Tôi đến phố cổ Hội An khi trời đã tắt nắng. Mặc dù biết mình rất bất lịch sự, nhưng tôi không thể ngừng hét lên sung sướng vì quá ưng vẻ đẹp của mảnh đất này.

< Phố bên sông Hoài.

Tôi từng được nghe kể rất nhiều về vẻ cổ kính, trầm mặc của Hội An. Được biết rất nhiều thông tin rằng Hội An là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trên bản đồ du lịch Việt Nam. Nhưng cho tới khi “mục sở thị”, quả thực tôi vẫn thực sự sửng sốt vì Hội An đẹp hơn rất nhiều so với tưởng tượng.

< Cầu An Hội rực rỡ đèn lồng.

Hành trình khám phá Hội An của tôi bắt đầu từ 7 giờ tối. Người bạn là dân Hội An chính gốc đã “khuyến cáo” tôi chỉ có khoảng 3 giờ đồng hồ để lang thang ngắm phố cổ, mua sắm và thưởng thức những món ngon nổi tiếng nơi đây. Bởi quán xá ở Hội An thường đóng cửa khá sớm.

Ấn tượng đẹp đẽ đầu tiên của tôi về Hội An là vẻ lung linh của cầu An Hội dưới ánh đèn lồng. Những chiếc đèn lồng đủ màu sắc làm không chỉ làm cho cây cầu thêm duyên dáng, khiến con sông Hoài thêm chất thơ, mà còn khơi gợi được cảm xúc rất sâu lắng trong lòng du khách.

< Những quán cà phê được trang trí bằng đèn lồng lung linh, huyền ảo.

Nếu như đèn lồng được ví như “đặc sản” Hội An thì những chiếc đèn hoa đăng chính là “món gia vị” không thể thiếu trong “bữa tiệc” ánh sáng lung linh của đêm phố Hội. Đèn hoa đăng được bán rong rải rác khắp hai bờ sông Hoài với giá chỉ khoảng 10.000 đồng/3chiếc.

< Những cậu bé, cô bé bán đèn hoa đăng bên sông Hoài.

Người Hội An nói rằng, một chiếc đèn hoa đăng thả xuống dòng sông sẽ xóa đi một muộn phiền và biến một điều ước của bạn thành hiện thực. Dẫu không phải là người mê tín, nhưng tôi cũng không thể từ chối được thú vui “rất Hội An” này.

Nằm ngay bên bờ sông Hoài, đường Bạch Đằng chứa đựng rất nhiều nét văn hóa đặc trưng của Hội An. Dãy quán cóc san sát nhau trên con đường này chính là nơi cực kỳ lý tưởng để bạn thưởng thức hàng loạt món ẩm thực Hội An nổi tiếng như cao lầu, mì quảng, cơm gà, bánh bao, bánh vạc và đủ loại chè…

< Âm nhạc truyền thống bài chòi rất có sức hút với khách du lịch.

Sau khi no bụng, bạn lại có thể đi tìm những phút giây thư giãn tinh thần tại sân khấu hát bài chòi. Có thể thấy rằng hát bài chòi đã đem lại không khí sôi nổi giúp khu phố cổ thêm phần sinh động mà vẫn không làm mất đi vẻ đẹp yên bình vốn có.

Cách cầu An Hội chỉ vài bước chân là chùa Cầu. Ngôi chùa nổi tiếng này có thiết kế khá đặc biệt bởi nó chính là cây cầu nối hai bờ một khe nước chảy xuyên qua lòng phố cổ. Bên cạnh đó, mái ngói âm dương huyền bí của chùa Cầu vẫn được biết đến như một biểu tượng của Hội An trong nhiều thế kỷ qua.

< Chùa Cầu – “viên ngọc” giữa lòng Hội An.

Ngoài đường Bạch Đằng, phố cổ Hội An còn ba con đường chính: Lê Lợi, Trần Phú, Nguyễn Thái Học. Thả bộ chầm chậm trên những con phố nhỏ uốn lượn mềm mại, ngắm nhìn những ngôi nhà cổ trầm mặc, bạn sẽ cảm thấy như mình đang lạc vào một không gian rất lạ: vừa hiện đại, vừa xa xưa.

Trên đường Trần Phú và Nguyễn Thái Học, bạn sẽ tìm mua được rất nhiều món đồ lưu niệm đúng chất Hội An như quạt lụa, đèn lồng, đặt may cấp tốc những bộ đầm, bộ vest hay ghé thăm galaxy trưng bày ảnh, tranh đặc sắc về Hội An.

< Những con đường đẹp mộc mạc, bình yên.

Bởi Hội An là một mảnh đất “sống” nhờ du lịch nên người dân nơi đây tỏ ra rất có kinh nghiệm trong cách cư xử với du khách thập phương. Đa phần các cửa hàng ở Hội An đều đón khách lịch sự và gần gũi.

Bạn có thể ướm thử, hỏi giá, mặc cả thoải mái và cuối cùng quyết định không mua, nhưng người bán hàng vẫn luôn tiễn bạn bằng nụ cười rất thân thiện.

Những ngôi nhà cổ cũng là điểm tham quan không nên bỏ qua. Bạn sẽ được chủ nhà mời vào dùng trà và kể cho bạn nghe những câu chuyện về tuổi thọ cả trăm năm của ngôi nhà.

Có một điều khá thú vị là thay vì việc bán vé tham quan, chủ nhà sẽ đề nghị bạn tùy tâm đóng góp tiền vào một chiếc thùng để hỗ trợ họ bảo tồn và tu sửa những chứng nhân lịch sử này.

< Một cửa hàng bán đèn lồng.

Quả đúng như lời người bạn tôi đã nói, quán xá Hội An đóng cửa rất sớm. Khi đồng hồ điểm 10 giờ đêm, rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách Tây vẫn còn lang thang trên đường thì quán xã đã đóng cửa gần hết.

Dẫu đang trên đà phát triển du lịch nhưng dường như Hội An vẫn giữ được sự chừng mực của một nền văn hóa truyền thống phương Đông, để không bị những loại hình dịch vụ hút khách làm nhộn nhạo, xô bồ.
Ai đó đã nói rằng Hội An giống như một thiếu nữ tuổi đôi mươi dịu dàng, êm ái rất dễ làm say lòng người. Nhưng “cô gái đẹp” này luôn giữ trong mình những quy tắc nề nếp, gia giáo nên sẽ “về nhà trước giờ giới nghiêm”.

NISAVA TRAVEL! – Theo Linh San, Seiya (iHay.Thanhnien)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *