Những đồi chè xanh ngát, những nhà sàn, nhà vách đất nhỏ xinh, vườn hoa mơ bung nở trắng trời cùng những hang động huyền ảo, kỳ bí… Tất cả tạo nên một thắng cảnh Xuân Sơn bình yên, hùng vĩ và thơ mộng.
Cầu Trung Hà (nối tiếp địa phận Hà Nội – Phú Thọ) là điểm dừng chân đầu tiên. Trong màn sương sớm, phóng tầm mắt từ trên cầu bỗng thấy con sông Đà mùa cạn chảy êm đềm đến lạ lẫm, khác với vẻ dữ dội vào mùa lũ. Tiếp tục bám theo quốc lộ 32, chúng tôi đến thị trấn Thanh Sơn, nơi có những quán thịt chua, một đặc sản của người Mường chào mời khách dọc đường.
Huyện Tân Sơn, xã Minh Đài…
Từ đây, những đồi chè xanh bạt ngàn trải dài như vô tận. Có khi là những quả đồi hình bát úp, khi là những triền đồi lượn sóng nhấp nhô. Tất cả bị cuốn hút bởi màu xanh mê hoặc của những búp chè non mơn mởn và những bông hoa chè trắng muốt ẩn hiện dưới những tán lá. Người dân nơi đây cho biết chè búp, chè tươi và chè hạt là những loại chè hảo hạng của vùng đất Phú Thọ.
Không bỏ lỡ cái nắng hiếm hoi đầu mùa đông, cuối tuần chúng tôi vác balô du ngoạn về vườn quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, Phú Thọ. Chặng đường từ Hà Nội đến Xuân Sơn dài hơn 130km, thẳng theo hướng quốc lộ 32, mang theo nhiều bất ngờ, hứng thú…
Đi qua xã Minh Đài thì đến xã Xuân Đài, cung đường đèo dốc cuối cùng để đến Xuân Sơn. Độ dốc của đường đèo đủ để cả bọn tranh thủ tận hưởng không gian mênh mông của đất trời và rừng núi.
Phóng tầm mắt lên cao là những đỉnh núi nhọn hoắt nối tiếp nhau trùng điệp. Nhìn xuống dưới là những thửa ruộng bậc thang xếp tầng uốn lượn, những rừng cọ bạt ngàn như muôn ngàn chiếc ô che nắng. Kỳ thú hơn, hai bên đường còn có hàng lau trắng, lau đỏ phảng phất trong sương núi mờ ảo.
Qua quãng đường đèo dốc, xế trưa chúng tôi tới xóm Dù, trung tâm vườn quốc gia Xuân Sơn. Vừa đặt chân tới đây đã bất ngờ bởi những cây hoa mơ nở trái mùa, điểm xuyết những bông nhỏ li ti trên nền trời xanh trông như hạt tuyết. Hầu như nhà nào trong xóm cũng trồng hoa mơ và hoa trạng nguyên. Đặc biệt ở xóm Lạng và xóm Cỏi, nơi xa nhất Xuân Sơn, có người Mường, người Dao Tiền sinh sống.
Để đến đó, cả bọn phải băng qua một khu rừng rậm nguyên sinh. Đường đi quanh co, được che mát bởi những tán cây đủ loại tầng tầng, lớp lớp. Hiện ra trước mắt là những cây chò chỉ hàng trăm năm tuổi thẳng tắp vút lên nền trời, thân cây mấy người ôm không xuể. Dọc đường còn là những cây dương xỉ khổng lồ cao quá đầu người với tán lá xum xuê xanh mướt.
Xóm Lạng và xóm Cỏi nằm dưới thung lũng bao quanh bởi dãy núi đá vôi. Đây chính là nơi có thứ gà chín cựa vốn được lưu truyền trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Những người dân thật thà và hiếu khách sống trong những căn nhà vách đất, nhà sàn lợp bằng lá cọ. Những đứa trẻ nhỏ ngây thơ, chơi trò lăn vỏ xe cao su đã hỏng.
Hỏi han người dân ở xóm Lạng, cả nhóm leo lên khoảng 284 bậc đá để đến hang Thổ Thần (còn gọi là hang Đất), hang động lớn và dài nhất ở Xuân Sơn. Hang Thổ Thần ăn sâu trong lòng núi Ten, cửa vào hang nhìn thẳng ra cánh đồng Mường Lạng. Điều đặc biệt trong hang là những nhũ đá khá mềm và xốp như đất. Có lẽ vì vậy mà người dân gọi bằng cái tên “hang Đất”.
Từ lối rẽ hang Thổ Thần men theo sườn núi khoảng 600m là tới hang Na. Cửa hang Na nằm cheo leo trên một vách đá và cách duy nhất để vào hang là đu dây thừng xuống. Trong hang tối om, chỉ lọt được chút ánh sáng nơi cửa hang. Ngoài những nhũ đá ẩm ướt với những hình thù kỳ dị, dưới thềm của hang còn vô số những hòn đá lớn nhỏ hình thù giống hệt với quả na nằm rải rác.
Điểm khám phá cuối cùng của nhóm là xóm Cỏi. Ở đây, chúng tôi được anh Triệu Văn Chung chỉ dẫn tận tình đến hang Cỏi, hang động đẹp nhất trong xóm.
Hang nằm trên một mạch nước ngầm chảy từ trong lòng núi. Những nhũ đá trong hang tạo thành từng chùm treo lơ lửng như những bóng đèn kỳ ảo. Ngoài cửa hang chính còn có một cửa hang phụ nằm bên sườn hang. Từ cửa hang nhỏ này, ánh nắng chiếu thành từng luồng hắt vào những nhũ đá khiến cảnh sắc thêm rực rỡ, mê hoặc.
NISAVA TRAVEL! – Theo Camnangdulich, internet