(VNE) – Nghiên cứu kỹ điểm đến và rèn luyện thể lực mỗi ngày để có sức khỏe tốt, giúp nhanh chóng vượt qua mọi trở ngại là những bước đầu tiên cho kế hoạch leo núi.
< Trước khi bắt đầu chuyến đi, bạn cần ngiên cứu kỹ địa hình cũng như điều kiện thời tiết vùng núi định đến.
Leo núi là bộ môn thể thao, đồng thời là hình thức du lịch hầu như dân phượt mạo hiểm nào cũng quan tâm. Mỗi năm, hàng nghìn người lại đổ về chinh phục những đỉnh núi trên khắp thế giới. Để bảo đảm cho chuyến leo núi an toàn, bạn có thể tham khảo các bước dưới đây.
Nghiên cứu tổng thể
Trước khi bắt đầu hành trình, bạn hãy nghiên cứu thật cụ thể, chi tiết về địa hình cũng như kỹ năng leo núi. Làm tốt khâu này, bạn sẽ biết rõ mình đang có những yếu điểm gì và cách khắc phục ra sao. Đọc sách hướng dẫn hay tìm kiếm thông tin từ internet là những nguồn tin hữu ích cho bạn. Trước mỗi chuyến đi, ít nhất bạn phải nắm được điều kiện thời tiết vùng núi đó ra sao hay thời điểm nào khởi hành là phù hợp nhất.
Lựa chọn điểm đến
Nếu chưa từng leo núi, bạn nên bắt đầu “sự nghiệp” bằng những ngọn núi quen thuộc, vốn được đa số dân phượt chinh phục trước đó. Độ “dễ” của ngọn núi có thể khiến bạn không thỏa mãn nhưng chúng sẽ để lại nhiều kinh nghiệm, giúp bạn nắm được khả năng và lượng sức cho những chuyến leo núi khác.
Lên dây cót tinh thần
Một trong những điều quan trọng bậc nhất với bất cứ ai leo núi là phải có tinh thần thép. Sẽ có những trường hợp bạn buộc phải ra quyết định nhanh mà đôi khi chỉ cần sai một ly, đi một dặm. Để luyện tập khâu này, bạn có thể tự đặt ra nhiều tình huống và tìm câu trả lời.
Rèn luyện thể lực
Leo núi cần sức bền tốt với yêu cầu quan trọng là một cơ thể khỏe mạnh. Bạn không thể mang bộ dạng như trong văn phòng cùng chiếc bụng phệ và trèo lên các đỉnh núi. Tập thể dục hàng ngày là biện pháp hữu hiệu giúp cơ thể dần thích nghi với kế hoạch leo núi, đồng thời trở nên săn chắc. Những môn thường được khuyến khích gồm chạy bộ, đi bộ đường dài, nâng tạ, leo núi nhân tạo và thậm chí là cả trượt tuyết.
Chuẩn bị dụng cụ
Các dụng cụ leo núi như đai, găng tay, dây, móc, kính râm, kem chống nắng… có thể dễ dàng mua ở những cửa hàng chuyên dụng. Tốt nhất bạn nên mua hoặc đặt thuê trước chuyến đi ít nhất một tuần. Nhiều vật dụng tưởng chừng như vô ích nhưng bạn đừng nghĩ chúng thừa thãi bởi sẽ không ai biết những tình huống nào có thể xảy đến. Ngay cả khi tất cả số dụng cụ này là đồ đi thuê, vẫn có một vài món nhỏ bạn phải tự mua cho chính mình như giày bốt hay quần áo nhiều lớp.
Trao đổi kinh nghiệm với bạn bè
Gia nhập các đoàn leo núi sẽ giúp bạn giảm những rủi ro đáng tiếc khi thực hiện chinh phục các đỉnh cao. Những mối quan hệ, sự hướng dẫn tận tình và cả niềm tin lẫn nhau giữa các thành viên làm bạn hiểu kỹ hơn về điểm đến, kinh nghiệm cũng như độ an toàn.
Mua bảo hiểm
Nếu không sống gần ngọn núi, bạn sẽ phải đặt vé, phòng khách sạn và thậm chí là cả xin visa. Một trong những bước quan trọng là đừng quên mua bảo hiểm. Nhiều quốc gia trên thế giới còn yêu cầu du khách phải có bảo hiểm du lịch mới đồng ý cấp visa. Chúng sẽ bảo đảm cho bạn mức bồi thường với nhiều trường hợp khác nhau, từ mất đồ đạc, chăm sóc y tế đến tình huống xấu nhất như tử vong.
Theo Trần Hằng (NISAVA)
NISAVA TRAVEL!
Bí kíp bỏ túi giúp leo núi an toàn
Bí kíp phượt núi an toàn
Kỹ năng leo núi đá