(BQN) – Một bận lên Sơn Tây, tôi được người dân ở vùng cao này thết đãi những món ăn dân dã của núi rừng.

Bữa cơm đậm tình nghĩa lại được nhấm nháp tí rượu đoác – một loại rượu độc đáo mang niềm tự hào của đồng bào Ca Dong miền Tây Quảng Ngãi-đã khiến tôi lâng lâng, nhớ mãi…

Đó là một loại rượu, nhưng không phải chưng cất từ men với gạo trên ngọn lửa hừng hực như  vẫn thường thấy. Thứ rượu ấy được chiết xuất từ những giọt nhựa quý của một loại cây quý như tinh hoa của núi rừng. Và tôi đã theo chân người làng để tìm thứ men say độc đáo ấy.

Rượu quý của núi rừng

Anh Đinh Văn Trong, một thanh niên chưa vợ ở làng Ca La, xã Sơn Dung (Sơn Tây) đưa chúng tôi đi tìm rượu đoác. Chúng tôi men theo con suối với thấp thoáng những cây đoác giống hệt cây dừa nước xanh ngắt. Suối rì rào, chẳng có chút áp lực gì về thời gian, chúng tôi cứ thảnh thơi vừa đi, vừa nghỉ ngơi.

Trên hành trình, anh Trong kể về những giai thoại của rượu đoác. Anh bảo: “Người già trong làng kể rằng, có một người đàn ông sau nhiều ngày lang thang trong rừng sâu đốn củi, hái thảo quả đến mệt lả vì khát nước. Thấy một thứ cây từ trong thân chảy ra những dòng nước nhỏ như màu sữa, anh ta ghé miệng vào uống. Vị thơm, đậm đà lại pha chút men the cay, cứ ngỡ đó là “nước độc”.

Uống no bụng, anh ấy nghĩ mình chắc sẽ chết. Vậy mà lạ thay, sau một hồi, anh thấy mình khỏe mạnh khác thường, lại băng băng gánh củi, vác thảo quả xuống núi về làng. Câu chuyện ấy được truyền đến dân làng. Cả làng đổ xô đi tìm và trân trọng thứ rượu đoác như một sản vật quý của núi rừng ban tặng…”.
NISAVA
Câu chuyện vừa kết thúc cũng là lúc chúng tôi tìm được một cây đoác cao lớn, với những buồng trĩu quả. Quả đoác xanh như quả cau, nhưng tròn và to bằng nắm tay trẻ con. Anh Trong nhẹ nhàng đặt ống lồ ô vừa đốn dưới suối cho vào cái lỗ nhỏ được khoét vào thân cây ngay phía dưới buồng quả.

Những giọt rượu đoác màu đục như sữa pha loãng bắt đầu chảy ra. Sự râm ran tan biến hẳn, mọi ánh mắt đều đổ dồn về hướng những giọt rượu đoác đang chảy ra từ thân cây, nhỏ vào ống lồ ô. Lũ ong rừng vo ve kéo nhau về vây quanh miệng ống lồ ô như đang thưởng thức hương rượu tinh túy này trước cả những người khám phá ra giọt rượu từ cây đoác.

Anh Trong lôi chiếc ca nhựa mang theo dùng để đựng rượu, rồi rút ống lồ ô, nhanh chóng dốc hết phần rượu vừa chiết vào ca. Xong xuôi, anh lại cắm cái ống lồ ô vào chỗ cũ và bắt đầu hướng dẫn chúng tôi thưởng thức cái hương vị đặc biệt của rượu đoác.

Tôi là thành viên đặc biệt của đoàn, nên được ưu tiên hẳn một ly đầy rượu đoác sủi bọt như có ga. Thú thật, câu chuyện của anh Trong về “sự kỳ diệu của rượu đoác” lúc bắt đầu vượt suối, khiến tôi háo hức thưởng thức ngay “chiến lợi phẩm”. Nhấp một ngụm, men the chạm vào đầu lưỡi, mùi hương tựa bia pha chút nồng đặc trưng xông lên mũi. Thế nhưng, khi rượu đoác trôi qua cổ cảm giác mát dịu chứ không nóng cay như mọi thứ bia rượu khác.

Gìn giữ tinh túy rượu đoác

Già làng Đinh Văn Đuối ở thôn Van Tia, xã Sơn Dung một thời là chàng trai mạnh mẽ, cường tráng của núi rừng Sơn Tây từng bạt rừng, băng suối đi tìm rượu đoác. Bởi với ông, rượu đoác là thức uống bổ dưỡng đã từng giúp ông vượt qua ốm đau, có sức khỏe, vững vàng tay súng hoàn thành nghĩa vụ của người lính trên dãy Trường Sơn năm nào.
NISAVA
Già Đuối nói rằng, rượu đoác là thứ “nước trời” sạch tuyệt đối. Đàn ông mà mê rượu đoác, uống rượu đoác đến mấy thì chỉ có thêm khỏe, chứ không say sưa mà đánh vợ, bỏ nương rẫy đâu. Đó cũng là lẽ mà phụ nữ trong làng này không bao giờ ngăn cản chồng đi tìm rượu đoác.

“Hằng ngày đi làm về mệt, có bát rượu đoác, cái người nó khỏe lại. Hai vợ chồng mình, sáng sớm đi làm, có tí rượu đoác mang theo, lúc khát thì đem ra uống. Trai, gái gì uống cũng tốt, cũng khỏe, nhổ mì, hái cau, chặt keo mạnh hơn bình thường”, già Đuối bảo thế.

Vì quý cái thứ rượu đoác tinh túy ấy mà cách đây 24 năm, già Đuối đã mang từ rừng về một cây đoác để trồng trong vườn nhà. Vườn rộng, hàng chục thứ cây cho giá trị kinh tế cao như quế, mì, cau, keo, xoài, mít… nhưng già Đuối vẫn dành sự quan tâm nhiều nhất đến cây đoác.

Cây không phụ lòng người, mùa rượu đoác năm nay, già Đuối đã không phải lên rừng tìm rượu nữa. Cây đoác có tuổi bằng cậu con trai út của ông, được trồng ngay bờ suối đã cho ông mỗi ngày 2 – 5 lít rượu, đủ để ông ưng cái bụng, khỏe cái lưng khi đi rẫy…

Hôm tôi đến vườn nhà thăm già Đuối, may mắn đúng vào thời điểm thu hoạch rượu đoác. Già Đuối đưa tôi ra cây đoác cao lớn, buồng quả lắc lỉu. Vẫn thao tác đặt ống, thu rượu hệt như những gì tôi đã thấy trong lần cùng đoàn người vào rừng khai thác rượu đoác, nhưng cảm giác nhẹ nhàng, thư thái hơn.

Đặt ống từ sáng sớm, đến quá trưa, già Đuối đã thu được 3 lít rượu đoác. Mời khách nếm thử, ngọt, the cay và thơm đến lạ. Nhưng thết đãi hết mình thứ rượu quý này, già Đuối bảo phải thưởng thức rượu đoác đã được ông để ở tủ lạnh từ hôm qua. Hai tay hai chai đầy nút lá chuối, già Đuối “phát” cho chúng tôi, rồi nói: “Bật nút đi, uống cho khỏe thôi mà!”.
NISAVA
Những câu chuyện mang tính thần bí của rượu đoác được già Đuối dốc hết với khách khi chai rượu đã cạn quá nửa. Nào là thứ rượu kỳ diệu này mỗi năm có hai mùa khớp với mùa quả của đoác. Vụ đầu từ tháng 4 đến tháng 6 và vụ thứ hai vào những tháng cuối năm.

Khi uống quá nhiều rượu đoác nên vác cuốc ra đồng làm việc cho mồ hôi tháo ra “giải rượu”. Rồi nhất định không để trâu bò đến gần cây đoác vì chất thải của những vật nuôi sẽ làm hỏng hương vị vốn có của thứ rượu tinh túy này…

Cây đoác 24 tuổi của già Đuối dù “cao tuổi” là thế, nhưng chủ nhân của nó bảo rằng mới chỉ là loại “rượu ngọn”. Vì cây đoác càng già, rượu càng ngon. Người làng Van Tia bây giờ mỗi khi đi làm về thường tạt ngang nhà già Đuối để được mời rượu quý. Ngôi nhà của già Đuối giữa chốn non cao bỗng trở nên ồn ã hơn thường ngày.

Bên chai rượu đoác, già Đuối lại có dịp để nói về cách trồng rừng, chăn nuôi phát triển kinh tế cho dân làng nghe và cả cách phải trồng mấy cây đoác vào đám keo, rẫy mì để rừng thêm xanh và có rượu quý mà uống.

Bà Đinh Thị Thuôn, người làng Van Tia đã mấy lần được già Đuối “chia” cho rượu đoác bảo rằng: “Rượu đoác hoàn toàn không có chất pha chế nên uống không gây đau đầu. Uống rượu đoác là để vui vẻ, để sảng khoái, có sức khỏe để yêu quý, gắn bó với cái núi rừng Sơn Tây này mãi mãi…”.

Theo Thanh Nhị (Báo Quảng Ngãi)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *