(Giải trí) – Hiện tượng chặt chém du khách luôn xảy ra ở các quốc gia bắt đầu phát triển du lịch. Nhưng cách chị Salah dạy cho anh chạy xe tuk tuk một bài học về sự “chặt chém” khiến tôi cảm thấy ấm áp trong những ngày đông rét mướt ở Pakistan.
Tôi vẫn hy vọng phòng nội vụ của tỉnh Khyber Pakhtunkhwa cấp giấy thông hành sớm cho phép tôi vào thung lũng Swat bởi phong cảnh thiên nhiên nơi đây tuyệt đẹp. Nằm ở biên giới giữa ba nước Afghanistan, Ấn Độ và Pakistan nên Swat là vùng cấm đối với du khách nước ngoài. Dù được sự trợ giúp nhiệt tình của anh Ullah – người làm trong phòng nội vụ – nhưng tôi vẫn phải chờ ít nhất ba ngày sau mới có giấy phép được cấp bởi quân đội Pakistan. Không có nhiều thời gian ở Pakistan, tôi quyết định bỏ Swat đi Lahore bằng chuyến xe buýt lúc 14 giờ của hãng xe Daewoo – Hàn Quốc.
Cách đầu tư của một hãng xe
Từng đi xe buýt chất lượng cao ở một số quốc gia tiên tiến khác, nhưng tôi phải khâm phục cách quản lý của người Hàn Quốc khi liên doanh với Chính phủ Pakistan thành lập công ty vận tải tại đây. Với câu slogan “Dream Journey – chuyến đi mơ ước”, hãng xe Daewoo khiến tôi có cảm giác là đi máy bay hơn là đi xe buýt. Một trang web được thành lập để khách có thể mua vé, check in và đặt số ghế ngồi trên xe. Từ cách đưa hành khách ra ga số mấy, tag và biên nhận hành lý, nhận hành lý ở quầy nào… giống như là một chuyến bay đang vận hành.
Bên trong xe, một cuốn tạp chí mang tên Hamani Manzilen được xuất bản hàng tháng luôn đặt trước mặt hành khách để đọc giải trí. Hộp bánh được thiết kế chuyên nghiệp phát cho hành khách nhấn mạnh biểu tượng Daewoo giống như các hãng hàng không áp dụng trên đường bay ngắn.
Cứ một tiếng đồng hồ, cô tiếp viên đi phục vụ nước một lần và cho phép hành khách có nhiều sự lựa chọn khác nhau về thức uống. Cứ khoảng một tiếng rưỡi, anh tài xế lại thông báo với hành khách số kilômét đoạn đường đã đi qua, còn khoảng bao lâu sẽ đến thành phố tiếp theo. Ngôn ngữ được thông báo bằng hai thứ tiếng: Urdu và tiếng Anh. Thật là ấn tượng!
Hãy là những người bản xứ tốt bụng
Tôi đến Lahore sau sáu tiếng đi xe từ Peshawa. Lahore đang những ngày mùa đông, nhiệt độ ban đêm xuống chỉ còn 8 độ. Mặc cho đội quân xe tuk tuk bao lấy tôi và nói tiếng Anh khá sõi, nhưng tôi vẫn thoát ra ngoài bến xe để tìm một tuk tuk khác. Tôi đưa tên khách sạn cần đến trong khu phố cũ để anh tuk tuk đang trờ xe đến chở đi.
Dù không biết tiếng Anh, nhưng anh ta cứ kêu tôi lên xe và sẽ thoả thuận giá cả sau. Cái nháy mắt của một anh tuk tuk khác nói sõi tiếng Anh với anh tuk tuk khiến tôi hiểu rằng tôi sẽ bị “chém” về giá cả.
Trời tối, tôi cũng không định hình được khoảng cách xa như thế nào. Anh tuk tuk đưa ra giá 1.200 rupee, cò kè qua lại, tôi đạt thoả thuận 1.000 rupee. Anh tài xế tuk tuk lại không biết đọc chữ, nên cũng không biết khách sạn của tôi nằm ở đâu. Anh ghé vào một tiệm ăn ven đường để hỏi thăm có ai biết tiếng Anh giúp tôi.
Chị Salah, một nhân viên ngân hàng đang dùng bữa trong tiệm, sau khi giới thiệu với tôi đôi điều và rồi nét giận dữ đã thể hiện trên khuôn mặt của chị khi biết rằng anh tuk tuk sẽ nhận tôi 1.000 rupee. Chị cao giọng để nói anh tuk tuk bằng ngôn ngữ địa phương. Anh này cũng không vừa gì khi hầm hố gân cổ cãi lại. Mọi người xúm lại đông đúc để xem.
Tôi cũng không hiểu họ nói gì, nhưng qua thái độ và cử chỉ tôi đoán ra rằng chị đang bênh vực cho tôi. Chị quay qua nói với tôi: giá từ đây vào khu phố cũ chỉ 300 rupee mà anh ta lại lấy của tôi đến 1.000 rupee! Bằng giọng sắc bén, tôi thấy anh tuk tuk bắt đầu bị chị khuất phục. Anh ta trở nên lúng túng và dường như lấy lý do một vợ bốn con ra để bào chữa với chị.
Thấy tình cảnh cũng tội, tôi nói với chị Salah: “Tôi sẽ trả anh ấy 500 rupee cho ổn thoả đôi đường”. Bằng sự nghiêm khắc, chị nói với tôi rằng: “Hãy im lặng, để tôi dạy anh ta một bài học về sự chặt chém”. Cuộc tranh cãi cũng đến hồi kết thúc khi anh ta xin lỗi chị. Chị lại nhẹ nhàng hướng dẫn anh ta sau một cuộc điện thoại với bạn của chị. Chị Salah quay sang tôi: “Tôi không biết khách sạn của bạn nằm ở đâu, nhưng tôi đã hướng dẫn anh ta tìm một khách sạn giá rẻ, an toàn để bạn tiện đường đi lại ở khu phố cũ. Khi đến nơi hãy gọi điện thoại cho tôi và chỉ trả 300 rupee cho anh tuk tuk”.
Anh ta đưa tôi đến khách sạn sạch đẹp chỉ dành cho người Pakistan với giá chỉ 10 USD. Tôi tip 100 rupee nhưng anh kiên quyết không nhận. Bằng ngôn ngữ hình thể, anh ta ra dấu hiệu cho tôi hiểu rằng, chính chị Salah không cho phép anh ta nhận thêm bất cứ đồng nào.
Dù rằng những khuyến cáo là Pakistan không an toàn, nhưng cách hành xử của chị Salah khiến tôi nhiều vương vấn và thòm thèm quay lại quốc gia này. Trong mắt tôi, chị Salah đã là một “đại sứ du lịch”.
NISAVA TRAVEL! – Theo Nguyễn Chí Linh (Báo Sàigòn Tiếp Thị), ảnh internet