(DVO) – Khang Su Văn (3.012m) là đỉnh núi cao thứ 5 của nước Việt, án ngữ tại biên giới Việt – Trung thuộc xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đây cũng là địa bàn có cột mốc biên giới 79 cao nhất nước Việt (trên 2.800m so với mực nước biển). Dân “phượt” luôn coi nơi này là điểm chinh phục hấp dẫn.
< Để tới đây bạn phải liên hệ giấy phép tại Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu và trình báo với đồn biên phòng cơ sở.
Dừng nghỉ chân bên rừng chè shan tuyết cổ thụ nghìn năm tuổi, không một ai trong đoàn muốn rời nửa bước. Phong cảnh đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh, hương trà thoang thoảng như giữ chân người khách lạ.
Anh Giàng A Bình – người xã San Thàng (TP.Lai Châu) là người dẫn đường leo núi đã đến đây nhiều lần nhưng vẫn có cảm giác tương tự. Anh Bình bảo: “Vào khu rừng này, người lữ khách như bị thôi miên. Ai cũng muốn ở lại để thưởng thức hết cái vui, cái thú ở đời khi được trở về với mẹ thiên nhiên”.
NISAVA
Gió rét và cơn mưa rừng nhớ đời
Hương rừng cứ quấn quýt, quyện với sương mù dày đặc. Tiếng chim rừng hót líu lo. Vượn hú vang cả một góc rừng. Người lữ khách ngẩng đầu nhìn đỉnh Phàn Liên Sơn (Khang Su Văn) cao sừng sững giữa đất trời Tây Bắc mà giục lòng phải bước tiếp.
Qua rừng chè cổ thụ là tới rừng dẻ. Cây dẻ có thân to hơn cả thùng phuy không còn là chuyện hiếm ở đất này. Có những cây phải 3 người ôm mới xuể. Chúng tựa như những cột chống trời giữa núi rừng Tây Bắc.
< Vừa trải qua đợt giá lạnh cuối năm, khu vực này bị tuyết phủ kín. Những rừng cây thảo quả, nguồn kinh tế lớn của nhiều hộ dân trồng rừng đã bị hỏng gần hết. Các rừng cây này phải mất tới 3 năm mới phục hồi và thu hoạch lại được.
Giống như cây chè, chúng tự gieo hạt để bảo tồn giống loài. Trên tấm thảm êm như nhung của rừng già là vô số hạt dẻ to bằng đầu ngón tay – người dân gọi là hạt dẻ ta. Do không có người nhặt, lượng hạt dẻ nơi đây nhiều vô kể. Hạt dẻ ta ăn rất bùi và thơm. Chúng rơi xuống tấm thảm ẩm ướt và tự nảy mầm. Từng lớp cây dẻ con vươn lên mạnh mẽ.
NISAVA
Càng lên cao, núi càng dốc, mỗi bước chân của đoàn “phượt” thêm phần nặng nề và tốn nhiều sức hơn. Trời vừa nắng chang chang lại bất ngờ đổ mưa. Thời tiết thay đổi chóng vánh tựa như áng mây bay ngang qua rừng chiều.
Lên độ cao 2.800m, khi ai cũng đã mệt bở hơi tai cũng là lúc tiến vào khu rừng trúc rậm rịt. Giống trúc lùn mọc tầm thấp vô cùng cứng cáp, tạo thành bức tường thành choán hết cả đường đi.
Bình và Sáy – 2 chàng trai người Mông vừa đi vừa phải dùng dao để phát đường. Sáy bảo, đây là nơi lý tưởng để cho loài dúi phát triển vì chúng rất thích ăn cây trúc lùn. Chúng đào hang làm tổ ngay chân rừng trúc và kiếm thức ăn tại đó.
NISAVA
Thảm thực vật êm như nhung nơi rừng già dày cả mét là nguồn phân hữu cơ vô tận để nuôi sống khu rừng già này. Giữa khung cảnh hùng vĩ, nên thơ nơi lưng chừng núi, độ dốc càng lớn hơn. Sau cả ngày leo núi, ai trong đoàn cũng thấm mệt.
Mới 16 giờ chiều mà trời đã tối, từng đám mây xám xịt kéo đến phủ kín rừng chiều. Cơn mưa rừng ào ạt đến khiến nhiệt độ hạ thấp. Bình và Sáy đôn đốc chúng tôi phải nhanh chân mới đến chỗ hạ toại.
Trong hành trình chinh phục đỉnh Khang Su Văn, những người dẫn đường chỉ tìm được một chỗ duy nhất để cắm trại ở độ cao 2.800m. Nơi này rộng khoảng 20m2, nằm chênh vênh bên sườn núi. Cạnh đó có dòng suối nhỏ chảy róc rách. Càng lên cao, trời càng lạnh, gió từ trên đỉnh Phàn Liên Sơn thổi xuống như muốn hất tung căn lều mà chúng tôi dựng tạm bên suối. Mưa rơi mỗi lúc một nặng hạt, gió như điên cuồng muốn hất tung mọi thứ, rét tê người khiến mấy thành viên chúng tôi mặc bao nhiêu áo mà vẫn lạnh. Cắm trại ở đúng nơi hung hiểm của núi rừng nhưng Bình lại trấn an: “Nơi này là tốt nhất để nghỉ rồi vì từ độ cao này lên tới đỉnh Phàn Liên Sơn không còn một bãi đất phẳng nào nữa”.
Trời mỗi lúc một lạnh, Bình và Sáy phải vất vả lắm mới nhóm được củi nấu cơm. Mấy thành viên trong đoàn sau cả ngày luồn rừng, trèo đèo lội suối ngồi nghỉ để ngày mai tiếp tục hành trình dài. Cả tiếng trôi qua mà chưa thấy nồi cơm sôi khiến mọi người trong đoàn sốt ruột. Như đoán được sự nóng ruột của mấy vị khách, Bình giải thích: “Ở độ cao gần 3.000m này, thời tiết rất lạnh, cơm sẽ không bao giờ chín kỹ được. Nước cũng lâu sôi hơn”.
NISAVA
< Địa hình hiểm trở, dốc cao đã tạo ra những ghềnh đá và thác dữ mà hùng vĩ, hoang sơ. Điều này khiến hành trình chinh phục núi và đến cột mốc càng trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Bữa cơm tối vội vã nơi đèo mây hút gió, ai cũng vừa ăn vừa xuýt xoa vì rét. Tiếng thú bên bìa rừng như gợi lên sự hoang vắng đến lạnh người. Mưa gió gào thét như muốn cuốn bay 3 cái lều của mấy vị khách lạ. Nhiệt độ có lúc xuống 3 độ C cộng với mưa rào, gió thét khiến mọi người trong đoàn không ai ngủ được. Hành trình của ngày mai sẽ tiếp tục leo dốc lên mốc 79 và cán đỉnh Khang Su Văn. Đó là động lực để mọi người cùng nhau vượt qua một đêm giá rét kinh hoàng nơi rừng hoang, núi thẳm.
Nóc nhà biên giới
Bình và Sáy là người có kinh nghiệm đi rừng nhiều năm đã dặn dò mọi người phải hết sức cẩn thận. Lối mòn bị cỏ gianh, cây xấu hổ phủ kín sau trận mưa đêm trở nên trơn trượt. Chân, tay, mặt, cổ của các thành viên trong đoàn đều bị thứ cỏ sắc này hành hạ không thương tiếc. Ai nấy mồ hôi chảy ra như tắm. Cái nắng gắt nơi sơn cước oi nồng như tăng nỗi hành hạ khách bộ hành. Con dốc này quả là đáng sợ. Người địa phương đi hết 3 tiếng, chứ đoàn “phượt” chúng tôi đi mất nửa ngày trời.
Mặt trời đứng bóng, cả khu rừng như ngừng thở. Giữa thinh không, tiếng chim hót véo von, tràn đầy sức sống. Núi rừng ngàn vạn năm nay vẫn vậy, duy chỉ có đoàn người cứ lầm lũi cố lết từng bước. Trong đầu chúng tôi khi đó chỉ nghĩ rằng, mình cố một bước sẽ tiến dần đến đỉnh Khang Su Văn. Ai cũng phải đấu tranh tư tưởng rất mạnh mới không bỏ cuộc giữa chừng.
NISAVA
Mệt mỏi đeo đẳng, tinh thần có lúc xuống trầm trọng, tuy nhiên càng lên cao, khách bộ hành lại có dịp ngắm chặng đường mình vừa vượt qua. Cảm giác đứng trên đỉnh núi cao, phóng tầm mắt nhìn các đỉnh núi chạy dài nối nhau không dứt thật sảng khoái và pha chút tự hào. Nó như động lực tiếp sức cho những kẻ thích xê dịch vượt qua chặng đường gian khó.
Và hành trình leo Khang Su Văn phía trước vẫn hàm chứa những cung bậc cảm xúc vô cùng đặc biệt. Nó khiến người chinh phục như được đền đáp xứng đáng. Cán độ cao gần 3.000m, chúng tôi đã lên được mốc 79.
< Cảm giác tự hào khi chạm đỉnh Khang Su Văn.
Cảm giác thật tự hào khi được đứng trên vùng đất linh thiêng của Tổ quốc. Cột mốc 79 là cột mốc biên giới cao nhất Việt Nam, được cắm vào ngày 24.10.2004 ở cao độ gần 3.000m, trên vùng yên ngựa của đỉnh núi Phàn Liên San. “Nóc nhà biên cương” này nằm ở khu vực được xem là hiểm trở nhất trên đường biên giới Việt – Trung.
Từ mốc 79, khách bộ hành sẽ phải rẽ rừng, vượt qua đám trúc mọc ken dày như bước tường thành để lên đỉnh Khang Su Văn. Sau những giây phút thót tim khi vượt dốc đá trơn trượt, cuối cùng chúng tôi đã đến được đỉnh Khang Su Văn. Đỉnh núi cao thứ 5 của nước Việt hiện lên giữa bốn bề mây trời lộng gió. Cảm giác thật tự hào và sảng khoái khi các thành viên trong đoàn leo núi đã vượt qua cả chặng đường dài để đến đây. Bầu trời rộng mở, khung cảnh khoáng đạt, từng đám mây trắng bồng bềnh dưới chân người lữ khách. Bao mệt mỏi sau chặng đường dài tan biến, thay vào đó là cảm giác vượt lên chính mình.
Theo Xuân Tuấn (Dân Việt) + ảnh NISAVA
NISAVA TRAVEL!