Nhà thờ Domaine de Marie còn có tên gọi là Lãnh địa Đức Bà, hay còn gọi Nhà thờ Mai Anh (vì nằm trên ngọn đồi có nhiều hoa anh đào – đồi Mai Anh). Đây là một cụm kiến trúc bao gồm nhà nguyện và hai dãy nhà của tu viện nữ tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn (Filles de la charité de saint Vincent de Paule), một tu hội nữ tu có mặt tại Việt Nam từ năm 1928.
Nhà thờ Domain De Marie nằm trong khu Lam Sơn, là nhà thờ được xây dựng trong khuôn viên rộng nhất, 12ha của thành phố Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng. Tọa lạc trên đường Ngô Quyền, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 1Km về phía Tây Nam, được xây dựng từ năm 1940 đến năm 1944 do phu nhân toàn quyền Jean Decoux đứng ra quyên góp của nhiều giáo dân. Tên gọi Domain De Marie có nghĩa là “Lãnh địa của Đức Bà”.
Khi xây dựng nhà thờ, vị phu nhân toàn quyền Đông Dương Jean Decoux (Suzanne Humbert) có tâm nguyện là lúc mất người sẽ được chôn ở đây.
Vào năm 1944, trên đường đi hoà giải mâu thuẩn giữa Bà Nam Phương Hoàng hậu và Bà Mộng Điệp, bà đã bị tai nạn giao thông trên đoạn đường Khe Sanh (đèo Prenn) và mất ngày 6/1/1944. Thi hài Bà đã được chôn cất tại hành lang sau nhà thờ, trong khuôn viên của một vườn hoa thoáng mát và rộng lớn, như nguyện vọng của Bà lúc còn sống.
Trước năm 1975, nơi đây là tu viện chính của hơn 50 tu nữ đa số là người Việt trụ trì và làm công tác xã hội như: mở cô nhi viện, nhà trẻ. Các nữ tu cũng điều hành một trường huấn luyện thể thao và một trường tiểu học dạy chương trình Pháp. Hiện nay ngoài nhà nguyện và hai dãy tu viện, các cơ sở khác đã được sử dụng cho công ích.
Tuy dòng chính đã chuyển về Tp. HCM nhưng để thực hiện tôn chỉ của dòng là phục vụ người nghèo, các nữ tu vẫn đang thực hiện những công tác xã hội như: chăm sóc trẻ em chậm phát triển, giúp đỡ cô nhi, chữa bệnh cho người nghèo, mở lớp dạy nghề miễn phí cho người lao động v.v… Từ sau năm 1975, tên Domaine được Việt hoá thành Đồi Mai Anh.
Kiến trúc nhà thờ Domain de Marie được xây dựng theo phong cách châu Âu thế kỉ XVII, tường xây bằng đá chẻ tới ngang bệ cửa sổ theo kiểu kiến trúc vùng Normandie (miền Bắc nước Pháp).
Tường dưới mái xây khá dày và các cửa được thiết kế sâu vào bên trong, do đó ở mặt bên của công trình có thể nhận thấy rõ các mảng đặc – rỗng, sắc độ đậm nhạt – sáng tối, làm cho mặt bên của công trình càng thêm ấn tượng và độc đáo. Hệ thống mái che của nhà thờ, nhìn tổng thể tựa như mái nhà rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, và được lợp ngói màu đỏ của người Việt.
Bố cục kiến trúc nhà thờ có nhiều điểm cách tân so với các nhà thờ cổ điển phương Tây, vẫn là dạng mặt bằng chữ thập nhưng tỷ lệ có phần tự do hơn: chiều rộng 11m và chiều dài là 33m. Có hai đường bậc thang đi lên cửa chính và nhập lại ở sảnh chính. Tiền đình được thiết kế là một hình tam giác cân, trên đỉnh nhọn của nóc mái có gắn một cây thánh giá, phía trước được tô điểm bởi các cửa vòm nhỏ hình lưỡi mác.
Chính giữa mặt đứng, phía gần đỉnh mái có một cửa sổ hoa hồng hình tròn. Hệ vì kèo gỗ được chế tạo tinh vi góp phần vào việc hình thành một không gian nội thất trong nhà thờ.
Nét đặc sắc của nhà thờ Domain de Marie là không có tháp chuông. Các cửa sổ mái nhô ra từ phần mái lớn, vừa tạo những điểm nhấn duyên dáng cho một diện tích mái khá lớn, vừa là nơi gắn những tấm kính màu (xuất sứ từ Pháp) chiếu sáng cho không gian thánh đường thêm phần lung linh, huyền ảo.
Ngôi nhà nguyện mới được quét lại màu sơn vàng với mái ngói đỏ nổi bật giữa bầu trời xanh và cây lá cũng rất xanh.Trong nhà thờ, đặc biệt có bức tượng Đức Mẹ đứng trên quả địa cầu được tạc theo hình mẫu người phụ nữ Việt Nam, do Janchère – kiến trúc sư người Pháp – thiết kế. Tượng cao 3m, nặng 1 tấn được làm vào năm 1943 và do bà phu nhân toàn quyền Đông Dương Jean Decoux (Suzanne Humbert) dâng cúng.
Vào khuôn viên nhà thờ bạn có thể thấy rất nhiều loại hoa, đặc biệt là hoa Hải Tiên. Sau nhà thờ là một quần thể kiến trúc được thiết kế theo kiểu mới với 3 dãy nhà tầng của dòng Nữ Tu Bác Ái, càng làm tăng thêm vẽ uy nghi và trang nghiêm cho nhà thờ. Vì chỉ dùng duy nhất một màu vôi hồng đậm để quét tường, nên dưới ánh nắng nhà thờ như sáng rực hẳn lên.
Nhà thờ Domain de Marie chỉ có các nữ tu, họ sống và làm việc ở đây như đan áo lạnh, bán cho du khách vào tham quan nơi đây.
NISAVA TRAVEL! – Theo Hoàng Bửu Tú (VnTimes), internet