Đến với thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, quê hương của Quang Trung Nguyễn Huệ, một vùng trung du bán sơn địa, với lưu vực sông Kôn từ xưa bạt ngàn đồng mía.
< Chim mía là loại chim nhỏ như chim sẻ, có màu lá úa thường xuất hiện vào những tháng cuối đông và đầu xuân.
Trong đồng mía bạt ngàn của đất Tây Sơn ấy, có một loài chim nhỏ, cư trú từng đàn lớn, người ta gọi đó là chim mía Tây Sơn. Món đặc sản này nổi tiếng đến mức, du khách gần xa khi đến đây đã để lại câu nói:
Ai về Kiên Mỹ, Phú Phong
Ăn con chim mía thỏa lòng ước ao
Chim mía nhỏ như chim sẻ, tuy nhiên chân và mỏ dài hơn. Muốn đánh bắt chim mía, người ta dùng cái trủ như tấm lưới, căng suốt bờ ruộng cao hơn ngọn mía, cầm sào dài đập vào lá mía, rung đuổi chim và lần lượt chúng chuyền dần vào trủ. Những chú chim mía béo tròn sau khi vặt lông, hơ qua lửa cho cháy hết lông tơ, còn lại như một miếng thịt nạc, sau đó rửa sạch mổ moi ruột rồi ướp gia vị.
Món ngon nhất là chim nướng và rô-ti. Muốn nướng người ta mổ banh chim, ướp gia vị rồi ép vào cặp tre “đưa” trên lò than hồng, lật vài lượt, mỡ chảy ra xèo xèo, thơm nức mũi. Còn rô-ti thì chỉ cần thả vào chảo dầu đậu phọng vừa sôi, chỉ mươi phút là chim đã vàng ruộm, xương thịt giòn tan. Những chú chim xếp ra đĩa, rắc lên trên ít hạt mè rang hay một ít lá chanh cho đẹp mắt là có thể thưởng thức. Chim mía “ngon” mắt từ màu vàng ươm, đến ngon miệng ở độ giòn, dai, vị ngọt đậm đà. Cùng với một chén muối tiêu chanh, thêm chút rượu nếp chính hiệu Bàu Đá hay rượu nguyên chất từ đậu xanh đặc sản của xứ Bình Định thì không có gì tuyệt bằng.
Đồng mía Tây Sơn – Phú Phong giờ vẫn ngát xanh, là chỗ cho chim mía ngày càng nảy nở sinh sôi, đủ sức đãi mời du khách gần xa.
NISAVA TRAVEL! – Theo Khánh Nam (báo Cần Thơ), ảnh internet