(VPO) – Kể từ thời kỳ Thăng Long và hậu Cao Bằng, Nhà Mạc đã xác định Vĩnh Phúc sẽ là căn cứ lâu dài. ở đây có nhiều di tích quan trọng: Bốn khu lăng mộ và ít nhất 6 ngôi chùa gắn với dòng họ Mạc. Một trong 6 ngôi chùa đó là chùa Sùng Khánh hay còn gọi là chùa Tiên Lữ ở xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch. Đây là ngôi chùa cổ, hiện còn giữ được nhiều hiện vật sinh động và quý, ghi dấu những sự kiện và nhân vật lịch sử.

Chùa Sùng Khánh tọa lạc trên một gò cao, trong một khuôn viên rộng chừng 1000m2, thoáng, đẹp nằm cạnh con đường liên xã đi từ Tiên Lữ sang Đình Chu. Hiện nay chưa xác định được chính xác thời điểm xây chùa nhưng theo những gì còn ghi lại trên 02 bia đá được tạo năm 1709 và năm 1716 còn ghi công đức của nhân dân và các địa phương để dựng chùa.

Trên câu đầu bên trái của tòa Bái đường ghi lại lần trùng tu lớn là vào năm Tự Đức thứ 29 (tức năm 1876); Người trông giữ Chùa đều thuộc họ Nguyễn gốc Mạc ở Tiên Lữ, đến nay đã trải qua 7 thế hệ. Như vậy có thể xác định chùa Sùng Khánh được xây dựng vào khoảng những năm cuối của thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII.

Tổng diện tích mặt bằng của chùa là 269m2 với 54 cột, 12 vì kèo liên kết với nhau theo kiểu kiến trúc chữ công. Tường xây bít đốc bằng đá ong bền chắc, mặt trước có 3 cửa chính để vào chùa. Mái lợp bằng ngói mũi hài phẳng, các đường bờ nóc thẳng, 2 tòa bái đường và thượng điện đều có cấu trúc kiểu 4 mái, vì vậy tổng thể chùa có dáng vẻ khá sinh động. Toàn bộ kết cấu bằng gỗ của chùa đều được bào trơn đóng bén, không có những chạm trổ cầu kỳ nhưng lại đảm bảo tính bền vững của một công trình kiến trúc cổ, đến nay chùa còn khá bền vững, chắc chắn. Trước chùa là một sân gạch rộng và khoảng không gian phía trước; toàn bộ khuôn viên được xây tường bao loan kín đáo, quang cảnh đẹp, tĩnh mịnh.

Tam quan chùa được phục dựng năm 1999 có kiến trúc khá quy mô, trên đỉnh có đắp lưỡng long chầu nguyệt, trên đỉnh bốn cột trụ đắp con phượng và con nghê, bên dưới là câu đối. Lầu chuông tọa lạc ngay giữa sân chùa, được trùng tu và xây dựng lại vào tháng Chạp năm Mậu Tý. Tòa Đại bái dáng khỏe, bền chắc, có không gian thoáng đẹp. Tòa Thượng điện gồm ba gian, gian chính giữa là chính điện; bài trí trên cùng sát mái phía tường hậu là ba pho tượng Tam thế được tạc bằng chất liệu gỗ mít sơn son thiếp vàng.

Các pho tượng đều tọa lạc trên tòa sen, khuôn mặt bầu đượm vẻ từ bi, tai to, tóc xoăn, mắt nhìn xuống trong trạng thái tĩnh tâm hoàn toàn, cổ cao ba ngấn, hai tay dài, bàn tay dày, mình mặc áo choàng nhiều lớp, hai vạt áo buông chùng tự nhiên và vắt vào nhau ở phía dưới như cánh hoa cách điệu làm tôn lên vẻ đẹp hài hòa, cân đối một cách hoàn mỹ. Bệ gỗ và tòa sen được kết cấu kiểu giật cấp ba tầng, tạo thành khối kiến trúc nghệ thuật đẹp, nhẹ nhàng thanh thoát mà vững chãi đỡ toàn bộ pho tượng phía trên làm tăng thêm vẻ uy nghi, thâm nghiêm của ngôi chùa. Tượng Tam thế đại diện cho chư phật mười phương ở ba thời: Quá khứ – Hiện tại – Tương lai. Đây là các pho tượng đẹp, quý, đều được tạc từ thời vua Lê Trung Hưng đến nay vẫn giữ nguyên được dáng vẻ mà chưa phải trùng tu.

Tiếp theo là hai pho tượng Di Đà ngồi trên tòa sen, mặt bầu đầy đặn, tai to, mắt nhìn xuống vẻ tĩnh tâm, tóc xoăn. Lớp thứ ba là tượng Quan âm thiên thủ thiên nhãn ngồi trên tòa sen, phía dưới tòa sen là con Nghê miệng há rộng, mắt lồi dữ tợn, hai bên là hai hàng lông xuôi về phía sau như bơi chèo. Tượng có 12 tay giơ về các hướng với những tư thế khác nhau và được tạc bằng gỗ mít, khuôn mặt bầu hiền từ, mắt nhìn xuống, tai to, đầu đội mũ thất phật có ba tầng trang trí hình hoa cúc và hình mặt trời tỏa sáng. Hai bên tượng Quan âm là hai pho tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ ở tư thế đứng, áo choàng nhiều lớp rủ kín thân, ống tay áo rộng, vạt áo bên phải cuốn gọn vào thân, vạt áo bên trái thả thùng.

Ở tòa Thượng điện, ngày nay còn có hai bia đá ghi lại hai giai đoạn lịch sử quan trọng với ngôi chùa. Nội dung ghi việc xây tường bao và tu sửa lại chùa là tiểu tăng trụ trì Nguyễn Hữu Pháp, cùng tham gia hưng công xây dựng còn có hơn 30 vị khác là người trong làng. Đặc biệt ở đây còn có sự tham gia của một người Trung Quốc (Điều này cho thấy họ nhà Mạc lúc bấy giờ có mối quan hệ trực tiếp với nhà Thanh, hoàn toàn phù hợp với thực tế là nhà Mạc ở Cao Bằng luôn được sự ủng hộ của nhà Thanh). Bia thứ hai bị vỡ mất một góc phía dưới, chỉ còn một phần bên trên. Tiếp dưới là phần ống muống được xây bệ thờ tại đây được bài trí pho tượng Ngọc Hoàng Thượng đế, hai bên là Nam Tào và Bắc Đẩu. Phía ngoài là pho tượng Thích Ca sơ sinh đứng trên tòa sen.

Phía ngoài gian Tiền Đường có hai pho tượng cao to nổi bật, là hai pho tượng Khuyến thiện và Trừng ác. Tượng Khuyến thiện bên trái đầu đội mũ giáp trụ, mình mặc võ phục, nai nịt gọn gàng, có khuôn mặt trắng, đẹp phúc hậu, chân đi hài cong, lưng thắt đai đỏ, một tay chống vào đầu sư tử, một tay cầm viên ngọc minh châu, mắt nhìn thẳng hiền từ như kêu gọi chúng sinh một lòng hành thiện, ngồi trên lưng một con sư tử dáng vẻ dữ tợn, mắt lồi, hai hàm răng trắng, bốn chân choãi ra bám chặt xuống đất, lưng oằn xuống chịu sức nặng của vị Hộ pháp.

Phía bên phải là tượng ông Trừng ác, mặt đỏ, mắt xếch, râu vểnh ngược, đầu đội mũ giáp trụ, trang phục võ tướng như tượng Khuyến Thiện, một tay chống lên đùi, một tay cầm thanh long đao, chân phải giẫm trên mình một con quỷ, tượng cưỡi trên mình con sư tử dáng vẻ dữ tợn càng tăng thêm vẻ uy nghi, oai nghiêm của vị thánh chuyên trừng trị những kẻ gây ác trong thế gian.

Hai bên phía đầu hồi tòa Tiền Đường là bộ tượng Bát Bộ Kim Cương, là những thần tướng trên trời đã quy y tam bảo và phát nguyện hộ trì phật pháp, mỗi vị đều cầm một thứ binh khí ngồi ở các tư thế khác nhau, đầu đội mũ giáp trụ, mặc võ phục oai phong lẫm liệt trấn giữ các phương.

Đặc biệt ở gian Bái đường còn có hai cụm tượng lạ. Đó là tượng Ông và tượng Bà. Tượng Ông ở cùng phía tượng ông Trừng ác, ở tư thế ngồi, hai bên có hai thị vệ là võ sĩ. Tượng ông có dáng dấp của một võ tướng, oai nghiêm, vạm vỡ, đầu đội mũ, áo bổ tử. Tượng có dáng dấp như tượng Mạc Đăng Dung ở chùa Trà Phương (Hải Phòng). Tượng Bà ở phía tượng ông Khuyến thiện cũng ở tư thế ngồi, hai bên có hai tượng thị nữ chắp tay chầu. Tượng Bà đã được tu sửa vẽ thêm râu ria như một nam giới nhưng nhìn kỹ có thể nhận ra là tượng nữ, bởi mũi thanh, lông mày mảnh, cong, áo ngoài như áo của tăng ni nhưng có yếm, hai bên lại có hai thị vệ là nữ giới.

Rõ ràng đây không phải là tượng Phật, cũng không phải là tượng Hậu mà là hai tượng Ông và tượng Bà, có thị tòng và thị nữ. Tuy không rõ hai vị này là ai, nhưng vị thế của họ rất được trân trọng. Theo tư liệu văn bia, thì chùa này do cụ Nguyễn Hữu Pháp tự Đạo Thái hiệu Huyền Ân xây dựng và trụ trì, ông là con trai cả của vua Mạc Kính Vũ. Rất có thể ông đã cho dựng tượng vua cha là Mạc Kính Vũ và phu nhân để thờ ở chùa này.

Chùa còn có hệ thống tượng phật, bia ký lâu đời mặc dù đã trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, song những gì còn lại đã minh chứng cho một sức sống mãnh liệt của một nền văn hóa dân tộc đã trở thành một bộ phận cấu thành đời sống xã hội của dân tộc Việt Nam. Qua mô tả có thể thấy, nghệ thuật điêu khắc trên các chất liệu thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân xưa, bằng trí tưởng tượng, sự tỉ mỉ, chính xác; mỗi pho tượng đã thể hiện một nội tâm, hồn sống toát ra từ dáng vẻ bề ngoài đó chính là sự thành công của các nghệ nhân xưa, đây thực sự là những tác phẩm nghệ thuật đạt trình độ cao, xứng đáng để tồn tại với thời gian.

Hệ thống các công trình phụ của chùa được nhân dân đóng góp và xây dựng hoàn thành vào tháng 2/2012.
Chùa Sùng Khánh ngày nay đã và đang thu hút đông đảo du khách đến đây bởi ngôi chùa mang trong mình những giá trị lịch sử to lớn mà không phải bất kỳ ngôi chùa nào cũng có được. Đến đây du khách có cơ hội để nhìn nhận lại lịch sử đất nước; qua đó có cái nhìn chính xác hơn về triều đại Nhà Mạc, một triều đại tiến bộ nhưng không gặp thời. Chùa Sùng Khánh đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc xếp hạng là di tích cấp tỉnh năm 2004.

Theo Thu Hiền – XTDL
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *