðịnh. Tên đèo An Khê xuất hiện khi người Pháp xây dựng quốc lộ 19, mở rộng đèo như ngày nay.

Ðèo An Khê ngày trước là con đường núi quanh co, khúc khuỷu, có nhiều hang hóc, vách đá chắn ngang hiểm trở. Thời ấy,  người Kinh và người Ba Na giao thương, trao đổi phẩm vật thường dùng đèo Vạn Tuế qua ngã Vĩnh Thạnh và Cửu An, cách đó chừng 10 km về phía bắc. Tuy được mở rộng sau này, nhưng đèo An Khê vẫn còn những cái “nghẹo” khá nguy hiểm như nghẹo Cây Khế, nghẹo Ðồng Tiến, nghẹo Hang Dơi… Mỗi cái “nghẹo” trên đây đều gắn liền với nhiều giai thoại lịch sử cũng như những tai nạn xe cộ thảm khốc sau này. NISAVA

Thật vậy, suốt đường đèo An Khê, mỗi bờ suối, mỗi đồi gò, mỗi vách đá là cả một trang sử sống qua thời kỳ khởi nghĩa Tây Sơn cũng như qua  những năm kháng chiến thần thánh chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước.

Núi Ông Bình cao 840 m, rậm rạp và bề thế, vừa hiểm vừa hùng, là đài quan sát tự nhiên có thể kiểm soát cả đèo An Khê, vùng thung lũng An Khê (Tây Sơn thượng đạo) và vùng lưu vực thượng nguồn sông Côn (Tây Sơn hạ đạo). Quốc lộ 19 quanh co, bao lấy chân núi Ông Bình, nếu đứng từ nghẹo Cây Khế trông xuống chẳng khác nào con trăn núi khổng lồ quấn lấy chân non.

Theo ký ức của nhân dân địa phương, núi Ông Bình là nơi Nguyễn Huệ đóng quân (Ông Bình là tên chữ của Nguyễn Huệ lúc còn ở quê nhà). Sườn núi phía đông bắc có nhiều hang động. Lớn nhất là hang Tối Trời và hang Cọp. Hang Tối Trời ngày cũng như đêm, tối đen như mực. Ði vào hang phải dùng đuốc để soi sáng lối đi. Còn hang Cọp thì to lớn và rộng thênh thang, có thể lưu trú hàng trăm chiến binh cùng một lúc. Chính vì vậy, Nguyễn Huệ đã dùng hang động ở đây làm nơi trú quân và là nơi xuất  phát đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn. Cũng theo các bô lão địa phương, thì thời Cần Vương nguyên soái Mai Xuân Thưởng thất trận ở Bàu Sấu (huyện An Nhơn), cũng lui về tạm ẩn ở núi Ông Bình một thời gian để chờ cơ hội.

< Từ đèo An Khê nhìn về phía núi Ông Nhạc.

Núi Ông Nhạc còn gọi là Ông Nhược nằm ở tây nam đèo An Khê, cao chừng 600 m, đối diện với núi Ông Bình, bề thế chẳng kém. Nơi đây cũng là nơi trú quân của Nguyễn Nhạc và là điểm xuất quân xuống đồng bằng dựng cờ khởi nghiệp của nhà Tây Sơn. Hiện nay, ở hai ngọn núi này còn lưu lại di tích gò Kho và bờ lũy Ông Nhạc.

Ở gần đỉnh đèo, liền với núi Ông Bình bây giờ là xóm Ké, xã Song An, huyện Ðác Pơ (An Khê cũ) là nơi mà ngày xưa gọi là kho “Binh lương đồ trận”, là nơi tập kết quân lương để khởi nghĩa. Sau này gọi là gò Kho, còn gọi là gò Quán, bởi  về sau, đây còn là nơi trao đổi hàng hóa, phẩm vật giữa miền xuôi và miền núi.

Xa hơn về phía đông nam là lũy Ông Nhạc, nay vẫn còn dấu tích. Bờ lũy xây bằng đất, có nơi cao đến 10 m, nối liền hai sườn núi Ông Nhạc và Ông Bình xuyên qua đèo An Khê. Do chiến tranh, bom đạn cày phá nên lũy Ông Nhạc đã bị san bằng nhiều đoạn.

Lũy Ông Nhạc, theo các nhà khoa học và quân sự, có thể được xem như tuyến phòng ngự phía đông của Tây Sơn thượng đạo nhằm ngăn chặn bước tiến quân của Chúa Nguyễn lúc bấy giờ. NISAVA

Ngày nay, đèo An Khê cũng là địa chỉ du lịch hấp dẫn của hai tỉnh Gia Lai và Bình Ðịnh. Ðến tận nơi, du khách sẽ được tận mắt thấy, tai nghe biết bao câu chuyện kể về nhà Tây Sơn, về Tây Sơn thượng đạo, về đất Cửu An, Tú Thủy, núi Hoàng Ðế, đồng Cô Hầu, về anh hùng Ngô Mây ôm bom giết giặc Pháp tại đường đèo…

Ðến thăm đèo An Khê, du khách đã đặt chân lên đất Tây Sơn thượng đạo và Tây Sơn hạ đạo của thời khởi nghĩa Tây Sơn.

Theo Côn Giang (Báo Nhân Dân), ảnh từ nhiều nguồn trên internet
NISAVA TRAVEL!

Qua đèo An Khê…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *