Ở Quảng Trị có một vùng quê rất đỗi bình dị nhưng dân làng ở đây lại sở hữu một thứ ngôn ngữ kỳ lạ.
Đi tìm “mật ngữ”
Có thể bạn đã đi đến những vùng đất xa xôi, thâm u nhất của thế giới, có thể bạn nói được nhiều ngoại ngữ như “cháo chảy” nhưng tôi tin bạn cũng sẽ phải “đực mặt”, ngẩn tò te khi nghe dân làng Phú Hải (xã Hải Ba, H.Hải Lăng)… nói chuyện.
Với sự tò mò tột độ, hành trình đi tìm ngôn ngữ lạ của tôi cũng lạ không kém. Tôi không thể trách sự “không sâu sát” của chính quyền xã Hải Ba khi cán bộ của họ lắc đầu trước vài câu hỏi về “mật ngữ” làng Phú Hải.
Loay hoay trong làng gần cả tiếng đồng hồ mà không thể “cạy miệng” ai nói chuyện mật ngữ, toan bỏ cuộc thì bỗng có một ông lão như từ trên trời rơi xuống cất tiếng gọi: “Chú nhà báo, có tìm nữa cũng không ai nói cho đâu, vào đây ông bày cho”.
< Theo ông Trần Vụ, mật ngữ làng Hải Phú có mối liên hệ mật thiết với chữ Hán tượng hình.
Nhấp ngụm trà đặc quánh, ông lão có tên Trần Vụ (80 tuổi) cười khà: “Dân làng không ích kỷ hay làm khó chú đâu nhưng người ở đây luôn có tính cẩn trọng, vì họ đâu biết chú là ai, lo chú phát tán mật ngữ lung tung ra bên ngoài. Phần nữa, có nhiều người nói được, nghe được nhưng để giải thích cặn kẽ thì họ chịu”.
Tôi vội vàng bày tỏ, những người dân ở Phú Hải đa số là nông dân chất phác vậy thì họ tạo ra và cần cái thứ ngôn ngữ bí mật ấy để làm gì?
Để trả lời câu hỏi, ông Vụ đưa tôi về một quá khứ xa xưa, xưa đến mức người kể cũng chả biết cách ngày nay mấy trăm năm nữa. “Dạo đó, ở trong làng có một ông thầy pháp rất cao tay ấn, danh nổi như cồn.
< Cụ Trần Đức Tranh, người nắm nhiều bí mật về “mật ngữ” Phú Hải.
Khi ông về với đất, đám đệ tử của ông nối nghiệp cũng không tệ. Cái nghiệp đó kéo dài đến tận bây giờ, bởi trong làng giờ vẫn còn nhiều người “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Ngôn ngữ bí mật của làng Phú Hải một phần nào đó từ cái nghề này mà ra”, ông Vụ giảng giải. Bản thân ông Vụ cũng là một thầy cúng có tiếng tăm trong vùng. Chắc cũng vì lý do này mà nhiều người kháo nhau rằng mật ngữ ở Phú Hải là ngôn ngữ của… người cõi âm.
Từ mục đích ban đầu là để giấu bí mật nghề nghiệp, mật ngữ làng Phú Hải bỗng chốc phổ biến thành ngôn ngữ giao tiếp của mỗi gia đình và cả cộng đồng. Về sau, trong chiến tranh, mật ngữ được khai thác triệt để. Với mật ngữ, dân làng Phú Hải có thể nói chuyện oang oang kể cả khi trong nhà có khách. Còn khi giặc đến nhà, họ vẫn trao đổi, bàn mưu tính kế như thường. “Chúng tôi nói tiếng này, đố thằng giặc nào nghe được. Vậy nên hồi đó, một số cán bộ của ta đã nhờ tôi dạy cho mẹo nói này để giao tiếp, giữ bí mật”, ông Vụ móm mém chép miệng.
Hàn huyên một hồi lâu, ông Vụ mới chịu “phi lộ” cho tôi cái mẹo mật ngữ của làng. Ông bảo, cái cốt của mật ngữ phụ thuộc vào chữ Hán và họ sử dụng cách đánh tráo chữ rất khéo léo. Ví dụ, “hành” nghĩa là “đi” nhưng người Phú Hải phát âm là “tỏi” (mối liên hệ ở đây là do cây tỏi cùng họ với cây hành). Chữ “khẩu” nghĩa là “miệng” nhưng khi người Phú Hải nói “khẩu” nghĩa là “ăn” (ở đây diễn giải là nếu không có miệng thì làm sao mà ăn).
< Cổng làng Phú Hải.
Có khi họ lại vận vào hình dạng của ký tự chữ Hán vốn là chữ tượng hình để suy diễn rồi tiếp tục biến tấu qua hệ thống từ địa phương. Ví dụ như chữ “chủ” (gia chủ, chủ nhà) theo cách viết của chữ Hán thì có 1 dấu phẩy ở trên đầu, từ đây dân Phú Hải nói “chấm óc” (óc là đầu) thì nghĩa là chủ nhà. Tương tự, chữ “ngư” (cá) trong ký tự chữ Hán phía dưới có mấy dấu phẩy thì dân Phú Hải gọi “chấm chin” (chin là chân) thì nghĩa là con cá…
Nhưng phần nhiều từ ngữ trong bộ mật ngữ của làng Phú Hải là không lý giải được hoặc có lý giải nghe cũng không mấy xuôi tai. Theo ông Vụ thì các bậc cha ông ngày trước nghĩ ra được một số chữ có logic, một số không nghĩ ra được thì họ quy ước theo kiểu cứ phát âm như vậy nghĩa là cái đó, lâu rồi thành quen. Ví dụ như “mại” là mua, “ông cây” là rượu, “thổi” là nước, “thượng sơ nghéo” là con gái…
< Một bà lão sống hơn 60 năm trong làng nhưng vẫn không biết được “mật ngữ” địa phương.
Dưới đây là một đoạn đối đáp đơn giản của ông Vụ với con trai là anh Trần Phú Quyền Quý (53 tuổi) bằng mật ngữ:
– Khẩu náp chưa? (Ăn cơm chưa?)
– Chưa khẩu. (Chưa ăn)
– Khẩu náp khẩu thất chi? (Ăn cơm với chi?)
– Có duộc, chấm chin, hành man. (Có thịt, cá, canh)
– Tỏi mại ông cây nghe. (Đi mua thêm chai rượu nghe).
Gìn giữ tiếng làng
Ông Vụ có 9 người con và ai cũng biết mật ngữ, mấy đứa cháu bé tí của ông cũng biết lõm bõm. “Trong làng ni từ già đến trẻ đều biết hết. Người về làm dâu làm rể làng này chịu khó tí cũng biết. Nhưng đứa không chịu khó để ý thì cũng như người câm điếc”, ông Vụ chắc nịch. Vừa lúc đứa cháu ngoại về, ông Vụ lập tức biểu diễn cho khách xem. Ông nói: “Tèo, tương thổi qua cho vưu” thì lập tức thằng nhóc bưng nước qua mời ông Vụ. Ông Vụ cười khà bảo: “Đó, chú thấy chưa”.
Từ đời ông dạy cho đời cha, từ đời cha lại truyền cho đời cháu nhưng để giỏi mật ngữ người học cần phải tinh thông chữ Hán. Theo ông Vụ thì cả làng hiện chỉ có các ông Tiểng, ông Sắt, ông Tranh và ông là có khả năng diễn giải ngữ nghĩa của mật ngữ nhưng hầu hết đã bước qua tuổi 80. “Lứa trẻ đời sau chủ yếu là học vẹt, học thuộc lòng. Nói đó biết đó nhưng hỏi ngược lại vì sao lại thế thì chịu”, ông Vụ nói.
Dù vậy khi tôi bày tỏ sự lo lắng “liệu mật ngữ sau này có thất truyền?”, ông Vụ nói ngay: “Không, không bao giờ”. “Ngôn ngữ của làng tôi vẫn được mọi người sử dụng trong giao tiếp hằng ngày. Hơn nữa nghề thầy cúng của làng vẫn còn vượng. Dù chẳng có thi cử nhưng ai cũng tự biết mà học nếu không sẽ trở thành người thừa trong làng”, ông Vụ lý giải.
NISAVA TRAVEL! – Theo Nguyễn Phúc (báo Thanh Niên), Tuổi Trẻ…