Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) là một nhóm rất nhiều đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm nhỏ ở Biển Đông. Hoàng Sa cũng có nghĩa là ‘cát vàng’, tên Người Việt đặt cho quần đảo này.

< Bãi biển Bạch Quy đẹp như thiên đường.

Hoàng Sa được chia làm hai nhóm đảo là nhóm đảo An Vĩnh và nhóm đảo Lưỡi Liềm. Có tài liệu chia quần đảo làm ba phần, trong đó ngoài hai nhóm trên thì còn có một nhóm nữa gọi là nhóm Linh Côn.
Hoàng Sa được ví như những như dải cát vàng trải dài, nước quanh đảo lúc thì xanh như mạ non, lúc lại ửng màu thanh thiên trong vắt. Từng đợt sóng lăn tăn đuổi nhau vào bờ, tạo nên một không gian thanh bình, yên ả đẹp như cõi mộng giữa biển khơi.

Hầu hết những người đã đặt chân đến Hoàng Sa đều có chung cảm nhận, Hoàng Sa giống như thiên đường chốn trần gian.

< Ông Phạm Thoại Tuyền (sống tại Lý Sơn) đang thắp hương trên ngôi mộ gió của ông tổ mình là chánh đội thủy binh…

Đôi nét về Hoàng Sa.

Mùa xuân năm Bính Thân 1836, vâng mệnh vua Minh Mạng, Phạm Hữu Nhật – Chánh đội trưởng thủy quân suất đội của triều đình nhà Nguyễn đã đem binh thuyền đi đo đạc, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền lãnh thổ trên quần đảo Hoàng Sa.

Gia phả của họ Phạm ở Lý Sơn ghi rằng 200 năm trước, cai đội Phạm Quang Ảnh cùng 70 suất lính với năm chiến thuyền làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển và đo đạc thủy trình, tìm kiếm, khai thác những sản vật quý cung tiến triều đình. Rồi một lần, cai đội Phạm Quang Ảnh cùng hải đội của ông gặp bão biển và không trở về. Vua Gia Long đã thân chinh ra tận Lý Sơn làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ.

< Hải đăng Việt Nam trên đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc.

Từ khi triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Giáp Thân (1884) với Chính phủ Pháp, nước ta bước vào thời kỳ Pháp thuộc. Trong khuôn khổ của những cam kết chung, Pháp tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên thực tế, chính quyền thuộc địa Pháp đã có nhiều hành động cụ thể liên tục củng cố, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.

Ngày 15-6-1938, Toàn quyền Đông Dương Jules Brévie ký Nghị định thành lập một đơn vị hành chánh tại quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Cũng trong năm 1938, một bia chủ quyền được chính quyền Pháp dựng lên, một hải đăng, một trạm khí tượng ở đảo Hoàng Sa (Pattle), một trạm khí tượng khác ở đảo Phú Lâm (lle Boisée), một trạm radio TSF trên đảo Hoàng Sa (Pattle); cùng một bia chủ quyền, một hải đăng, một trạm khí tượng và một trạm radio TSF tương tự trên đảo Ba Bình (ltu Aba). Tháng 6-1938, một đơn vị lính bảo an Việt Nam tới đồn trú ở Hoàng Sa.

< Đào giếng tại Hoàng Sa năm 1938 trong thời gian chính quyền bảo hộ Pháp tại Đông Dương thực thi chủ quyền trên quần đảo này.

Ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, bắt lính Pháp đồn trú ở quần đảo Hoàng Sa làm tù binh. Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, Nhật rút khỏi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và một phân đội lính Pháp đã đổ bộ từ tàu Savorgnan de Brazza lên thay thế quân Nhật từ tháng 5-1945, nhưng đơn vị này chỉ ở đây vài tháng. Trong thời gian từ 20 đến 27-5-1945, Đô đốc D’Argenlieu, Cao ủy Đông Dương cũng đã phái tốc hạm L’Escamouche ra nắm tình hình đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đến khi thua trận rút khỏi Đông Dương, chính phủ Pháp cũng đã bàn giao quyền quản lý vùng biển này lại cho chính phủ Miền Nam do Pháp dựng lên nhưng cũng thuộc Việt Nam.

Nhớ Hoàng Sa ngày ấy

Tháng 2-1958, ông Ngô Tấn Phát nhận nhiệm vụ đi công tác tại Hoàng Sa theo nhiệm kỳ ba tháng. Các đồng nghiệp của ông trong Nha Khí tượng Sài Gòn lúc đó cũng đã từng mỗi người ra đảo vài lần, cứ đến lượt là đi. Mới ngoài đôi mươi, vừa được nhận vào làm quan trắc viên, lại chưa biết gì về đảo Hoàng Sa nên ông Phát hăng hái đi ngay. Không ngờ chuyến đi đó đã gắn bó với ký ức của ông suốt phần đời còn lại. Ông yêu công việc này, yêu quần đảo mà ông mới sống cùng nó ba tháng, cho nên khi hết nhiệm kỳ ông đăng ký ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa.

“18 lần ra làm việc tại Hoàng Sa là quãng đời đẹp nhất của tôi”, ông Võ Như Dân nói như vậy. Kỷ vật quí giá trong những ngày sống ở Hoàng Sa từ những  năm 1960 mà ông còn gìn giữ đến bây giờ là cái vỏ ốc tai tượng to bằng quả bóng, ông mang từ Hoàng Sa về phơi khô, đẽo và vẽ thêm vài chi tiết, nối dây điện vào làm thành chiếc đèn trang trí độc đáo. Bao nhiêu năm qua ông đặt chiếc đèn vỏ ốc ấy trang trọng trong tủ kính ở phòng khách để hằng ngày nhớ về những ngày ở đảo.

< Ảnh quần đảo Hoàng Sa với những cơ sở quân sự, khí tượng của Việt Nam năm 1968.

Ông Năm Miễn (Phạm Văn Miễn) dù đã 82 tuổi cũng mong mỏi có dịp trở lại Hoàng Sa một chuyến để ông trở lại với những năm tháng làm việc ở đó. Bởi ông Miễn là người ra làm việc lâu nhất ở Hoàng Sa: 18 năm! Trong 18 năm (1956-1974) làm việc ở Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng, năm nào ông Miễn cũng có mặt ở Hoàng Sa, có năm ra đôi ba đợt. Hoàng Sa nằm trên vùng biển rộng 15km², gồm 40 đảo đá, cồn san hô và bãi đá ngầm, đảo lớn nhất dài 900m, rộng 700m, song với ông Miễn thì hầu như thuộc lòng quần đảo ấy.

Ông Trần Hòa (58 tuổi, trú thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) thuộc lứa những người ra đảo những lần cuối cùng kể lại, tháng 10/1973, khi ông chưa đầy 20 tuổi đã được Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam trao Sự vụ lệnh ra đảo Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị bệnh cho sĩ quan, binh lính thuộc trung đội Hoàng Sa và các nhân viên khí tượng.

Lần đầu ra đảo cái cảm giác háo hức dần dần bị xâm lấn bởi sự lo lắng. Nhưng rồi, vừa nhìn thấy bóng dáng đảo sau ánh bình minh, ai cũng ôm nhau cười mãn nguyện. Tôi thật sự choáng ngợp và reo lên ôi quê hương ta đẹp biết bao. Toàn cảnh Hoàng Sa như một dải cát vàng lộ thiên giữa biển nước” – ông Hòa nhớ lại.

Ấn tượng đầu tiên về Hoàng Sa của nhân chứng Nguyễn Văn Dữ (59 tuổi, trú phường Thọ Quang, Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) là quần đảo có một bãi cát trải dài như chiếc thảm khổng lồ và sạch đến vô cùng. Từ Hoàng Sa hướng mắt ra bốn phía ngoài thấy một vùng biển xanh mênh mông như ngọc. “Hoàng Sa trong tôi những buổi sáng mai hay sau những chiều nhạt nắng, tôi nghe những con sóng thì thầm cùng những làn gió từ biển thổi đến man mát như tiếng của người yêu, em đợi anh về” – ông Dữ thổn thức.

Với ông Nguyễn Tấn Phát, nhân viên quan trắc Đài khí tượng Sài Gòn, bình minh trên quần đảo Hoàng Sa là thời khắc huy hoàng nhất trong ngày. “Chúng tôi thấy mặt trời đỏ rực, to và rất gần. Nắng lên một chút, nước biển ven bờ xanh một màu ngọc bích đẹp lạ lùng, xa xa hơn một chút nữa màu xanh dương rồi tới xanh lục. Chiều chiều rảnh rỗi chúng tôi bơi ra xa lặn xuống xem những rạn san hô với cá đủ màu sắc…” – ông Phát nói.

< Sói biển Mai Phụng Lưu ở ngư trường Hoàng Sa.

Đặc biệt nhất tại Hoàng Sa là cá. Cá nhiều vô kể, nhất là cá mú. Lính đảo cùng các nhân viên khí tượng sống nhờ nguồn thực phẩm khá dồi dào tại Hoàng Sa. Cá, ốc, mực, bạch tuộc, chim… Những người đã sống và làm việc tại Hoàng Sa kể lại, chỉ cần quăng câu chừng vài phút là được gần cả chục con cá mú, cá khế, cá xanh xương… mà con nào con đó nặng trên 5 – 7 kg.

Ông Nguyễn Văn Đức (trú quận 5, TP. HCM), ra nhận nhiệm vụ đo đạc khí tượng thủy văn ngoài Đảo tháng 10/1969 kể lại:”Vui nhất phải kể đến những lần câu cá và đánh bắt giờ rảnh rỗi. Vì là đảo san hô nên nguồn hải sản tại nơi đây rất phong phú. Những đoàn cá vào đây để ăn sinh vật nhỏ tại san hô. Trên đảo mỗi dọc san hô cá mú biển sống rất nhiều. Mỗi ngày một người câu được ít nhất 50 con cá mú biển. Chúng tôi thường ăn không hết, nên phơi khô để làm quà mang vào đất liền…”.

Ông Lê Lan (60 tuổi, phường Sơn Phong, TP. Hội An, Quảng Nam) lần ra công tác Hoàng Sa năm 1971 từng câu được con cá khế nặng 15 kg. Ở Hoàng Sa, còn có những con rùa to 2 người đứng trên lưng rùa vẫn bò đi được.

‘Sói biển’ Mai Phụng Lưu

Kề cận gần đây nhất, kà những chuyến cập đảo của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu – người bốn lần bị Trung Quốc bắt, hai lần bị tịch thu tàu, một lần bị giam cầm tra tấn dã man ở đảo Phú Lâm… Vậy nhưng người ngư phủ đảo Lý Sơn được đồng nghiệp phong tặng danh hiệu “sói biển” vẫn không nhụt chí. Mặc dù từ năm 1974, quần đảo Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) bị phía Trung Quốc chiếm đóng trái phép nhưng với người gần 30 năm lăn lộn ở ngư trường này như Mai Phụng Lưu, ông vẫn thường xuyên ghé lên đảo và thuộc từng vụng biển, từng bãi cát, từng hòn đảo như chính nhà mình.

< Hai cha con thành kính thắp nén hương trước khi xin phép thần linh xúc cát đảo Bạch Quy đem về cho bà con.

Đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa sau khi quần đảo bị TQ chiếm đóng trái phép, nhiều đảo đã từng in bước chân sói biển như cù lao Ông Già, đảo Cồn Đá Lồi, đảo Bạch Quy… Chỉ riêng trên cù lao Ông Già, ngư dân Mai Phụng Lưu có bốn lần ăn tết trên đảo này – nơi mà suốt bao năm gắn bó trên biển đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó quên.

Nói đơn giản, ngư dân Lý Sơn đặt tên cho một hòn đảo nhỏ bằng đảo Bé ở Hoàng Sa là ‘lao Ông Già’ vì trước kia trên đảo có một ông già Trung Quốc sống một mình bí ẩn.
Mai Phụng Lưu kể: “Ông già rất hiền. Những lúc không có lính Trung Quốc đi tuần, tàu cá ngư dân Lý Sơn ghé đảo được ông chỉ dẫn những ngôi mộ người Việt để thắp hương, được ông dẫn đi xem những tấm bia cổ của người Việt và chỉ cách lượm trứng chim ngon trên cỏ để ăn”. Cách đây hơn 10 năm, ông già hình như đã mất. Rồi hai cặp vợ chồng Trung Quốc khác ra đảo sinh sống, ngư dân Lý Sơn thỉnh thoảng vẫn ghé vào nhưng bị theo dõi nghiêm ngặt lắm.

< Sói biển Mai Phụng Lưu đang nhặt trứng rùa biển trên Cù lao Ông Già.

Riêng Cồn Đá Lồi, ngư dân còn gọi là đảo Phạm Quang Ảnh vì đây là tên một cai đội xuất chúng trong Đội Hoàng Sa Bắc Hải dưới triều Nguyễn. Đây cũng là hòn đảo mà ông cho rằng sẽ luôn day dứt nếu không đến thăm. Là đảo nửa nổi, nửa chìm, khi nước thủy triều rút cạn thì đảo hiện ra như tấm thảm cát khổng lồ, ven đảo này có vô số loài hải sản quý sinh sống.

Hoàng Sa trong 30 năm bám biển của sói biển Mai Phụng Lưu là những hòn đảo nhỏ trắng xóa trứng chim biển, những rạn san hô đầy hải sâm, những ngôi mộ của người Việt trên Lao Ông Già, những tấm bia chủ quyền phai mờ sương gió… Nỗi nhớ đau đáu của các ngư phủ, của người dân Việt về một quần đảo đã được cha ông khám phá và gìn giữ từ ngàn xưa vẫn thôi thúc trong lòng. Ai chưa hề đặt chân đến chỉ có thể dõi theo qua những tấm ảnh đen trắng hiếm hoi từ thời Pháp, thời VNCH để đỡ nhớ!

Một cách khác nữa là mở bản đồ vệ tinh như Googlemap, Wikimapia rồi phóng lớn, săm soi để căm giận kẻ xâm chiếm trái phép và bành trướng các công trình quy mô… Còn chuyện nhìn tận mắt, day tận tay thì không thể trong thời điểm hiện nay.

Vậy nên trong bữa rượu chia tay lúc khuya ở nhà thông gia ngư dân Mai Phụng Lưu, anh Tâm Chánh đã tặng cho con trai Mai Phụng Lưu chiếc máy ảnh Panasonic Lumix DMC LX2 của anh. Và dịp này, người tặng cũng huấn luyện cấp tốc cách sử dụng máy ảnh ngay trong bữa rượu.

Rồi trong chuyến ra khơi tháng 8.2011, cha con ‘sói biển’ đã ghé lên đảo Bạch Quy, đảo Ông Già để xúc nắm cát trắng thiêng liêng đem về chia cho bà con trên huyện đảo Lý Sơn – quê hương Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa – cùng thờ phụng, tưởng nhớ tới cha ông đã nằm lại biển khơi, từ đó khắc cốt ghi tâm rằng đó là mạch đất máu thịt của Tổ quốc. Cũng chính nhờ chiếc máy ảnh này nên cha con ông đã lần lượt ghi lại những khoảnh khắc lưu lại trên đảo Bạch Quy và Cù lao Ông Già thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Vậy là hình cận cảnh của 2 đảo trong quần đảo Hoàng Sa không còn chỉ được thể hiện qua những ảnh xưa, qua những lời kể mà nó rõ mồn một qua những tấm ảnh màu… trên những hòn đảo mà ngày xưa nằm trong vòng quản lý của ta.

Sau đó, nhiều nhà báo đã đến xin và đăng những tấm ảnh này. Đó là những tấm hình duy nhất mà mọi người được nhìn thấy được Hoàng Sa qua ảnh chụp sau năm 1974. Một tháng sau, chúng tôi nhận được điện thoại của Phạm Anh báo rằng ‘anh Lưu gửi tặng mấy anh một bao cát Hoàng Sa’ anh Lưu lấy trong chuyến đi biển tiếp theo. Đó là cát mà ngư dân ở Lý Sơn vẫn lấy về để trong nồi hương thờ ông bà và những binh phu Hoàng Sa ngày Tết.

Hoàng Sa trong 30 năm bám biển của sói biển Mai Phụng Lưu là những hòn đảo nhỏ trắng xóa trứng chim biển, những rạn san hô đầy hải sâm, những ngôi mộ của người Việt trên Lao Ông Già, những tấm bia chủ quyền phai mờ sương gió. Hoàng Sa, nơi bao nhiêu năm lặn lội trên biển đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó quên.

Nuôi chí giành lại Hoàng Sa (báo Thanh Niên):

Lịch sử Việt Nam cho thấy dù có 1.000 năm Bắc thuộc, đến cuối cùng ông cha ta cũng khôi phục lại được nền độc lập cho Việt Nam. Những điều đó thành hiện thực là do nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi, ngọn lửa ý chí được nuôi dưỡng và được truyền qua các thế hệ.

Mất đi Hoàng Sa vào năm 1974 (cũng như mất Gạc Ma vào năm 1988) cũng là lúc chúng ta đã mất đi vị trí chiến lược bảo vệ đất nước từ biển, mất đi những người con của dân tộc đã hy sinh trong những trận hải chiến ngày ấy và là nỗi đau lớn cho Việt Nam. Đó là bài học về một phần cái giá phải trả khi Việt Nam bị chia cắt ở trong thế yếu; lại bị các cường quốc lớn chi phối, kinh tế còn yếu kém, không có sự quan tâm và chuẩn bị đúng mức để bảo vệ được đảo.

Thực tế cho thấy, khi quần đảo đã bị Trung Quốc chiếm đóng, việc đòi lại Hoàng Sa đúng là một sự nghiệp lâu dài và khó khăn đòi hỏi người Việt phải giữ vững được ý chí và chuẩn bị chu đáo. Người Do Thái sau 2.000 năm mất nước đã trở lại được mảnh đất quê hương mình. Làm được điều đó, trước tiên là vì họ không để ý chí mai một. Câu nói “Sang năm về Jerusalem” đã trở thành lời cầu nguyện trước mỗi bữa ăn, lời chào từ biệt giữa những người Do Thái mất nước từ đời này sang đời khác.

Argentina chưa từng từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Falkland dù gần 200 năm đã trôi qua và hiện quần đảo đang nằm trong tay người Anh. Lịch sử Việt Nam cũng cho thấy dù có 1.000 năm Bắc thuộc hay 100 năm Pháp thuộc… đến cuối cùng ông cha ta cũng khôi phục lại được độc lập cho Việt Nam. Nhưng những điều đó thành hiện thực là do những nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi được nung nấu qua nhiều thế hệ.

Bởi vậy cho dù đó là công cuộc lâu dài, chúng ta không giây phút nào được trễ nải hay có suy nghĩ rằng hãy gác lại để thế hệ sau làm tiếp. Luật quốc tế hiện đại đòi hỏi danh nghĩa chủ quyền cần phải được duy trì liên tục. Chỉ cần có những hành động hay tuyên bố biểu lộ sự thiếu quan tâm đối với chủ quyền Hoàng Sa (và Trường Sa), Việt Nam sẽ bị mất đảo vĩnh viễn một cách hợp pháp. Trách nhiệm của mỗi thế hệ là bảo vệ toàn vẹn và làm mạnh hơn lập luận pháp lý của Việt Nam, giảm nhẹ gánh nặng cho con cháu của mình. Và danh dự của tổ quốc, trách nhiệm với tiền nhân và hậu thế không cho phép chúng ta tiếp tục để mất hẳn Hoàng Sa (TNO).

“Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Ngày nay, cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta để đòi lại Hoàng Sa chính là cuộc chiến về ý chí và trí tuệ. Mỗi người Việt Nam sẽ không bao giờ đầu hàng và không bao giờ chấp nhận từ bỏ Hoàng Sa vào tay ngoại bang.

Nói về huyện đảo Hoàng Sa

Huyện đảo Hoàng Sa được thành lập từ tháng 01/1997, là một quần đảo san hô nằm cách thành phố Đà Nẵng 170 hải lý (khoảng 315 km).

Huyện bao gồm các đảo: đảo Hoàng Sa, đảo Đá Bắc, đảo Hữu Nhật, đảo Đá Lồi, đảo Bạch Quy, đảo Tri Tôn, Đảo Cây, đảo Bắc, đảo Giữa, đảo Nam, đảo Phú Lâm, đảo Linh Côn, đảo Quang Hòa, Cồn Bông Bay, Cồn Quan Sát, Cồn Cát Tây, Đá Chim Yến, Đá Tháp…

Sẽ kỷ niệm sự kiện 40 năm Hoàng Sa và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện Bộ Ngoại giao đang lên kế hoạch kỷ niệm 40 năm sự kiện (1974) Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và 35 năm sự kiện tháng 2 năm 1979 – chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Tại cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Hội Khoa học Lịch sử chiều 30.12, ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử đã nêu băn khoăn của mình về chuỗi các sự kiện lịch sử chẵn năm trong năm 2014. Trong đó, có các sự kiện được ông cho là “tế nhị”, như: 35 năm sự kiện tháng 2 năm 1979 – chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, 40 năm sự kiện (1974) Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

“Nhiều cơ quan đặt rất nhiều câu hỏi với Hội Khoa học Lịch sử chúng tôi, năm nay sẽ kỷ niệm ra sao… Đề nghị Thủ tướng cho ý kiến để chúng tôi có thể điều hòa được tác động xã hội”, ông Dương Trung Quốc nói.
Về điều này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, ông cũng đã nhận được câu hỏi chất vấn của ông Quốc.

Trả lời trực tiếp tại Hội Khoa học Lịch sử, Thủ tướng cho biết: “Phải kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm thế nào để ổn định. Rồi còn biên giới Tây Nam thế nào. Chứ không phải Bộ Chính trị không quan tâm”.
Thủ tướng cũng cho biết hiện Bộ Ngoại giao đang soạn thảo đề án kỷ niệm sự kiện: biên giới phía Bắc, Hoàng Sa. “Kỷ niệm thế nào cho vừa đạt yêu cầu đối nội, vừa đạt yêu cầu đối ngoại. Đó cũng là lợi ích của nhân dân. Bộ Chính trị rất quan tâm đến việc kỷ niệm này” (Nguyentandung.org).

Ghé lại vài đảo tại Hoàng Sa
Cùng ngư dân cưỡi sóng Hoàng Sa
Thăm người lưu giữ ký ức Hoàng Sa…
Mãi mãi Hoàng Sa
Đất trời Hoàng Sa
Hoàng Sa, ngày ấy không quên…
Hoàng Sa từng được khảo sát du lịch từ năm 1925
….

NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *