Chuyện hy hữu xảy ra khi một người đàn ông Mông ở Mèo Vạc đi lạc gần 6.000km đến tận Pakistan. Hiện anh bị tạm giữ ở đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam vùng Neelum từ tháng 10.2013 đến nay vì không thể xác minh được nhân thân.
Vừ Già Pó, một người đàn ông Mông ở Mèo Vạc (Hà Giang) bị cho là mất tích cách đây 2 năm, không hiểu bằng cách nào lưu lạc hơn 5.800 km băng qua Himalaya đến tận bang Azad Kashmir (Pakistan).
Anh bị tạm giữ ở cơ quan phòng chống tội phạm ở Muzaffarabad rồi chuyển sang đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam vùng Neelum từ tháng 10.2013 đến nay vì không thể xác minh được nhân thân. Trước đó, anh bị Lực lượng Quân báo Pakistan bắt được khi đang lơ ngơ xâm nhập biên giới từ phía bang Jamu & Kashmir của Ấn Độ. Đây vốn dĩ là vùng tranh chấp căng thẳng, được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt giữa 2 quốc gia Nam Á.
Kẻ đột nhập nói ngôn ngữ lạ lùng
Dựa vào cách phát âm khi được bàn giao từ Lực lượng Tình báo quân đội Pakistan (MI – Military Intelligence), anh được cảnh sát phòng chống tội phạm ở Muzaffarabad đặt tên là Wu Ta Puma. Trên người anh không một mảnh giấy tờ tùy thân, không biết một thứ tiếng nào để giao tiếp ngoài ngôn ngữ rất lạ lùng của mình. Sau thời gian kiểm tra an ninh, đơn vị tình báo quân đội bàn giao người đàn ông cho cơ quan cảnh sát phòng chống tội phạm của tiểu bang (CIA – Crime Investigation Agency) đóng ở Muzaffarabad tiếp nhận để điều tra tiếp vì tội xâm nhập bất hợp pháp.
Theo thông tin đăng tải trên một tờ báo địa phương, dẫn lời của ông Raja Yasir, một điều tra viên cho biết: “Ban đầu chúng tôi nghĩ anh ta bị câm vì chả nói năng gì cả, có lẽ do quá hoảng loạn. Tuy nhiên sau khoảng 10 đến 12 ngày, anh ta bắt đầu nói chuyện bằng thứ tiếng kỳ lạ của mình mà chúng tôi hoàn toàn không thể hiểu được”.
< Thị trấn Mèo Vạc, Hà Giang.
Ông Raja Yasir sau đó đã mời một số công nhân người Trung Quốc, Hàn Quốc đang làm việc tại một số công ty xây dựng ở Muzaffarabad đến để thử giao tiếp và “giám định” xem nhưng cũng không một ai hiểu được ngôn ngữ của anh cả. Ông Yasir cũng cho biết thêm là cơ quan điều tra cũng không nhốt anh vào buồng giam có khóa hay gửi anh ta vào nhà tù trung tâm vì e ngại “anh ta sẽ ở đó đến cuối đời mất”.
Không khai thác, điều tra được gì từ kẻ đột nhập nói thứ ngôn ngữ lạ lùng ngoài cái tên mà dựa theo phát âm là: Wu Ta Puma, cơ quan cảnh sát phòng chống tội phạm tiểu bang đành gửi Wu Ta Puma về đồn cảnh sát thị trấn nhỏ Athmuqam vùng Neelum cách đó 75 km về phía bắc, nơi gần với biên giới chỗ anh bị Lực lượng Quân báo Pakistan bắt được vào trung tuần tháng 11.2013.
Mừng rỡ khi nhìn thấy cờ Việt Nam, tiền Việt Nam
Ở Đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam, Wu Ta Puma cũng không bị giam giữ. Anh được bố trí ở khu nhà đổ trong khuôn viên, sau lưng trụ sở đồn. Sự xuất hiện của anh ở thị trấn nhỏ cũng là một sự kiện gây xôn xao cho cư dân nơi đây với rất nhiều tò mò. Amiruddin Mughal, một phóng viên ảnh tự do, cộng tác viên của Reuters và EPA tại Neelum và cũng là một biên tập viên của Đài truyền hình địa phương Saama TV đã đến đưa tin.
Trả lời người viết, anh cho biết: “Tôi gặp anh ta ở Đồn cảnh sát Athmuqam, anh ta được tự do đi lại trong khu vực đồn với sự cho phép của cảnh sát. Họ cung cấp cho anh ta 3 bữa ăn mỗi ngày. Thỉnh thoảng những người dân xung quanh còn mang cho anh ta một ít thức ăn và cho tiền tiêu vặt nữa”. Lần gặp gỡ ấy, Amiruddin thất bại trong việc làm tin tức vì không khai thác được thông tin gì từ Wu Ta Puma do chả ai hiểu ai nói gì, anh chỉ quay một đoạn video trong đó Wu Ta Puma nói hơn 2 phút rồi post lên trang cá nhân của mình kêu gọi mọi người ai hiểu được ngôn ngữ và biết thông tin gì thì báo về cho anh để giúp người đàn ông kia tìm được gia đình.
Cảnh sát ở Athmuqam nhận định Wu Ta Puma chỉ đi lạc vào đất Pakistan chứ không có động cơ gì khác nên họ đối xử thoải mái với anh. Họ còn mua cho anh quần áo ấm, mũ len vì thời tiết ở vùng ven Himalaya này rất lạnh. Cảnh sát cũng nhờ các cơ quan, báo chí, truyền thông sở tại giúp tìm tông tích gia đình Wu Ta Puma để anh sớm đoàn tụ mặc dù đây thực sự là công việc “mò kim đáy bể”.
Thật may mắn là vài ngày sau đó, có người đã giúp cảnh sát ở thị trấn Athmuqam xác định được quốc tịch của Wu Ta Puma. Đó là ông Mukhtar Qureshi, nhân viên của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ địa phương đến đồn cảnh sát. Ông mở mạng internet, tìm hình ảnh cờ và tiền giấy của những nước châu Á và cho Wu Ta Puma xem. Khi nhìn thấy ảnh cờ và tiền Việt Nam trên màn hình, “Anh ta rất phấn khích và hạnh phúc. Anh ta nói gì đó và ra dấu hiệu để nói rằng: những thứ này của tôi” – ông Mukhtar cho biết. “Sau đó, với sự nhẫn nại quan sát ngôn ngữ cử chỉ kết hợp với những gì anh ta nói, tôi có thêm một số thông tin là: anh ta có vợ và có 5 con, 2 con gái lớn và 3 con trai nhỏ. Bố mẹ anh ta đều đã chết. Và những ngày sau đó thì anh ta trở nên muộn phiền, khóc lóc thảm thiết cả ngày lẫn đêm” – ông Mukhtar trao đổi thêm.
Mấy hôm sau, ông Mukhtar Qureshi đã viết thư, thông báo đến Đại sứ quán Việt Nam tại Islamabad về câu chuyện của Wu Ta Puma. Trong thư có đoạn viết: “Với lòng từ tâm của một con người và cũng là người đang làm việc cho một tổ chức nhân đạo, tôi gửi những thông tin này cho các ông để xem xét và có hướng giải quyết tiếp theo”. Bức thư gửi ngày 7.1.2014.
Với mong muốn giúp anh Wu Ta Puma tìm được gia đình, một phóng viên địa phương có tên Amiruddin Mughal đã đăng tải 1 đoạn clip đặc biệt để anh này nói bằng thứ tiếng của mình. Amiruddin Mughal là một phóng viên ảnh tự do, cộng tác viên của Reuters và EPA tại Neelum và cũng là một biên tập viên của Đài truyền hình địa phương Saama TV. Sau khi nghe thông tin về anh Wu Ta Puma, phóng viên này đã đến đưa tin. Tuy nhiên, do không hiểu Wu Ta Puma nói gì nên anh chỉ còn cách quay clip rồi đăng tải trên trang cá nhân với mong muốn ai hiểu được thì báo cho mình để giúp đỡ người đàn ông bất hạnh này.
Đoạn clip cho biết một người Việt Nam có tên là Wu Ta Puma đang cố gắng tìm cách trở lại gia đình mình. Theo đoạn video, tính đến tháng 12.2013, người đàn ông trên đang ở đồn cảnh sát Athmuqam được hơn 1 tháng.
Trong đoạn clip, phóng viên Amiruddin Mughal mong muốn “mọi người hãy lan truyền những hình ảnh này càng nhiều càng tốt trên các phương tiện truyền thông để ai đó có thể giúp cảnh sát đưa người đàn ông này sớm hồi hương.
Mọi chi tiết liên hệ trợ giúp với giới chức trách ở đây theo địa chỉ: Số điện thoại: +92-300-9885892/++92-355-8100688. Hòm thư điện tử: [email protected]”.
“Tôi là Vừ Già Pó – xã Khâu Vai, Việt Nam”
Đoạn video mà phóng viên Amiruddin Mughal post lên mạng cuối tháng 12.2013 không có quá nhiều người xem. Gần 3 tháng sau, cách đây mấy hôm, một người bạn làm việc trong lĩnh vực báo chí truyền thông gửi tôi đường link của video nói trên vì biết tôi làm báo ở Việt Nam và hay đi lại khắp cả nước với hy vọng sẽ tìm được manh mối nào đó.
Vốn tiếng H’Mông ít ỏi của tôi nhờ hàng chục chuyến đi lên vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc không hiểu hết những gì người đàn ông trong hình nói nhưng cũng đủ nghe thấy rất rõ ràng mấy câu “Tôi là Vừ Già Pó ở xã Khâu Vai, Việt Nam”, “Tôi đi làm thuê ở Trung Quốc”. Nhấc điện thoại gọi lên mấy đồn biên phòng vùng cao để hỏi thông tin, nhưng thật không may họ không biết một trường hợp nào mất tích hay đi khỏi địa phương mà có tên như thế cả. Sau tôi tìm hiểu mới biết, hóa ra các đồn biên phòng chỉ quản lý những xã vùng biên, Khâu Vai là xã nằm khá sâu trong nội địa nên họ không nắm được. Tuy nhiên một sĩ quan trẻ cho tôi số điện thoại của Bí thư xã Khâu Vai – Lê Văn Quý.
Theo Thanh Niên, Dawn, Dailymotion
NISAVA TRAVEL!
Vừ Già Pó chờ ngày về…