Ngày D+4, lễ viếng các liệt sỹ trên khu vực đảo Gạc Ma – Cô lin – Len đao, thăm đảo Colin

5 giờ sáng, tàu đến khu vực đảo Gạc Ma – Cô lin – Len đao, khu vực cuối cùng của vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa.

Nhắc đến vùng đảo chìm này, hẳn chúng ta không thể nào quên những thước phim tư liệu mà lâu rồi, ai đó đã post lên Youtube cảnh những chiến sỹ công binh hải quân ta – không một tấc sắt trong tay, nắm tay nhau giữ đảo chìm, nước ngập ngang thân hào hùng hứng chịu những làn đạn, hòa thân thể và tuổi thanh xuân của mình vào lòng biển xanh nơi này. 1 tàu vận tải của ta đã chìm xuống đáy biển, 1 tàu còn lại bị bắn cháy đã cố sức lao lên thẳng bãi đá ngầm Cô lin.

Hiện đối phương đã xây dựng từ bãi ngầm 1 tòa nhà phòng thủ kiên cố. Còn bãi Cô lin nay đã được chúng ta giữ gìn và xây dựng thành 1 đảo nhỏ, trên nền đá san hô, chỉ rộng hơn 100m2.

< Toàn cảnh bãi Gạc ma – từ trái sang phải – cột chủ quyền dựng trái phép – tàu chiến hộ vệ tên lửa số 998 – đảo Gạc ma do đối phương xây dựng hình dáng giống như 1 chiến hạm.

Gạc ma giờ nằm trong sự chiếm đóng của nước ngoài. Nhìn cột chủ quyền của bọn họ dựng lên trên bãi Gạc ma mà đau xót. Bên cạnh đó là chiếc tàu hộ vệ tên lửa mang số hiệu 998 của họ, chiếc tàu được nhìn từ khoảng cách 6-7 hải lý, gần 12km, thế mà vẫn to lừng lững. Nhưng đây chỉ có lòng căm thù, không hề sợ hãi.

Lễ tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh trên khu vực đảo Gạc Ma – Cô lin được tổ chức ngay trên boong tàu, đơn sơ mà thành kính.
Vòng hoa tưởng niệm các anh được thả xuống mặt biển. Một ca sỹ theo đoàn cất lên tiếng hát nghẹn ngào bị ngắt quãng nhiều lần trong nước mắt, lòng chúng tôi cũng trĩu nặng theo. Rất nhiều rượu, thuốc, tiền vàng mã được chúng tôi gửi vào lòng biển, tưởng nhớ các anh. Nhiều người đã không cầm được nước mắt. Dưới cái nắng đầu ngày, giọt mồ hôi nhỏ xuống bên khóe mắt. Tổ quốc không bao giờ quên nỗi đau này, chúng tôi không bao giờ quên các anh.

Sau nghi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi vào đảo Cô lin thăm các chiến sỹ đang giữ đảo. Đảo rất nhỏ, chỉ là những ngôi nhà được xây trên nền bãi chìm, người lính chỉ quanh trong 4 bức tường. Những câu chuyện với những người lính càng làm chúng tôi thương các anh em hơn.

Tàu cũng tranh thủ tiếp nước cho đảo, đảo thì lấy mọi thứ có thể trữ nước để lấy nước từ tàu. Đảo không có đất, có 1 cây bàng vuông được các chiến sỹ ta trồng vào chiếc can nhựa cắt nắp, cây cũng lên cao chừng gần 2m, lá xanh mướt, như sức sống của những người lính tuổi đôi mươi giữ đảo.

< Cầu cảng của đảo Côlin, Cano chở nước ngọt tiếp tế cho đảo. 6 tháng rồi, đảo không có mưa.

Sau những giờ hàn huyên, gặp gỡ, chúng tôi trở về tàu. Chúng tôi cũng xin với các đồng chí chỉ huy hải quân, để anh em được lên tàu tắm nước ngọt và cùng ăn bữa cơm với cả đoàn. Đề nghị ấy được chấp thuận.

Ở đảo, mùa này không có nước, anh em chỉ được hạn mức 3 lít nước mỗi ngày, cho cả ăn uống và tắm gội. 3 lít nước, bằng 2 chai lavie to, điều đó làm chúng tôi đầy thông cảm và có chút áy náy rằng đôi khi mình sống vô tâm, khi nước trên tàu chúng tôi dùng thả cửa.
Và sau khi anh em đã lên tàu, đã tắm nước ngọt, đã chia sẻ với bữa cơm đầy tình hậu phương, quà gửi về đảo là những chiếc bắp cải, những mớ rau muống, vài quả đu đủ, ít lon nước ngọt, thuốc lá…
Vườn rau xanh trên đảo chìm, nhỏ bé giữa trùng dương, sóng gió và muối mặn, vì thế, vườn rau là nơi được chăm chút che chắn nhất >

Những cái bắt tay thật chặt, lưu luyến với những người ở lại, còn đoàn công tác lại tiếp tục lên đường. Tàu thẳng xuống phía Nam, nơi ấy có đảo Trường Sa lớn. Chúng tôi sẽ phải mất 18 tiếng đồng hồ để đến với khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa, với địa danh đầu tiên đến thăm là đảo Đá Tây.

Ngày D+5, thăm Đá Tây – Trường Sa lớn

Đảo Đá Tây được xây dựng giống y như cấu trúc của đảo Cô Lin, là kết cấu nhà lô cốt dựng trên nền đảo chìm san hô.

< Toàn cảnh trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Đá Tây

5h sáng, tàu đến đảo, nhìn xa mờ, đảo nằm trên một nền san hô khá rộng, và bên cạnh là một khu nhà khá đẹp, màu trắng, có nóc nhọn vươn lên như 1 khu biệt thự nào đó. Hỏi ra thì biết rằng đó là khu dịch vụ hậu cần nghề cá trên đáo Đá Tây.

Điều đặc biệt với đảo Đá Tây, đó là có 1 hồ rộng, sâu đến 30m, nằm giữa vùng đá san hô, có luồng vào cho tàu cá.

Nói là hồ, nhưng cả vòng bờ của hồ cũng chìm dưới nước, không nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng khi có bão tố, thì tàu cá của mình có thể vào tránh bão, sóng đánh không qua bờ san hô.

Cũng vì vậy, đảo là nơi lý tưởng để xây dựng một khu dịch vụ hậu cần nghề cá, vừa là nơi tàu vào trú ngụ, vừa là nơi cung cấp dầu, nước ngọt, sửa chữa tàu biển…

Nhìn từ Đá Tây sang, khu dịch vụ hậu cần nghề cá trông rất đẹp, lại có doi cát vươn ra biển, đầy thơ mộng giữa mênh mông biển trời. Lên Đá Tây, nhìn ra thềm đảo san hô, đẹp không gì tả xiết.

Tôi đi loanh quanh, vào từng ngõ ngách của ngôi nhà trên đảo. Ngôi nhà này là nhà mới, vừa được đưa vào sử dụng để thay thế ngôi nhà cũ đang sửa sang mới.

Chính vì thế, ở Đá Tây có 1 cây cầu rất đặc biệt, nối giữa 2 ngôi nhà, cùng với ngôi nhà hậu cần nghề cá ở cách xa chừng hơn 100m nữa, tạo thành một hệ thống kiến trúc đầy mê hoặc với những tay máy ảnh.

< Trung tâm dịch vụ nghề cá Đá Tây đẹp như 1 tòa biệt thự giữa trùng khơi.

Canno đưa chúng tôi sang khu vực dịch vụ hậu cần nghề cá, khá đẹp, rộng rãi, hệ thống hạ tầng đủ sức phục vụ các tàu cá vào.

Đứng từ nơi này nhìn sang, dù chỉ cách chừng hơn 100-200m, nhưng đảo Đá Tây trông nhỏ xíu. Thăm anh em một chút, chúng tôi rời đảo, về tàu để tiếp tục đến Trường Sa lớn, trung tâm của quần đảo Trường Sa.

< Hồ Đá Tây, nói là hồ, nhưng chẳng thấy bờ, và 2 chiếc tàu của công ty nuôi trồng thủy sản đang thử nghiệm nuôi cá lồng trên biển.

Rồi cũng tới lúc phải từ giả Đá Tây để hướng đến Trường Sa Lớn…

Kỳ 1 – Kỳ 2 – Kỳ 3 – Kỳ 4 – Kỳ cuối
 
Dudu 08
Nguồn từ Phuot.com forum

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *