Với hơn 20 dân tộc cùng sinh sống, Lào Cai trở thành mảnh đất phong phú về bản sắc văn hóa. Xuân về, mỗi dân tộc có phong tục riêng. Dưới đây, chúng tôi giới thiệu một số hình ảnh đón xuân của người dân Thu Lao, Hà Nhì và Xa Phó.
Là một chi nhỏ thuộc nhóm Tày – Nùng, dân tộc Thu Lao hiện chỉ có vài trăm hộ cư trú nơi rừng sâu dọc dải biên cương phía Bắc thuộc huyện Mường Khương, Lào Cai.
Mỗi dịp Xuân về và cứ đến mùng 2/2, mùng 2/6 âm lịch, người Thu Lao tổ chức lễ cúng rừng, cầu 4 vị thần che chở, giúp đỡ dân làng, mùa màng sinh sôi, con người khoẻ mạnh.
< Thầy cúng người dân tộc Thu Lao hành lễ.
Theo quan niệm của người Thu Lao, có 4 vị thần gồm: thần đất, thần sức khỏe của các loại sinh vật, thần quản lý các loài thực vật và thần trông coi việc nắng mưa gió bão. Khi cúng rừng, người Thu Lao dâng lễ cúng sống lần một, dâng cúng lễ chín lần hai. Thầy cúng đốt 3 nén hương cắm ở giữa và cầu khẩn các vị thần phù hộ cho dân bản và đất nước.
< Sau khi cúng, dân làng chúc rượu thầy trong rừng thiêng.
Người Hà Nhì là một bộ phận của dân tộc Để Khương xưa kia ở phương Bắc di cư về vùng cực Bắc Việt Nam. Ngày nay người Hà Nhì định cư ở khu vực Ý Tý (thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Dân tộc này có bản sắc văn hoá rất độc đáo, trong đó có phong tục ngày Tết.
< Chị em Xa Phó bắt cá suối để cúng Tết.
Ngày Tết là hoạt động tổng kết quá trình lao động sản xuất trong năm, nghỉ ngơi vui vẻ. Các gia đình dâng lễ vật cúng tổ tiên để cầu mong năm mới người yên vật thịnh, cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Cái Tết là hoạt động quan trọng nhất của người Hà Nhì, các lễ thức diễn ra trong suốt 3 ngày. Phạm vi và quy mô tổ chức theo từng làng, dòng họ, gia đình.
< Người Hà Nhì hát dân ca mừng Tết.
< Trẻ em Hà Nhì mặc áo mới đón Tết.
Tết đến nhà nào nhà ấy đều mổ lợn to, trước là để làm lễ vật dâng cúng tổ tiên, sau là tổ chức ăn uống vui vẻ giao lưu thể hiện tính đoàn kết giữa các gia đình, dòng họ. Nghi thức thờ cúng tổ tiên diễn ra liên tục trong 3 ngày từ ngày Tỵ và kết thúc vào ngày Mùi.
< Trò chơi múa sư tử của người Hà Nhì.
Từ những ngày cuối năm, tất cả gia đình người Xa Phó đều tràn ngập không khí chuẩn bị lễ vật trong năm mình làm được để dâng cúng tổ tiên. Các bà, các cô tất bật gói bánh chưng (bánh gói dài), buộc 3 lạt cân đều nhau. Có hai loại bánh chưng, loại trắng có nhân đỗ và loại bánh tro được làm từ than bột của cây lúc lắc (bánh màu tro đen). Khi luộc, bánh được buộc thành từng cặp trông rất đẹp mắt.
< Trò chơi Pa lu gư (nhảy dây) của trai gái Hà Nhì.
Cùng với việc chuẩn bị lợn, rượu, hoa quả… và các thứ cần thiết khác, chị em phụ nữ Xá Phó ngày đêm miệt mài làm quần áo mới cho các thành viên trong nhà để mặc trong dịp Tết. Còn chủ nhà và các con trai vào rừng bẫy chuột để dâng cúng tổ tiên, thần đất sáng mùng 1 Tết.
Theo VNE