(Tiếp theo) – Đến ngã 3 Phước Hội, mình rẽ phải hướng về Phước Hải theo TL44A. Tỉnh lộ 44A là con đường tốt, tuy nhiên hiện nay đang được nâng cấp một phần từ 2 làn lên 4 làn xe, có dãi ngăn cách giữa.
< Một đoạn TL44A đang được thi công nâng cấp và mở rộng.
TL44A khởi đầu tại Bà Rịa chạy dài đến Long Hải rồi bọc vòng núi Minh Đạm, hướng đến Phước Hải. Sau khi chạy ngang trung tâm Phước Hải, tỉnh lộ này bẻ ngoặc về thị trấn Đất Đỏ và nối liền với QL55 chạy cắt ngang. Đoạn ni, TL44A có một nhánh rẽ tại ngã 3 Phước Hội tạo thành TL44B kéo dài đến trung tâm thị trấn Long Điền (bọn mình vừa đi qua), sau đó nối vào QL55 tạo nên một cung đường khép kín.
< Từ TL44A, nếu muốn ra mộ Ông sẽ có 2 đường: Một là sau khi qua cây xăng mé phải, sẽ tìm ngã 3 có nhánh rẽ trái đi mộ Ông (trông bản đồ thì đây chỉ là một đường đất).
Hai là qua Sân vận động TT Phước Hải, sẽ có nhánh rẽ trái qua khu dân cư để vào Mộ Ông.
Mình chọn cách 2, ảnh là sân vận động đấy, qua sân này thì quẹo trái.
Do điểm đến kế tiếp là Phước Hải nên mình đề cập đôi chút về nơi này:
< Lối này chạy ngang khu dân cứ khá sầm uất, cuối cùng cũng chạm mặt biển. Đây là con đường ven biển mới mở, phẳng phiu với kè chắn sóng bên ngoài. Mặt đường ướt đẫm do cơn mưa hồi sáng.
Hỏi người dân về Mộ Ông, hóa ra khoảnh rừng dương tít xa là là nơi cần đến.
< Biển Phước Hải với kè chắc chắn. Nhưng đây là khúc làng chài, muốn tắm biển thì bạn phải trở ngược lại vài cây số.
Phước Hải là một thị trấn thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Phía đông bắc thị trấn giáp xã Lộc An và xã Phước Hội, phía bắc giáp xã Long Mỹ, phía tây giáp thị trấn Long Hải (huyện Long Điền), phía đông và phía nam giáp Biển Đông.
< Đến cận khoảng rừng dương có khu Mộ Ông thì hết đường đẹp…
Thị trấn được thành lập năm 2006 trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Phước Hải. Thị trấn Phước Hải có diện tích: 16,56 km², dân số: 20.923 người – Mã đơn vị hành chính: 26692.
< Con đường đất nhỏ kế tiếp như thế này đây.
Từ ngàn xưa, người dân Phước Hải chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá. Vì vậy, trong số những làng cá lâu đời ở Bà Rịa – Vũng Tàu thì làng cá nơi đây có lịch sử lâu đời nhất. Nước mắm và cá khô Phước Hải là hai sản phẩm nổi tiếng khắp vùng.
< Cổng Mộ Ông, trên có bảng ‘Ngọc Lăng Nam Hải’ – Thị trấn Phước Hải (vị trí tại đây). Đến nơi muốn đến rồi!
Từ khi được quy hoạch và mở thêm các con đường ven biển, Phước Hải trở thành điểm khám phá mới của khách du lịch phương xa với bãi biển khá sạch đẹp sau nhiều lần ra quân tổng vệ sinh của các chi đội thanh niên.
< Trong một khoảng rừng dương mát rượi, Mộ Ông nằm giữa trung tâm trên nền sân lót gạch tàu.
Phước Hải có món hải sản nấu với tương hột và nước cốt me chín khá ấn tượng. Tinh chất đậu nành quyện cùng nước me rồi thấm vào từng sớ cá đuối, cá ngát, hay con tôm thẻ… tạo hương vị dịu dàng, nửa thanh đạm nửa… phàm tục. Chả cá ở đây cũng có nét riêng. Nếu chả cá Nha Trang ngon ở sự hài hòa giữa độ dẻo dai và cách nêm nếm thì chả cá Phước Hải kiêu hãnh với vị ngọt đậm của cá tươi.
< Đây là nhà thờ tự, trên có con số năm 2008. Con đường mòn đi Lộc An là lối nhỏ phía trái hình, rất lầy.
< Còn đây là ‘nửa kia’ cùng con Win của mình, hi hi…
Thông tin du lịch là vậy, bọn mình cũng vài lần đi qua, thậm chí từng qua đêm tại đây (bạn search là thấy), nói chung: Phước Hải là một làng chài sầm uất, bãi biển cát vàng và lài nhưng không được bắt mắt lắm do định hướng phát triển du lịch chỉ mới có gần đây. Tuy nhiên: với lợi thế gần TP HCM (khoảng 100km), cách TP Vũng Tàu 10km… lại có giá cả dịch vụ rẻ nên Phước Hải vẫn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư và khách du lịch bởi nét nguyên sơ của một vùng biển xanh, cát trắng.
< Ở mé biển, người dân nơi đây đang làm gì đó. Mình sẽ ghé lại xem sao nhé.
Bắt chuyện và ‘tán phét’ với người địa phương là ‘nhiệm vụ’ của bọn mình.
Chuyến này ghé Phước Hải, bọn mình dự định sẽ ghé thăm Mộ Cá Ông. Sau đó, nếu có thể sẽ chạy theo đường ven biển rồi theo đường ngách ra đường lớn đi Lộc An – địa danh mà bọn này dự định ‘đóng quân’.
< Hóa ra các anh chỉ đang sửa tay lưới cào. Lưới cào một phát: con gì cũng dính, ngoại trừ khi quá nhỏ thì trôi tuột qua mắt lưới.
Các khoanh dây xích bự treo tòn ten phía dưới sáng giới khiến mình thắc mắc: thì ra xích ‘dằn’ này bằng thép không rỉ, tức là inox. Biển mặn mà, ăn mọi thứ sất nhưng inox thì chịu thua.
< Sẳn tiện hỏi chú mặc áo xanh về lối mòn ven biển đi Lộc An, chú nói ‘đúng là con đường ven mộ. Tuy nhiên rất xấu và lầy lội do mưa’. Lại hỏi ‘Chú thấy có xấu như con đường đất vào đây không’ thì chú nói ‘Xấu và lầy hơn do mưa, sao cô chú không chạy ra đường ngoài đi cho phẻ?’.
Đường xấu mình không quá ngại, đoạn này mình nhẩm chừng chỉ 2km thôi là sẽ ra đường lớn, vậy nhưng nghe chữ ‘lầy’ thì ớn – ớn cái vụ sình văng đầy túi treo xe phía sau trông nhớp nhúa khiếp lắm, vậy nên mình trở ra lối cũ.
< Trở lại xóm chài mà bọn mình vừa qua. Cái công trình nho nhỏ phía trái hình là trạm cấp nước cho dân chài.
Là một làng chài, Phước Hải cũng như bao làng biển khác có tục thờ cá Ông. Tại thị trấn có Dinh Ông, còn chốn mình dự định ghé là mộ cá Ông. Hồi cuối tháng 3 năm nay, thị trấn Phước Hải và huyện Đất Đỏ đã long trọng tổ chức lễ hội nghinh Ông Nam Hải năm 2013. Đến dự, có bí thư huyện ủy; phó chủ tịch UBND huyện cùng lãnh đạo chính quyền địa phương, ban tế tự và toàn thể bà con nhân dân thị trấn.
< Thúng của ngư dân đặt đầy trên bãi với các cờ nhỏ đủ màu.
Lễ hội nghinh Ông Nam Hải bao gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tiến hành theo nghi thức truyền thống có từ lâu đời như lễ nghinh Thủy Thần, lễ thỉnh Bà an vị, lễ xuân quí cầu ngư, lễ Khai viên Đại bội, lễ cầu siêu cho hương linh các chiến sĩ và đồng bào tử nạn. Riêng phần hội được tổ chức các họat động vui chơi giải trí như hội thao dân tộc, hội thi ẩm thực và biểu diễn hát tuồng, cải lương.
< Đến đầu con đường ven biển có bờ kè, mình gặp ngay ngã 3 (vị trí tại đây): rẽ trái đi, bụng nhủ thầm rằng đây chắc chắn là con đường theo phương án 1 mà mình đã đề cập phía trên.
Vậy ra: cứ ngỡ đường đất và cát, hóa ra bây giờ là đường nhựa láng o. Còn nhánh đi Lộc An: trước khi đi cứ ngỡ đường khá, bây giờ hóa ra lại là đường đất lầy lội.
Rõ ràng: kinh nghiệm có được từ thực tế, có đi mới biết chắc chắn được.
< Ra khỏi khu dân cư, từ con đường mới keng và láng o này, nhìn thấy dãy núi Minh Đạm xa xa.
< Đường xẻ ngang một vùng cát, núi, biển và cát là mấy thứ bọn này thích, vì vậy nên phải dừng xe lại thôi.
< ‘Nửa kia’ tấn công đồi cát liền.
Lễ hội nghinh Ông Nam Hải là một trong những lễ hội truyền thống, nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng biển. Đối với ngư dân, cá ông là “đấng tối cao” có thể ban nhiều sự may mắn, chở che và phò hộ trong quá trình ngư dân đánh bắt trên biển. Lễ hội năm nay diễn ra trong hai ngày 16, 17/2 âm lịch nhằm ngày 27, 28/3/2013.
< Một góc đồi cát Phước Hải.
< Trông cũng hoang sơ và đẹp đấy chứ?
< Đồi cát ở Phước Hải phủ nhiều cây bụi. Trước lúc bọn mình đến đã có mưa, vì vậy mặt cát săn chắc.
< ‘Vợ hai’ của mình đây, đến lúc này thì cô nàng vẫn ngoan dù vừa đình công buổi sáng do hết nhớt.
< Vài đứa bé lang thang nghịch cát phía dưới…
< Vậy là bà xã ‘xuống núi’, lấy ra bịt kẹo đem chút quà cho bọn trẻ. Để đến đó, phải đi đường vòng…
Thì ra nghỉ hè, bọn trẻ vào đây bắt dế.
< Đồi cát Phước Hải không rộng và chập chùng như đồi cát Mũi Né, vậy nhưng nơi đây cũng có nét duyên riêng.
< Trong lúc chờ ‘nửa kia’ quay lại, mình chụp ‘vợ Hai’…
< … và dãy Minh Đạm phía bên kia đường.
< Thỏa thích rồi lại lên xe đi tiếp, đường này chắc chắn sẽ dẫn ra TL44A, nơi có cây xăng đầu tiên mà bọn này đã qua.
< Ra TL44A, chạy thêm một đoạn nữa sẽ gặp ngã 3 (vị trí tại đây): thẳng là đi thị trấn Đất Đỏ, rẽ phải là đi Lộc An.
Lộc An là đích dự định ở nên mình quẹo phải. Vậy nhưng Lộc An có như bọn mình nghĩ không, bạn xem bài sau nhé.
Còn tiếp
Sau một chuyến đi – Phần 1 – Phần 2 – Phần 3 – Phần 4 – Phần 5 – Phần 6 – Phần 7 – Phần 8
NISAVA TRAVEL! – Điền Gia Dũng