(GĐN) – Cao Bằng là nơi ghi dấu cho một thời kỳ lịch sử oai hùng: từ hang Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo đến mộ anh hùng Kim Đồng, biên giới Nà Lạn… Chỉ tiếc, con đường để đến thăm những di tích lịch sử ấy vẫn còn lắm gian truân.
Khó khăn trăm bề
7 giờ sáng, đoàn chúng tôi xuất phát từ Hà Nội dọc theo quốc lộ 1A qua Lạng Sơn. Đi cùng có một nhà văn trẻ gốc Cao Bằng. Khoảng 11h trưa, đoàn đã có mặt tại địa phận tỉnh Lạng Sơn. Chặng đường này của chúng tôi khá nhanh và suôn sẻ bởi 157 km từ Hà Nội sang Lạng Sơn hầu như là đường cao tốc cùng những đoạn đường trải nhựa rộng đẹp.
“Từ Lạng Sơn sang Cao Bằng phải men theo quốc lộ 4A dài 130km. Đây là tuyến đường khá vất vả, thi thoảng còn sạt lở nữa”, anh nhà văn nhắc nhở mọi người.
< Ngay tại đèo Bông Lau đoạn Quốc lộ 4A từ Lạng Sơn sang Cao Bằng là những khúc cua nguy hiểm.
Quãng đường quốc lộ 4A này là đường vành đai biên giới Việt – Trung có điểm khởi đầu là thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn). Trên đường đi, nhiều người thích thú khi qua đèo Bông Lau, dốc Bản Nằm, di tích đèo Khách, đồn Thất Khê….
NISAVA
Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, giặc biến đường số 4 thành con đường huyết mạch để vận chuyển vũ khí, lương thực cho quân đội của chúng đóng tại Cao Bằng. Con đường đã trở thành nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của quân dân ta trong kháng chiến chống quân xâm lược.
Thế nhưng, sự hân hoan của mọi người chưa được bao lâu thì già nửa thành viên trong đoàn khuôn mặt biến sắc vì những “ổ gà”, “ổ voi” bấp bênh trên đường.
< Sau những trận mưa, mặt đường lầy lội gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Thời điểm chúng tôi đi vừa có mưa lớn hôm trước nên mặt đường ứ đọng nhiều hố sâu. Đã thế, tuyến đường này luôn trong tình trạng chật chội do mật độ xe ô tô tải trọng lớn lưu thông và xe container lên cửa khẩu Cao Bằng.
Vừa hết địa phận Lạng Sơn sang huyện Thạch An (Cao Bằng) chúng tôi đã gặp vô số đoạn đường bị ngoằn ngèo, sụt lún đầy nguy hiểm khi một bên là đất đá, một bên là vực sâu. Với những người lần đầu đến Cao Bằng quả là cảm giác khó quên.
Do không quen đường nên phải mất thêm 4 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được thành phố Cao Bằng.
NISAVA
Hỏi chuyện, ông Hoàng Văn Thạch – Giám đốc Sở GTVT Cao Bằng giãi bày: “Các tỉnh lân cận có đường sắt, đường thủy nhưng Cao Bằng chỉ có một loại hình giao thông là đường bộ. Quốc lộ 4A là giao thông huyết mạch giữa Lạng Sơn và Cao Bằng. Dù đã được nâng cấp, sửa chữa nhiều lần nhưng sau thời gian dài tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng.
< Số lượng lớn xe tải và xe container lưu thông khiến tuyến đường ngày càng xuống cấp.
Đường có nhiều điểm cắt cua, đèo cao, vực sâu rất nguy hiểm dẫn đến việc thông thương Cao Bằng với các địa phương khác bị hạn chế. Chưa kể, Cao Bằng có 333km đường biên giới giáp Trung Quốc với nhiều cửa khẩu, lối mở nhưng việc xuất nhập khẩu chưa tương xứng mà lý do lớn nhất vẫn là khó khăn về giao thông”.
Cũng chẳng khá khẩm hơn tuyến quốc lộ 4A từ Lạng Sơn đi Cao Bằng, Quốc lộ 3 nối vùng đất này với Bắc Kạn cũng đầy hiểm trở. Thông suốt chặng đường là quanh co, đèo dốc. Những địa danh đầy chất “sử thi” như đèo Giàng, đèo Gió, đèo Ngân Sơn, đèo Cao bắc, đèo Tài Hồ Sìn cũng thường xuyên xảy ra tai nạn do đường hẹp, trơn trượt và sương mù.
“Bản chất đường 3 cực khó đi nhưng vì đường 4 xấu quá nên người ta không có lựa chọn. Nhiều khi mưa lớn những khối đất đá rơi xuống đường gây tắc nghẽn giao thông. Đã thế đường 34 từ Cao Bằng đi Hà Giang còn hiểm trở hơn khi tuyến đường ngày càng xuống cấp. Kinh phí xây dựng và nâng cấp các tuyến đường hiện nay quá lớn và nằm ngoài khả năng của tỉnh Cao Bằng”, vị giám đốc sở buồn rầu.
< Những gian nan trên đường đến Cao Bằng mà phải “đi một lần mới thấu”.
NISAVA
Đáng lưu ý, tháng 4/2015, trong buổi làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng, ông Đinh La Thăng (khi đó là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải) đã nhất trí với kiến nghị của tỉnh về việc đầu tư nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 4A từ Cao Bằng đi Lạng Sơn thành đường cao tốc.
Tháng 6/2016, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Trương Quang Nghĩa cũng đã ghi nhận những kiến nghị của Cao Bằng về đầu tư phương án xây dựng đường cao tốc. Dù vậy đến nay, khách du lịch cả nước, đặc biệt là người dân Cao Bằng vẫn tiếp tục theo đuổi giấc mơ về một con đường mới.
Không dám trở lại vì sợ đường!
Hiếm có tỉnh thành nào nhiều di tích lịch sử như tỉnh Cao Bằng. Vùng đất này có hơn 200 di tích (trong đó 92 di tích đã được xếp hạng).
< Tuyến Quốc lộ 34 từ Cao Bằng đi Hà Giang xây dựng 2 năm nay nhưng không xong vì hết nguồn vốn.
Rừng Trần Hưng Đạo và hang Pác Pó vinh dự được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Ông Sầm Việt An, Giám đốc sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng ví von rằng: Cao Bằng la “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước và luôn được chọn là điểm đến trong những cuộc “hành trình về nguồn” của thế hệ trẻ.
“Những năm gần đây, Cao Bằng còn có thêm một số loại hình du lịch tâm linh như chùa Đà Quận (nằm trong kinh đô nhà Mạc). Chùa có đôi chuông gần 400 tuổi vừa được công nhận Bảo Vật quốc gia. Đặc biệt nhất, Cao Bằng đang xây dựng và phát triển “công viên địa chất toàn cầu”.
< Đèo Phia Oắc nằm ở độ cao 1.931m so với mực nước biển. Khi nhiệt độ ở cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) là -2 độ, thì ở đây đã xuất hiện băng tuyết.
NISAVA
Đây là một địa điểm khá thú vị với địa chất phong phú, sông ngầm trên núi đá, hóa thạch bao phủ. Hiện nay, UBND tỉnh đang tích cực triển khai một số nội dung công việc để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Cao Bằng”, ông An bày tỏ.
Ông An cho biết, mỗi năm Cao Bằng đón hơn 700 nghìn lượt khách du lịch. Qua khảo sát, khách du lịch rất thích thú với những trải nghiệm ở những di lích lịch sử của Cao Bằng. Dù vậy, tỉ lệ họ quay lại rất ít bởi lẽ…. đường sá quá khó khăn.
Cũng theo lời người đứng đầu Sở VH-TT&DL, Cao Bằng có tiềm năng du lịch rất lớn, có những điểm sánh ngang với Đà Lạt, Sapa. Dù vậy Cao Bằng chưa thể phát triển du lịch được bởi mọi tuyến đường giao thông dẫn đến vùng đất này còn khó khăn, vất vả. Nói nôm na theo cách gọi của anh bạn nhà văn đi cùng chúng tôi rằng: Cao Bằng đang “khát” một con đường!
Theo Cao Tuân (Báo Gia đình và Xã hội)
NISAVA TRAVEL!