(Tiếp theo) – Quy Nhơn là thủ phủ của tỉnh Bình Định, vùng đấy có nhiều biến động lịch sử từng là chiến trường khốc liệt thời xưa. Bây giờ là một thành phố hiền hoà nằm ven biển với nhiều di tích, thắng cảnh đặc sắc.
< Bình minh ló dạng trên bán đảo Phương Mai – nhìn từ Ghềnh Ráng.
Ghềnh Ráng là một trong các danh thắng ấy, không xa trung tâm thành phố, nơi du khách không thể bỏ qua khi đến Quy Nhơn. Ghềnh Ráng được xếp hạng Di tích Quốc Gia năm 1991, nằm dưới chân núi Xuân Văn. Đây là điểm đến của chúng tôi trong ngày thứ 5 của cuộc hành trình.
< Chuẩn bị cử hành thánh lễ.
5g sáng, chúng tôi đã thức dậy tập hợp rồi lên xe đến khu du lịch Ghềnh Ráng, chuẩn bị cho Thánh Lễ lúc 5g 30 tại nhà thờ Ghềnh Ráng.
Nhà thờ nằm trong khu du lịch nằm trên triền dốc hướng xuống biển. Nhà thờ nhỏ, lối đi len lỏi qua các tảng đá và các pho tượng.
< Phía trước nhà thờ đá Ghềnh Ráng.
< Đường lên dốc đá… Mộ được đặt trên ngọn đồi hướng mặt về biển.
Đối diện nhà thờ là khu mộ Hàn Mặc Tử, một nhà thơ tài hoa bạc mệnh. Cuộc đời của ông là nguồn cảm hứng cho nhiều vở kịch, tuồng hay các tác phẩm âm nhạc. Ngoài ra với chúng tôi, ông còn là một tín đồ Công giáo rất yêu mến Đức Mẹ.
< Mộ ông với tượng Đức Mẹ nhìn xuống hiền hoà như đang che chở cho ông.
Hàn Mặc Tử mất năm 1940 vì bịnh phong khi mới 28 tuổi, tại BV Quy Hoà. Năm 1959, gia đình bạn bè mới cải táng di dời mộ ông ra Ghềnh Ráng.
< Không biết ông đã bán trăng cho ai chưa nhỉ?
< Lối đi trong khu du lịch đến bãi Hoàng Hậu.
Từ mộ Hàn Mặc Tử, đi tiếp là bãi tắm Hoàng hậu còn gọi là bãi trứng vì đá tại đó tròn như quả trứng. Tuy nhiên Đoàn chúng tôi chỉ tham dự Thánh Lễ và viếng mộ Hàn Mặc Tử thôi, không có thì giờ tham quan nơi khác. Tạm biệt thi sĩ. Đọc thầm vài câu thơ như để tạm biệt ông: – Trong làn nắng ửng khói mơ tan / Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng / Sột soạt gió trêu tà áo biếc / Trên giàn thiên lý bóng xuân sang…
< TP và bãi biển Quy Nhơn nhìn từ Ghềnh Ráng.
< Nhìn từ trên tầng 5 KS.
< Nhìn về Ghềnh Ráng.
Chúng tôi lại trở về KS ăn sáng và thu dọn hành lý, chặng này sẽ về Mũi Né. Sau khi ăn xong, mình tranh thủ xuống biển. KS ở sát ngay bờ biển, biển Quy Nhơn có hình vành cung, cát vàng, sóng êm… ít thấy người tắm vì lúc này vắng khách chăng? Tiếc là có ít thời gian khám phá Quy Nhơn, hẹn dịp khác!
< Tạm biệt Quy Nhơn.
< Quốc lộ 1D.
Lên xe lúc 8g, xe theo QL 1D về Nam. Ngày trước vì Quy Nhơn nằm cách QL1A khoảng 10Km nên ít người ghé vào khi đi trên đường thiên lý Bắc Nam. Ngày nay theo trào lưu mở đường ven biển: QL 1D được hình thành nối Quy Nhơn đến Bình Phú giao với QL1A tại đó ,đường chạy theo biển và đầm Cù Mông.
< Đầm Ô Loan – Phú yên.
Tiếp tục vượt qua Bình Định qua vịnh Xuân Đài rồi tới Phú Yên, đầm Ô Loan… qua đèo Cả, nghỉ chân lần nữa tại Đại Lãnh rồi dừng chân tại Nha Trang ăn trưa.
< Núi Chớp Chài – Phú Yên.
< Vũng Rô.
Rời Nha Trang, xe về Cam Ranh qua đèo Cù Hinh. Bãi Dài với nhiều resort đang được xây dựng, hình chụp trên xe không được đẹp, một bất lợi so với đi xe máy.
< Trên đèo Cả. (ĐGD: Đảo trong ảnh là Hòn Nưa).
< Trên đèo Cù Hin về Cam Ranh.
< Tháp Chăm nằm ven QL1 (ĐGD: Đây là di tích 3 tháp, tức là tháp Chăm Hòa Lai).
Hành trình đã là cuối ngày thứ 5 rồi, ai cũng mệt mà đường sao vẫn còn dài. Rồi đến ngã ba Lương Sơn – Bình Thuận, xe rẽ về Mũi Né. Vậy là sắp đến nơi nghỉ rồi, lúc này đã hơn 5 giờ chiều. Đến khu Suối nước, đoàn dừng chân ở nhà nghỉ Mũi Né làm thủ tục nhận phòng và ăn tối. Hơi thất vọng vì khu này ban đêm quá vắng, nhìn ra đường thì tối om, xuống biển cũng tối đen. Không có gì để giải trí ngoài 1 vài quán cóc bán đồ nhậu dưới bãi biển, nơi giải sầu của các bạn già trẻ chúng tôi. Thế là hết ngày thứ 5 .
Còn tiếp…
Phần 1 – Phần 2 – Phần 3 – Phần 4 – Phần 5 – Phần 6 – Phần cuối
Phương Nguyên
NISAVA TRAVEL!