(CBO) – Vùng cao nguyên đá Lục Khu (Hà Quảng) hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới với những con đường bê tông nhìn xa như dải lụa mềm mại uốn lượn qua những nương ngô xanh trải dài… Nhưng giữa bao sự đổi thay ấy vẫn tồn tại những ngôi nhà sàn truyền thống của người Nùng mộc mạc ẩn hiện như những bông hoa giữa trập trùng núi đá, rừng cây và là một minh chứng về sức sống bền bỉ của nét đẹp văn hóa giàu bản sắc người Nùng từ bao đời nay.
Ngút tầm mắt, những con đường “cõng” chúng tôi vươn lên trên những sườn đá. Đến những đỉnh cao nhất, phóng tầm mắt ra xa thấy ẩn hiện bên những rặng cây dọc thung lũng là chòm xóm nhỏ với nếp nhà sàn. Có lẽ khó mà tưởng tượng được, giữa không gian hùng vĩ của cao nguyên đá Lục Khu, những ngôi nhà sàn ẩn hiện tạo nên một nét đặc trưng đẹp đến kỳ lạ.
Trời trong xanh và lộng gió, những nếp nhà sàn như những bông hoa mọc lên từ đá và bao quanh là nền thẫm của những rặng cây. Và từ những bông hoa đá đó, cả một câu chuyện dài về bao thế hệ người dân sinh ra, lớn lên với “văn hóa đá”.
NISAVA
Đến xóm Cả Thổ, xã Thượng Thôn, chúng tôi may mắn được tham quan ngôi nhà sàn 9 gian còn khá nguyên bản của ông Lô Văn Thàng, dân tộc Nùng, trong đó có 3 gian nhà cổ đã có tuổi thọ hơn 60 năm. Chỉ tay lên những tấm ván ghép trên gác nhà sàn đã ố vàng vì ám khói, ông Thàng chia sẻ: Ngôi nhà này của gia đình tôi được dựng từ những năm 1950 của thế kỷ trước. Thời các cụ và tôi chỉ 3 gian nhà. Khi 2 con trai của tôi lập gia đình và đều mong được dựng nhà sàn ở gần bố mẹ, nên vào năm 2000 và 2014 gia đình đã làm thêm 6 gian nối liền với 3 gian cũ tạo thành nhà 9 gian như hiện nay. Biết bao nhiêu thế hệ đã ở ngôi nhà này, nên tôi giữ lại những nếp nhà sàn để không làm mất đi truyền thống của gia đình và nét văn hóa của người Nùng.
Nhìn những nếp nhà sàn của đồng bào vùng cao Lục Khu có thể nhận biết nhà nào có cùng chung sống nhiều thế hệ hoặc mới tách riêng. Qua nếp sống, sinh hoạt có thể biết được nét văn hóa, gia phong và điều kiện kinh tế của gia đình. Hiện nay, xóm Cả Thổ có 37 hộ, thì có hơn 20 hộ là người Nùng với gần 100% hộ sinh sống trong những ngôi nhà sàn truyền thống. Tương tự, có những xã gần 100% dân số toàn xã là người Nùng, như: Cải Viên, Vân An, Kéo Yên, Tổng Cọt, Lũng Nặm… cũng đang lưu giữ và bảo tồn khá nguyên vẹn những nhà sàn truyền thống như một nét văn hóa đặc trưng không thể tách rời trong đời sống của người Nùng nơi đây. Nhà sàn với họ không chỉ là nơi họ được sinh ra và lớn lên, mà đó còn là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, vừa thể hiện sự tài hoa, khéo léo, thẩm mỹ vừa là nơi gắn kết cộng đồng với tất cả những việc trọng đại đều diễn ra tại không gian nhà sàn. Vì thế, nhà sàn là nơi lưu giữ nét văn hóa hội tụ của dân tộc Nùng qua bao thế hệ.
Do địa hình chia cắt mạnh bởi các dãy núi đá và những thung lũng trải dài nên từ xa xưa khi phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm rình rập từ thú dữ, thiên tai…, đồng bào Nùng đã nghĩ ra xây dựng ngôi nhà sàn để tránh được các mối nguy hiểm và hài hòa với thiên nhiên. Do đó, nét đặc trưng riêng của mỗi ngôi nhà sàn tại mảnh đất này thường là nhà ba gian, chiều dài khoảng 7 – 8 m, dùng hầu hết lõi gỗ của các loại cây to và chắc như nghiến, lim…
NISAVA
Chiều sâu của mỗi nhà có từ 5 – 9 hàng cột, mỗi hàng cột cách nhau khoảng 2,5 – 2,8 m. Phần dưới sàn người ở là một hệ thống xà ngang ken dày xỏ qua các lõi đục của những hàng cột xung quanh nhà, mỗi xà cách nhau khoảng 20 cm rất vững chắc tạo thành bốn bức tường xà bao quanh nhà.
Sàn nhà bằng ván ghép khít, có ngăn thành nhiều buồng, phòng tiếp khách, phòng chứa dụng cụ. Bên trên áp mái có tầng gác hoặc lát ván, rải vầu để đặt bồ thóc, ngô, cót chứa khoai, sắn… Đằng trước hay đằng sau nhà có thêm sân được rải ván, vầu cây hoặc vầu đập thành dát để phơi thóc, ngô, lạc… Dưới chân cầu thang để lên sàn nhà luôn có dụng cụ chứa nước để rửa chân. Ngói lợp nhà sàn hai mái là loại ngói máng (còn gọi là ngói âm dương), làm bằng đất sét nung chín. Các nhà sàn thường độc lập riêng rẽ nên xung quanh nhà có diện tích đất khá rộng để làm vườn trồng rau và trồng vài loại cây ăn quả.
Nhà sàn gắn bó bao đời với người dân, nhưng có sức hút lạ với mỗi người khách được chiêm ngưỡng. Trong những sớm mai, khi sương phủ mờ các thung lũng, nắng luồn qua từng kẽ lá làm ẩn hiện những mái ngói rêu phong. Khi hoàng hôn buông xuống, khói lam chiều từ những nếp nhà sàn như dải lụa tạo khung cảnh bình yên đến lạ kỳ. Hay những đêm trăng sáng, mênh mông trên cao nguyên đá, tiếng trẻ em vui đùa bên sân nhà sàn đã đánh thức bao hoài niệm của mỗi người về tuổi thơ.
Đến vùng cao Lục Khu vào mùa đông, mỗi người sẽ được sưởi ấm bên bếp lửa đượm hồng để tránh cái giá lạnh. Người vùng cao Lục Khu mến khách và họ mời thưởng thức những củ khoai lang vùi trong gio bếp nóng hổi, hay những bắp ngô nếp thơm lừng. Bên bếp lửa, thoảng mùi thơm của thịt lạp treo gác bếp và nồi cơm với mùi thơm của gạo nương sẽ làm cho tâm hồn mỗi người đắm theo thời gian để thấy bếp lửa như trái tim của ngôi nhà sàn. Nơi bếp lửa các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau tâm sự, chia sẻ. Bếp lửa cũng là nơi nam, nữ người Nùng cất lời ca trong những đêm mùa xuân với những làn điệu sli vang vọng núi rừng.
NISAVA
Dưới ánh sáng của Đảng và chính sách của Nhà nước, cao nguyên đá Lục Khu từng bước phát triển, những nếp nhà sàn cũng dần mất đi và thay thế bằng những ngôi nhà xây hiện đại. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều xóm, làng của cộng đồng người Nùng giữ lại các nếp nhà sàn truyền thống của mình.
Bên cạnh đó, thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, người Nùng nơi đây đã từng bước bỏ được thói quen nhốt gia súc, gia cầm ở gầm sàn nhà ở mà làm chuồng trại xa nhà để đảm bảo vệ sinh. Gầm sàn được cải tạo làm nơi để lương thực, dụng cụ lao động… vừa thoáng mát vừa đảm bảo vệ sinh môi trường nhưng vẫn giữ được kiến trúc nhà sàn cổ. Việc giữ lại nếp nhà sàn của đồng bào Nùng không chỉ là giữ nếp nhà ở mà còn lưu giữ không gian văn hóa của họ.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hà Quảng Bàng Thị Lan cho biết: Những năm gần đây, khi đời sống có nhiều đổi thay, kinh tế phát triển…, đời sống đồng bào có khởi sắc hơn nên tại một số xóm trên địa bàn Lục Khu, nhà sàn truyền thống người Nùng có chiều hướng bị xóa bỏ, thay bằng nhà cấp bốn, nhà trệt… dẫn đến nguy cơ nếp văn hóa nhà sàn ngày càng mai một dần.
NISAVA
Do đó, việc bảo tồn những nếp nhà sàn là rất quan trọng. Đặc biệt, trong thời gian tới với hành trình khám phá vẻ đẹp Công viên địa chất Non nước Cao Bằng tuyến từ Thành phố – Hòa An – Hà Quảng có tên gọi “Hành trình về cội nguồn”, nếu những nếp nhà sàn truyền thống của những xóm người Nùng tại Lục Khu được đầu tư thành những làng văn hóa du lịch sinh thái sẽ vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa góp phần bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Nùng độc đáo để truyền lại cho thế hệ sau.
Rời Lục Khu khi hoàng hôn buông xuống, ngắm nhìn những làn khói bếp tỏa lan trên các mái nhà sàn ẩn hiện giữa những dãy núi đá trập trùng làm cho tâm hồn chúng tôi trở nên lắng dịu, nhẹ nhàng. Mong rằng, dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng những nếp nhà sàn mộc mạc, đơn sơ mà vững chắc như chính tính cách của người Nùng hiền hòa, chân chất vùng cao nguyên đá Lục Khu vẫn sẽ luôn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Theo Thúy Hằng (Báo Cao Bằng)
NISAVA TRAVEL!