Mỗi khi nhắc đến hai từ ‘Trường Sơn’ hẳn nhiều người luôn nhớ đến những năm tháng hào hùng ‘Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước’.

< Bình minh trên đỉnh Trường Sơn. Vẻ đẹp “Sơn thuỷ hữu tình” như trong tranh.

Thế nhưng còn có một hình ảnh làm chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi được chứng kiến đó là cả ‘biển mây’ trên đỉnh Trường Sơn khi đi trên những cung đường tuần tra biên giới thuộc hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Có lẽ đây là một đặc ân của thiên nhiên mà chúng tôi may mắn được chiêm ngưỡng bởi không dễ có dịp được thấy cả núi rừng của Trường Sơn chìm trong mây đẹp như thế.

< Nhiều đoạn đường chìm trong biển mây và các xe đi xuyên qua biển mây ấy.

Trong đoàn hành quân chúng tôi, có mấy đồng nghiệp từng học tập nhiều năm ở nước Nga đã phải thốt lên “Sương mây nhìn không khác nào mùa đông của nước Nga các anh ơi!”. Và tức cảnh sinh tình, để rồi không ít câu thơ hòa cùng mây gió Trường Sơn: “Cheo leo đỉnh núi cao vời/ Bồng lai tiên cảnh đây rồi người ơi!/ Mênh mông mây biển lưng trời/ Nhấp nhô chóp núi gió vời mê cung/ Núi mây hòa quyện trập trùng/ Đường xuyên mây núi bập bùng nhạc reo”.

< Tiết trời buổi trưa như tờ mờ sáng dưới miền xuôi.

Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, từ độ cao hàng ngàn mét so với mặt nước biển, phóng tầm mắt, phía dưới là “biển mây” trắng muốt trùng trùng điệp điệp. Vài tia nắng thỉnh thoảng vén mây xuất hiện để ai nấy trong đoàn đều chung một cảm nhận những tia nắng quý giá đến nhường nào “chắt từng tia nắng trong mây”. Xa xa, những ngôi nhà sàn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái ở bản Ngàm của xã Tam Thanh, bản Cha Khót của xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), rồi bản Ca Trên, Ca Dưới của đồng bào Mông, Thái ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An),… nằm thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện mỗi khi mây tan, mây tụ.

< Việc khoan đá, nổ mìn trên những cung đường tuần tra biên giới gặp nhiều khó khăn do sương mù che phủ, núi đá cứng, cạnh đá sắc nên rất nguy hiểm.

Từng lùm cây rừng hàng trăm năm tuổi trên các đỉnh núi nhấp nhô như điểm xuyết cho “biển mây” thêm hấp dẫn, như thực như mơ. Suốt dọc chiều dài hàng trăm ki-lô-mét trên Đường tuần tra biên giới giáp nước bạn Lào, nhiều cung đường lúc chìm trong mây, lúc lại như đi trên mây không khác hình ảnh trong phim “Tây du ký”. Thật khó để nói hết vẻ đẹp ấy, xin gửi những hình ảnh của mây rừng Trường Sơn đến bạn đọc cảm nhận.

< Máy xúc của các đơn vị công binh mở tuyến trên địa bàn xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Dãy núi Trường Sơn là dãy núi dài nhất Việt Nam và Lào, dài khoảng 1.100 km. Tên của dãy núi trong tiếng Lào là Phu Luông. Dãy Trường Sơn kéo dài từ thượng nguồn sông Cả trên đất Lào giáp Nghệ An tới tận cực nam Trung Bộ. Nó bao gồm toàn bộ các dãy núi nhỏ hơn ở Bắc Trung Bộ và các khối núi, cao nguyên Nam Trung Bộ, xếp thành hình cánh cung lớn mà mặt lồi quay ra Biển Đông.

< Các đơn vị của Binh đoàn 11 khai thác đá phục vụ thi công trên cung đường tuần tra biên giới tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

Trường Sơn được chia thành Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, ngăn cách bởi đèo Hải Vân và núi Bạch Mã.

< Sương mù, mây che phủ nhìn rất đẹp mắt nhưng làm cho việc thi công gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến sức khỏe của bộ đội khi phải nằm ở tuyến hằng năm trên công trường.

– Dãy Trường Sơn Bắc: Chạy từ thượng nguồn sông Cả vào đến Quảng Nam, theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, càng về phía Nam dãy Trường Sơn càng sát bờ biển, có nhiều dãy núi đâm ngang thẳng ra biển như Hoành Sơn (giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình), và Bạch Mã (giữa Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng). Sườn phía Đông dốc, sườn phía Tây thoai thoải.

< Một tuyến đường mới mở và đã hoàn thành việc đổ bê tông ở khu vực huyện Châu Khê, tỉnh Nghệ An.

Cao độ trung bình của dãy Trường Sơn Bắc khoảng 2.000 m, thỉnh thoảng có những đỉnh cao trên 2.500 m. Các đỉnh núi cao nhất là: Pu Xai Lai Leng (biên giới Việt – Lào, Nghệ An) 2711 m, Pu Ma (Nghệ An) 2194 m, Pu Đen Đin (Nghệ An) 1540 m, Rào Cỏ (biên giới Việt – Lào, Hà Tĩnh) 2235 m, Động Ngài (Thừa Thiên-Huế) 1774 m, Bạch Mã (ranh giới Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng) 1444 m. Các dãy núi con của Trường Sơn Bắc là: dãy Phu Lai Leng, dãy Giăng Màn, dãy Bạch Mã.

< Những chùm mây nhuộm trắng núi rừng trên đỉnh Trường Sơn qua khu vực huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

– Trường Sơn Nam: Là hệ thống dãy núi và khối núi, gờ núi cao bao bọc phía Đông của Tây Nguyên, chạy dài từ khối núi Ngọc Linh đến mũi Dinh. Các dãy núi và khối núi chính thuộc Trường Sơn Nam là khối núi Ngọc Linh, dãy núi An Khê, Chư Đju, Tây Khánh Hòa, Chư Yang Sin. Sườn của các dãy núi và khối núi này đổ dốc xuống các đồng bằng duyên hải từ Quảng Nam đến Nha Trang.

< Bản Cha Khót, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá dưới thung lũng của dãy Trường Sơn.

Các đỉnh núi cao trong dãy núi Trường Sơn Nam gồm: Ngọc Linh (2598 m) cao nhất Trường Sơn và hơn mười ngọn khác cao trên 1200 m cùng thuộc khối núi Ngọc Linh, Ngọc Krinh (2025 m), Kon Ka Kinh (1761 m), Vọng Phu (2051 m), Chư Yang Sin (2405 m), Bon Non (1692 m), Chư Braian (1865 m), M’non Lanlen (1623 m), M’non Pantar (1644 m), và nhiều đỉnh khác. Do địa hình phức tạp, nên chế độ nhiệt độ, mưa, thủy văn, đất và lớp phủ thực vật ở Nam Trường Sơn rất đa dạng.

Theo Vũ Quang Thái (báo Quân đội nhân dân)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *