(Tiếp theo) – Sàigòn rộng lớn, phát triển mạnh cả về kinh tế và du lịch. Sản phẩm du lịch thì thành phố mình không thiếu do nơi đây có nhiều Di tích Lịch sử, công viên văn hóa… Tuy nhiên, thắng cảnh núi non chỉ là con số 0 – muốn ngắm nhìn thành phố trên cao chỉ có nước lên những nhà chọc trời, thứ mà thành phố ‘hiện đại’ nhất nước này có nhiều.

Bọn mình thích ngắm cảnh vật từ trên cao nhưng không xa nhà, vậy nên chỉ có thể đến những địa phương lân cận. Những đỉnh cao còn lại ven TP HCM có lẽ nay chỉ còn núi Bửu Long và núi Châu Thới – ngọn núi thấp mà ngày nay chỉ còn sót lại một đỉnh duy nhất do trên đó có chùa cổ và là thắng cảnh Di tích Lịch sử – Văn hóa QG. Miệt đồng bằng phía Nam núi non không nhiều, chả bù với miền Trung hay miền Bắc đâu, nhiều đến mức không kể xiết được.

< Nhìn về hướng mỏ đá Tân Đông Hiệp. Ngày xưa đây cũng là một ngọn núi thấp, nay đã ‘phẳng’ rồi.

Trở lại với chủ đề chùa Châu Thới, mình xin trích lại một phần lịch sử hình thành chốn ni:

< Chiếc hồ khá thơ mộng bên dưới cũng từ khai thác đá ngày xưa tạo thành. Ngày nay, quanh núi Châu Thới được ‘khuyến mãi’ thêm nhiều hồ khác!

Sách cổ “Gia Định Thành Thông Chí” đã viết: “Núi Chiêu Thới (Châu Thới) từng núi cao xanh, cây cối lâu đời rậm tốt, làm tấm bình phong triều về Trấn thành.

< Quanh triền núi là cây cỏ xanh um.

Ở hang núi có hang hố và khe nước, dân núi ở quanh theo, trên có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành, ngó xuống đại giang, du khách leo lên thưởng ngoạn có cảm tưởng tiêu dao ra ngoài cửa tục” (có sách cho là do thiền sư Thành Nhạc – Ẩn Sơn khai sơn và viên tịch tại nơi này vào ngày 17/12/1776).

< Nếu chú ý nhìn kỹ, ta có thể thấy những tòa cao ốc chọc trời tại TP HCM, ví dụ như tòa tháp Bitexco…

Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” cũng miêu tả khá rõ núi và chùa Châu Thới gần giống như trên: “Núi Chiêu Thới tục gọi là núi Châu Thới, ở phía Nam huyện Phước Chính 21 dặm, từng núi cao tít làm bình phong cho tỉnh thành.

< Hồ nước tĩnh lặng dưới chân núi, có cũng do khai thác đá. Do hồ đã khá thâm niên nên cây cỏ phủ xanh um, đẹp nếu không có những đống đá bên cạnh.

Ngày xưa, khoảng giữa núi Chiêu Thới có am Vân Tĩnh là nơi ni cô Lượng tĩnh tu, nay vẫn còn di chỉ. Đột khởi là một gò cao bằng phẳng rộng rãi, ở bên có hang hố và nước khe chảy quanh, nhà của nhân dân ở quanh theo. Trên đỉnh có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Khánh Long trác tích tu hành. Năm Bính Thân, đạo Hoà Nghĩa là Lý Tài chiếm cứ Châu Thới tức là chỗ này. Năm Tự Đức thứ 3 (1850) đem núi này liệt vào tự điển”.

< Nhiều tượng rồng vàng bay vây quanh khuôn viên chùa.

Cổng chùa bằng đá dưới chân núi có đề tên Chùa bằng chữ Hán “Châu Thới Sơn Tự”.

Du khách bước lên 220 bậc thềm sẽ đến cổng tam quan có ba mái cong và bánh xe pháp luân nằm ở giữa đỉnh, hai bên cửa có mấy chữ “Từ bi – hỉ xả…”.

< Một trong 2 tượng Phật Bà Quan Âm trong khuôn viên.

Giữa giảng Phật đường có tấm biển đề 4 chữ “Châu Thới Sơn Tự”, trên biển có ghi thêm dòng chữ “Tân Dậu niên, chánh ngoạt sơ kiết nhật” (ngày tốt đầu tháng giêng năm Tân Dậu), bên dưới ghi rõ hàng số 1612 (có thể hiểu Chùa được xây năm 1612).

< Vừa là cổng qua một khuôn viên khác, cũng chính là thân rồng.

Về nguồn gốc ngôi chùa, sách “Sơ khảo Phật giáo Bình Dương” viết: “Ngôi chùa đầu tiên ở vùng đất Bình Dương ngày nay được xây vào khoảng năm 1612, do thiền sư Khánh Long, trên bước đường vân du hoằng pháp lên đồi Châu Thới thấy cảnh hữu tình, Sư cất một thảo am nhỏ để tu tịnh, thảo am được gọi là chùa Hội Sơn, sau đổi tên thành chùa núi Châu Thới”.

< Phẹc, hồ nước đẹp chộp hoài hổng chán…

Nhưng sau mấy trang, tác giả cuốn sách này lại tỏ ra hồ nghi và cho rằng năm thành lập Chùa (1612) như nói trên là không hợp lý. Trước hết, 1612 không phải là năm Tân Dậu mà là năm Nhâm Tý; hơn nữa, đó là thời điểm quá sớm so với việc định cư số đông của người Việt tại vùng đất mới này. Rồi tác giả đưa ra nhận định: “Chùa lập vào năm 1681 và sau này ngài Thành Nhạc trùng tu và hành đạo nơi đây thì hợp lý hơn”.

< Có chán thì chán cái xưởng này ở mé chính Đông: CTy Cổ phần Bê Tông 620. Một trong những thủ phạm đang ‘măm’ dần quả núi.

Theo nhiều bài viết về chùa cổ ở Nam Bộ đều cho biết, những ngôi chùa xưa nhất ở Nam Bộ đã được xây dựng vào nửa sau thế kỷ XVII. Chẳng hạn sách “Những ngôi chùa cổ Nam Bộ” đã viết: “Ba ngôi chùa cổ là Bửu Long, Long Điền và Đại Giác tiêu biểu cho những điểm trụ tích đầu tiên của sơ Tổ Phật giáo Nam Bộ. Chùa Bửu Long nguyên chỉ là am nhỏ được thành lập nên từ giữa thế kỷ XVII. Chùa Long Điền (Tổ đình Sơn môn Nam Việt) lập 1664. Chùa Đại Giác được lập vào cuối thế kỷ XVII”.

< Bạn thấy cái anh chàng áo xanh trong ảnh không? Cậu chàng này lang thang trong khuôn viên, cũng vờ chăm chú như cầu nguyện trước Phật. Vậy nhưng thấy phụ nữ là xẹt đến… xin tiền – đổ lỗi do ‘mất ví’ nên không có phí đổ xăng… dìa. Không cho thì lại lòng vòng ‘niệm Phật’ và tìm người khác xin  tiếp! Chán cái anh này: to con, bô giai… nhưng lại thiếu kỹ năng ‘làm ăn’ chân chính.

< Ở góc Đông Bắc nhìn xuống thấy nhà bia Liệt sĩ hình bát giác bên dưới, ngay đoạn nghỉ của đường lên.

Theo các cứ liệu dẫn trên, năm Tân Dậu ghi trên biển chùa núi Châu Thới lập vào năm 1681 là thời điểm hợp lý hơn cả. Nhưng cho dù được thành lập vào năm 1681, chùa núi Châu Thới ở huyện Dĩ An hiện nay vẫn là ngôi chùa xưa nhất Bình Dương và được hình thành sớm vào hàng đầu ở Nam Bộ.

< Trên chùa núi Châu Thới có khá nhiều khỉ. Khỉ ở ơi này có lẽ do ở chốn tu hành nên hiền từ (ta có thể mua đậu cho ăn), không ‘đầu gấu’ như tại đảo Khỉ (Nha Trang).

Trong thời Pháp thuộc, nhờ vào địa thế hiểm trở và cảnh u tịch thanh vắng của ngôi chùa núi, nhiều người yêu nước thường đến đây ẩn náu, tụ hợp để hoạt động chống Pháp: Vào năm 1916, các hội viên của “Thiên Địa Hội” thuộc vùng Dĩ An – Lái Thiêu đã đến chùa Châu Thới tập võ nghệ mưu tính việc chống lại bọn cai trị người Pháp…

< Lang thang lòng vòng rồi trở ra. Kéo tay áo, nhìn giờ thì mới hay đồng hồ đeo tay đã bỏ quên trong phòng tắm ở nhà, ĐTDĐ cũng chả mang theo, giờ máy ảnh cũng không chuẩn do tháo pin mấy tháng rồi.
Thôi thì, giờ này hơn hổi nãy… một giờ, đoán mò khoảng 4h chiều.

< Ngắm nghía con đường lên xuống núi tuyệt đẹp rồi nhận thấy có một gia đình chim sẻ đang rỉa lông, xin tấm ảnh nghe các bác!

< Dốc gần… quá hớp! Lúc lên đoạn này, mình giảm tốc do ngại có xe chiều nghịch, vậy nên phải trả về số 1 để bò lên.

Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa núi Châu Thới không còn lưu giữ được đầy đủ những long vị và Tháp của các vị thiền sư khai sơn mà chỉ thờ các tổ bằng tượng gỗ chạm và một số long vị của các hoà thượng đời sau này. Kiến trúc hiện nay được xây dựng năm 1954, tam quan xây dựng năm 1970. Ngôi chánh điện được Hòa thượng Viện chủ Thích Huệ Thông và Thượng tọa trụ trì Thích Minh Thiện tổ chức đại trùng tu từ năm 1992 đến năm 1995.

< Nhánh rễ bám theo vách núi trông thật độc đáo. Trên những nhánh này, người ta thắt rất nhiều nút bằng ống hút xanh đỏ – Có lẽ là một cách cầu may hay xin hạnh phúc gì đó.

< Lên dốc giảm tốc là đúng, nếu không có thể ‘i love you’ cái gốc cây giữa đường ni là trực chỉ phòng cấp cứu ngay!

Tuy nhiên, chùa vẫn còn bảo tồn nhiều pho tượng cổ và tượng qúi như bộ tượng Di-đà Tam Tôn và tượng Phật Thích-ca bằng đồng, cao 3m, bộ tượng Thập bát La-hán, Thập Điện Minh Vương bằng đất nung, tượng Bồ-tát Quán Thế Âm bằng gỗ mít và một số tượng Phật, tượng Bà Chúa Xứ bằng đá xanh. Chùa là một danh lam thắng cảnh của Bình Dương, hằng năm đón tiếp hàng vạn du khách, Phật tử đến tham quan, chiêm bái. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

< Ngắm cho thỏa xong thì xuống núi. Bọn mình bàn nhau thía này: anh đi xe, chạy xuống đường cũ – còn em đeo máy ảnh xuống theo đường bậc thang. Vậy là ta có kiến thức và ảnh ‘đủ đường’.
Dzị nên mình trở xuống đường này. Ghé lầu Bát giác có cảnh rất đẹp nhưng thiếu… máy chộp – Tiếc rẻ, dòm ngó thêm tí và goodbye.

Hẹn bài sau mình đưa ảnh lối bộ hành cùng một số thông tin về tên gọi địa danh ‘Núi Châu Thới’ nhé.

Còn tiếp
Phần 1 – Phần 2 – Phần 3 – Phần 4

Điền Gia Dũng
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *