(VNE) – Thác Mây trùng điệp đến ngỡ ngàng. Thác Mơ thác nối thác len lỏi qua những khóm cây dào dạt hoa rừng. Thác Hươu kỳ thú khi tất cả những gì ở đây đều “hóa đá”…
Đây được xem là ba thác nước đẹp nhất Xứ Thanh.
Vùng đất Thanh Hóa được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vô vàn cảnh sắc kỳ thú. Bên cạnh những điểm đến đã quá nổi tiếng như Thành Nhà Hồ, bãi biển Sầm Sơn, ao cá Cẩm Lương… hẳn dân phượt không thể bỏ qua những thác nước tuyệt đẹp khi đến thăm vùng đất này.
1. Thác Mây (Thạch Lâm, Thạch Thành)
Nằm ở vị trí đầu bảng trong những con thác đẹp nhất xứ Thanh phải kể đến thác Mây. Tuy mới được “dân chơi” phát hiện vài năm trở lại đây nhưng chỉ cần nói qua thì sự hùng vĩ của nó cũng đủ khiến bất cứ ai trầm trồ, khao khác được ngắm nhìn.
Nếu tính từ Hà Nội, xuôi theo đường Hồ Chí Minh thì thác Mây quả là địa điểm ăn chơi cuối tuần hay các dịp lễ thích hợp. Con thác cách Hà Nội chỉ hơn 100 km, ngay khu Vườn quốc gia Cúc Phương giáp địa phận Thanh Hóa.
Từ đường Hồ Chí Minh vào thác chưa đến 10 km. Đường gồ ghề nên phương tiện thích hợp nhất chỉ có thể là xe máy. Ngay từ ngoài đường lớn bạn đã nhìn thấy một dòng sông xanh ngắt uốn lượn với cái tên từng đi vào nhiều sự tích của bà con dân tộc nơi đây: dòng sông Ngang.
Khung cảnh thi vị khi một bên đường là đồi cao cây cối um tùm, một bên là dòng sông xanh mượt, bãi cỏ sàn sàn xuống tận mặt nước. Nhiều đoạn trên đường đi có những cây cổ thụ khổng lồ hay những chiếc cầu tre lắt lẻo vắt ngang và bạn hoàn toàn có thể dừng lại chụp những bức ảnh làm duyên với nó.
Càng đi sâu vào, càng thấy những bản làng còn khá nguyên sơ. Và thác Mây nằm ở cuối thôn Thượng, nơi hoang sơ nhất.
Đúng như tên gọi của nó, thác Mây trùng trùng, điệp điệp hết tầng này đến tầng khác. Từ xa nhìn thấy bạn đã không khỏi ngỡ ngàng. Dài độ 400 m, hàng chục thác nước được xếp tự nhiên như những con ruộng bậc thang, xung quanh là cây cối xanh mướt. Điểm đặc biệt ở đây là thác không trơn, dễ đi lại.
Thác Mây có nước quanh năm nhưng sẽ đẹp nhất vào độ tháng 8 trở đi. Hãy chọn đến đây vào những ngày nắng để thấy dòng nước trong xanh, róc rách suốt đêm ngày.
Thiên nhiên hữu tình, con người nơi đây cũng chất phác. Du khách muốn tận hưởng hết vẻ đẹp nơi đây có thể cắm trại hoặc xin nghỉ lại nhà dân. Cũng trên địa bàn huyện Thạch Thành còn có Thác Voi đã nổi tiếng từ rất lâu. Nơi đây được quy hoạch thành khu du lịch, có cả bể bơi. Nếu muốn, du khách có thể ghé thăm vào mùa tháng 9, tháng 10 nhiều nước.
2. Thác Mơ (xã Điền Quang, Bá Thước)
Qua cầu Cẩm Phong (Cẩm Thủy), rẽ quốc lộ 217 rồi đi theo hướng Bá Thước thêm khoảng 30 – 40 km nữa sẽ tới đường vào thác Mơ.
Bao nhiêu năm nay, Thác Mơ (hay còn gọi là thác Muốn) thơ mộng và kỳ thú, gắn liền với câu chuyện tình cảm động của đôi trai tài gái sắc. Trên đỉnh núi Muốn có một thung lũng rộng vài ha. Nước từ trong các khe núi đá chảy vào lòng thung lũng, từ đó đổ xuống sườn núi tạo thành nhiều tầng thác liên hoàn kế tiếp nhau.
Con thác Mơ rất dài. Nhiều người đã đếm được nơi đây có tới 43 thác nước lớn nhỏ. Ở đây có nước quanh năm nhưng đẹp nhất vào mùa xuân, mùa hè và cuối thu.
Khi ấy dòng thác hiền hoà, mộc mạc, lại nồng nàn như người con gái Mường Khô nơi đây. Có nơi thác đổ rào rào, nơi lại khẽ khàng, róc rách. Có thác nước mềm mại, nơi lại cao vút, trút nước cuồn cuộn, bọt tung trắng xóa. Nhấc đôi chân trần đi trên những tảng đá vôi, ngây ngất ngửi mùi hương nồng nàn của các loài hoa rừng không còn gì dễ chịu bằng.
Thác chảy qua những lùm cây, không trơn nên chuyện đi lại, nghỉ ngơi dễ dàng. Bạn chinh phục từ dưới chân lên đỉnh thác mà không hề có cảm giác mệt nhọc.
Xen lẫn những thác lớn nhỏ là hệ thống hang động rất đẹp toạ lạc xung quanh như Hang Mộng, Hang Bụt và Hang Bến Bai. Trong hang có nhiều nhũ đá rủ xuống thành những hình thù kỳ diệu. Đây quả là một điểm đến lý tưởng trong tour khám phá miền Thượng du của Thanh Hóa.
3. Thác Hươu (Cổ Lũng, Bá Thước)
Thác Hươu cách thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) khoảng 25 km. Điểm kỳ thú ở đây là tất cả cây cối, đồ vật nơi có dòng nước chảy qua đều “hóa đá”.
Dòng nước từ thác Hươu chảy ra có nhiều chất đá vôi, tạo nên dòng nước đặc biệt trong xanh, nhưng cũng tạo nên những đông kết giữa nền và đôi bên bờ suối. Nhiều lúc trời mưa to, dòng nước trắng xóa bột đá vôi. Chính đặc tính lạ này đã khiến những cây cối, đồ vật gặp trong dòng chảy đều bị hóa đá.
Nơi khởi nguồn của dòng suối Hươu là từ một hang đá thuộc dãy núi đá hùng vĩ của sơn hệ đá vôi Pù Luông – Cúc Phương. Theo người dân trong vùng suối chảy quanh năm không bao giờ cạn.
Mùa mưa lũ, thác gầm réo, nước từ màu xanh đổi thành màu trắng đục như nước gạo, nước đậu nành. Do núi đá vôi bị nước xói mòn, những đá non tan ra mà tạo nên lượng vôi lỏng lớn như vậy. Những ngày không bão tố, dòng suối hiền hòa, mặt nước trong xanh. Nơi nhẹ nhàng róc rách, nơi nước trút ầm ầm vô cùng thi vị.
Chiều dài dòng thác khoảng 800 m. Nếu nhìn từ đỉnh, dòng nước chảy đến lưng chừng núi thì tách ra thành 2 nhánh, đổ về 2 hướng khác nhau và hợp lại ở cuối dòng.
Ngay phía ngoài chân thác còn có một “hồ bơi” tự nhiên. Sau một hồi lội thác trở về, du khách nên ra đây tắm rửa. Mực nước ở đây chỉ hơn 1 m, phía dưới là cát nên ai ưa mạo hiểm có thể thỏa sức bay nhảy.
Nơi đây đã hình thành một điểm du lịch, có hệ thống nhà sàn cho du khách nghỉ dưỡng. Nằm trên nhà sàn với vài chiếc gối tựa, du khách ngắm cảnh núi rừng, tận hưởng những giờ phút thư thái tuyệt vời.
Thêm vào đó, con đường đến thác quanh co, uốn lượn rất thơ mộng. Những người ưa thích tìm hiểu văn hóa dễ dàng tìm thấy những nét độc đáo trong hệ thống tưới tiêu của người dân tộc với những guồng nước nối nhau, những ống luồng dẫn nước tưới từ trên cao…
Du khách còn có thể khám phá những hang động bên trong dòng nước. Trong đó, hang đẹp nhất là hang Tình yêu, rộng khoảng 3 m, sâu 10 m, với nhũ đá long lanh đủ màu sắc, mát rượi.
Khách du lịch có thể đi từ Mai Châu (Hòa Bình) đến bản Kịt, Lũng Cao (Bá Thước) qua Thác Hươu, Cổ Lũng đến hang Ma (bản Cốc, Hồi Xuân, Quan Hóa) và một số điểm du lịch khác trong vùng.
Theo Phan Dương (NISAVA)
NISAVA TRAVEL!