(TTO) – Đến Buôn Ma Thuột, đi taxi, đi xe ôm mà hỏi đặc sản ở đây là gì, các anh các chú sẽ nhiệt tình kể cho bạn một list dài các món đặc sản của phố núi cao nguyên. Và một món không thể thiếu trong số ấy là bún đỏ.

1. Ở đây, nếu hỏi ăn bún đỏ ở đâu, các anh các chú đi taxi, đi xe ôm sẽ chỉ rõ tường tận, hoặc đưa thẳng ra chỗ có bún đỏ ngon để bạn thưởng thức. Cũng theo những lời giới thiệu mộc mạc ấy mà chúng tôi đã thử món bún đỏ. Thử một lần để rồi bị mê hoặc mãi không thôi…

Bún đỏ là món ăn đặc sản chỉ có ở Buôn Ma Thuột, nhưng nó cũng chỉ là một món ăn vỉa hè hết sức bình dị. Lang thang khắp thành phố thì thấy hầu như chỗ nào có bán thức ăn nhanh, bún, miến, cháo, phở là y như rằng có bún đỏ. Nhưng các quán bún đỏ ngon và nổi tiếng chủ yếu tập trung ở góc phố Phan Đình Giót giao với Lê Duẩn.

Bún đỏ ở đây không bán buổi sáng, mà chủ yếu từ 3g chiều tới tầm 1-2g sáng, để phục vụ thú ăn vặt, ăn đêm của các bà, các cô, các chị, các anh hay quà vặt, nhưng cũng là phục vụ các chú lái xe, những người công nhân, người lao động làm khuya, hết giờ làm qua quán bún đỏ ăn một bát rồi về nhà nghỉ ngơi.

Bún đỏ là tên được gọi theo màu của sợi bún. Bản thân sợi bún ở đây trông đã khác lạ so với sợi bún ở nơi khác, bởi nó to cỡ chiếc đũa, ăn dai dai giòn giòn. Để tạo màu đỏ cho bún, người ta nhúng bún vào một nồi nước dùng, mà theo “bật mí” của bác chủ hàng bún đỏ được làm từ hạt điều – loại “phẩm nhuộm” thực phẩm tự nhiên hết sức an toàn cho sức khỏe.

Nhúng bún trong nồi nước bún chừng dăm bảy phút rồi vớt ra, bún đã từ màu trắng chuyển sang màu đỏ gạch cua nhìn rất ngon và bắt mắt.

2. Để tạo màu bún đỏ thì như thế. Cũng từ màu đỏ ấy mà cái tên bún đỏ được hình thành. Nhưng để tạo nên hương vị đặc sắc cho bún đỏ, tạo nên danh tiếng cho bún đỏ thì phải ở cách chế biến và nước dùng của bún.

Nước dùng của bún được ninh từ xương với nước cua, tạo nên một vị ngọt thanh mát, đậm đà. Điểm nhấn quan trọng trong nồi nước dùng là gạch cua với thịt ba chỉ xay, hành củ băm nhỏ trộn với hạt tiêu được nặn thành từng bánh nhỏ nấu chung với nước dùng. Thêm vào đó là trứng cút đã bóc vỏ.

Miếng gạch cua thịt băm, trứng cút cứ được nấu trong nồi, đến khi làm bún cho khách thì vớt ra cho vào bát cùng nước dùng. Càng nấu, miếng gạch cua, thịt heo càng nhừ, càng đậm vị và nước dùng càng ngọt, thơm hơn.

Ngoài gạch cua thịt băm, trứng cút, bát bún đỏ còn được “nêm” thêm rau cải ngọt, giá đỗ trần. Sau khi chan nước dùng lên thì rắc thêm ít hành củ băm nhỏ phi thơm cùng với tóp mỡ.

3. Nếu nguyên liệu chế biến tạo nên hương vị không thể pha trộn cho bún đỏ, thì cái không gian phố núi cao nguyên là một không gian không thể phù hợp hơn để thưởng thức món bún này. Chả thế mà vào Sài Gòn có thể tìm ăn phở Hà Nội, ở Hà Nội có thể ăn phở gia truyền Nam Định, nhưng chẳng thể tìm ăn bún đỏ ở đâu ngoài Buôn Ma Thuột.

Ban ngày nhiều nắng và gió, nhưng đêm về, như bao thành phố cao nguyên khác, Buôn Ma Thuột se lạnh, một cái lạnh ngọt ngào và trong lành của phố núi. Khoác lên người một cái áo khoác nhẹ, lang thang ngắm phố phường yên tĩnh về đêm. Rồi khuya một chút, áng chừng đã mỏi chân và đói, ghé qua quán bún đỏ làm một bát thì chẳng còn gì  bằng.

Giữa không gian lành lạnh sương đêm phố núi, ăn bát bún nóng hổi, mà ăn vào tới đâu, từng hương vị cứ như thấu vào tận xương tủy, tâm can tới đó. Này là vị ngọt thơm của nước dùng; này là miếng trứng cút béo bùi, ngầy ngậy; này là vị béo, ngậy mà rất thanh của gạch cua cùng với thịt xay trộn cùng hạt tiêu thơm thơm cay điểm xuyết.

Này là vị giòn của giá đỗ, vị tươi mát của rau cải trần và vị dẻo dai của sợi bún đỏ thơm tho. Thử thoảng chêm vào là vị hành khô phi thơm phưng phức với miếng tóp mỡ béo ngậy giòn giòn. Giữa trời đêm se lạnh, người ta ăn đến từng sợi bún cuối cùng, từng cọng rau, cọng giá cuối cùng, rồi húp hết thìa nước dùng cuối cùng mà vẫn còn luyến tiếc.

Mà bát bún đỏ ở đây làm khéo lắm, nhỏ vừa phải, để ăn xong không bị no quá, mới chỉ lưng lửng. Ăn thêm bát nữa thì sợ sẽ no, không ăn hết, mà không ăn thì lại cứ thèm thèm, thiêu thiếu… Thế là nhiều khi trả tiền đứng dậy đi về rồi mà vẫn cứ lưu luyến, tiếc vẩn vơ…

4. Đến Buôn Ma Thuột, người ta có thể mang cà phê về làm quà cho bè bạn và người thân, người ta có thể chụp những tấm hình với thác, với voi, với cầu treo để lưu niệm, nhưng riêng bún đỏ, bạn chẳng thể mang về, nên chỉ còn cách đến đó và tự mình thưởng thức mà thôi.

Vì vậy nếu có dịp đến Buôn Ma Thuột, bạn nhớ ghé Buôn Đôn cưỡi voi và xem ngôi nhà cổ 120 tuổi, thăm mộ của vua voi, ghé vào cầu treo Buôn Đôn, nhớ bắt xe buýt tới hồ Lắc hay thác Dray Nur, Dray Sap, hay ghé vào các trang trại trồng cà phê để ngắm những bông hoa trắng muốt và thơm thanh khiết nếu vào mùa… Và cũng đừng quên ghé qua phố Phan Đình Giót – Lê Duẩn để thử món bún đỏ.
Tôi chắc nếu đã thử rồi, bạn sẽ chẳng dễ gì quên!

Theo IRIS TRƯƠNG (Báo Tuổi Trẻ)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *