Đảo Trường Sa lớn – thủ phủ của huyện đảo Trường Sa

Trường Sa lớn cách đảo Đá Tây chừng 20 hải lý nên chỉ chỉ mất hơn 2 giờ đồng hồ trên biển để hội ngộ “thủ phủ” sau khi rời đảo này.

13h30, tàu đã đến Trường Sa lớn, thủ phủ của huyện đảo Trường Sa. Đây cũng là đảo lớn duy nhất của chúng ta đã xây dựng xong cầu cảng, có 1 đường băng ngắn chừng 600m cho máy bay trực thăng và máy bay nhỏ.

Vì là thủ phủ, đảo được đầu tư khá bài bản và quy mô lớn, với hệ thống kè chắn sóng, chống được xe tăng đổ bộ đã kín xung quanh đảo, với nhà cửa khang trang, với 1 khu nhà khách thủ đô, 1 tượng đài Liệt sỹ, tượng Bác Hồ…

Hải đăng Trường Sa lớn cũng mới được xây dựng, đẹp và quy mô. Bước trên cầu cảng Trường Sa lớn, chúng tôi cứ lâng lâng niềm vui và tự hào vì biển đảo chúng ta đã đẹp và hiện đại hơn rất nhiều.

< Cầu cảng trên đảo, đảo duy nhất có cầu cảng lớn, tàu có thể cập vào tận bờ.

Đã có biết bao nhiêu công sức, tiền của, thậm chí cả xương máu của anh em chiến sỹ đã đổ xuống biển, để có một hạ tầng khang trang như thế.

Tôi thực sự ấn tượng về quy mô của đảo cũng như cơ sở hạ tầng nơi đây. Chúng tôi trèo lên hải đăng, ngắm 1 vòng toàn đảo, đảo xanh một màu xanh của cây cối, của lá bàng vuông, của cây phong ba, của cây lá nho…

< Trường Sa lớn, nhìn từ Hải đăng Trường Sa.

Tôi đã dành cả buổi chiều đi một vòng trên bờ kè của Trường Sa lớn, ngắm sóng biển dạt dào đập vào bờ, nhìn những bãi cát san hô, hay đi trên đường băng rộng mênh mang, ngắm bầu trời Trường Sa xanh thẳm, thấy yên tâm hơn trước chủ quyền của dân tộc trên quần đảo Trường Sa.

Bữa ăn tối được tổ chức dưới những tán bàng vuông, thân tình, ấm cúng, ăn món lợn được nuôi trên đảo. Đi 1 hành trình dài trên biển, ăn miếng lòng lợn tiết canh thấy lạ lạ.

< Và đường băng trên đảo Trường Sa, dài 600m và đang có kế hoạch kéo dài 1km.

Sau bữa ăn tối, tôi đi lang thang một mình dọc theo đường băng trên đảo. Trong bóng tối, trên đầu là bầu trời sao lồng lộng, bên cạnh là bóng tối như mênh mang của đường băng, tôi đi về đầu 1 đường băng trên đảo, bóng tối như bưng vào mắt, vừa đi vừa nghe nhạc.

Chợt có ánh đèn pin lóe lên, bỏ tai nghe, nghe có tiếng hô của mấy chiến sỹ đang trực chiến, hỏi mật khẩu.

Hôm nay đảo có khách, việc đảm bảo an ninh cũng đỡ căng hơn, bình thường không có chuyện được lang thang đêm và không biết mật khẩu như thế này.

Ngồi trong bóng tối như bưng, bên cạnh 2 chiến sỹ, mời điếu thuốc lá, thương anh em vất vả, tôi lại đi về tàu, lấy thêm mấy bao thuốc lá, đưa ra tặng anh em, coi như 1 chút tình cảm của đất liền.
Đêm ấy, chúng tôi ngủ trên tàu, tàu neo bên cầu cảng, nửa đêm nghe tiếng sóng vỗ bờ, nao nao nhớ đất liền.

Một ngày mới trên Trường Sa lớn đón chúng tôi bằng một cơn mưa rào, cơn mưa làm không khí trở nên mát mẻ, dễ chịu, khác hẳn cái oi nóng của ngày hôm qua.

Mưa trên biển cũng có nhiều điều mới mẻ, đó là nơi này mưa dào dạt, nhưng ở đằng xa, một phương trời khác, bình minh vẫn đang lên, nắng vẫn chói chang ở một góc trời.
Nước biển cũng vì thế mà đầy huyền hoặc, mảng tối, mảng sáng, mảng xanh, mảng đen trên mặt biển mênh mang.

Ngày D+6: rời Trường Sa lớn – thăm Đá Lát – di chuyển về DK1

Sau khi tranh thủ đi thăm 1 vòng nữa của Trường Sa lớn, chúng tôi lên tàu, rời đảo. Cuộc tiễn ở cầu tàu dường như quy củ hơn, hoành tráng. Tàu kéo 3 hồi còi chào đảo, Trường Sa lớn xa dần, chỉ còn lại dáng đảo đầy xanh tươi và kiêu hãnh giữa biển xanh…

Tiếp theo Trường Sa Lớn, tàu tạt qua Đá Lát. Cũng rất gần thôi, chỉ chừng 2h đồng hồ, tàu đã tới Đá Lát. Đây cũng là một đảo chìm, trên một bãi san hô nổi rộng mênh mông.

Một trong những mục đích của tàu đến Đá Lát, đó là cung cấp nước ngọt cho đảo, bởi nước dự trữ trên này đã cạn.
< Sau 2 giờ x 8 hải lý/giờ, tàu đã đến Đá Lát

Đảo chìm, nhưng nằm giữa một vùng san hô khá cao, nên phải đợi lúc thủy triều cao thì canno mới vào được.

Khi triều xuống, mực nước quanh đảo chỉ còn vài chục phân, thậm chí còn nổi cả cồn san hô, với chu vi cả km.

< Xuồng vào thăm đảo, quanh đó là thềm san hô.

Chính vì vậy, chúng tôi chỉ có 1h đồng hồ thăm đảo, thăm cán bộ chiến sỹ trên Đá Lát.

< Nước ngọt tái sử dụng trên đảo Đá Lát

Đảo chìm, điều kiện đi lại cũng khó khăn, nên cũng ít đoàn thăm đảo, tình cảm của cán bộ chiến sỹ cũng nồng nhiệt hơn, và sự có mặt của chúng tôi cũng động viên anh em nhiều.

< Nhưng không vì thế mà không quan tâm đến khách. Chậu nước rửa tay dành cho khách quý, khi mà mỗi ngày trên đảo, 1 người chỉ có 3 lít nước. Chính vì thế, chẳng ai nỡ rửa tay.

Sau những hàn huyên, tàu rời Đá Lát, rời bãi san hô mênh mông, chia tay với vùng quần đảo Trường Sa thân yêu để đi sâu về phía Nam, đến với vùng thềm lục địa của tổ quốc, với những dàn DK1 nổi tiếng, những giàn canh gác chủ quyền thềm lục địa giàu tài nguyên của tổ quốc ta.

Lại là một hành trình lênh đênh trên biển 10h đồng hồ để đến DK1 Phúc Nguyên.
 
 
Kỳ 1 – Kỳ 2 – Kỳ 3 – Kỳ 4 – Kỳ cuối

Dudu 08
Nguồn từ Phuot.com forum

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *