(Cinet) – Bạc Liêu không chỉ được thiên nhiên ưu đãi cho những bãi cát trắng mênh mông, núi non trùng điệp, bạt ngàn tràm, đước… mà còn có những địa danh khiến bất cứ du khách nào cũng muốn dừng chân.
+ Sân chim Bạc Liêu
Hệ thống sân chim, vườn chim Bạc Liêu là những điểm du lịch sinh thái ưa thích của du khách trong và ngoài nước. Sân chim Bạc Liêu đã góp phần tạo nên bức tranh thiên nhiên sinh động, phong phú, thu hút du khách đến với Bạc Liêu.
Với hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên trên diện tích khoảng 385 ha, trong đó có 19 ha rừng nguyên sinh, sân chim Bạc Liêu là sân chim tự nhiên và hoang dã lớn (khoảng 160 ha diện tích) chỉ cách thành phố Bạc Liêu 6 km về hướng biển thuộc xã Hiệp Thành. Sân chim Bạc Liêu là nơi làm tổ của nhiều loài chim nước, điển hình là các loài le le, cò, diệc, vạc, còng cọc, quắm đen… Các loài chim thường tụ tập nhiều vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10).
Sân chim Bạc Liêu nằm trên tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh (Sân Chim – Vườn nhãn – Chùa Xiêm Cán – Biển). Ngoài ra, ở Bạc Liêu còn có nhiều vườn chim tự nhiên nằm rải rác ở các huyện Đông Hải, Giá Rai và Phước Long.
+ Đồng muối Bạc Liêu
Vốn là nơi cung cấp số lượng muối lớn cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên cánh đồng muối là nét đặc thù của tỉnh Bạc Liêu. Với lợi thế 56km bờ biển, Bạc Liêu có ruộng muối hơn 2.500ha, tập trung ở huyện Đông Hải, Hòa Bình và TP.Bạc Liêu. Từ vụ muối 2015 đến nay, diêm dân thu hoạch gần 220 ngàn tấn.
Những cánh đồng muối ở đây được chia thành từng ô, từng hàng, chạy dài thẳng tắp. Muối kết tinh trong những ô trắng, lấp lánh dưới ánh nắng. Biển Bạc Liêu khá sạch, độ mặn cao nên muối tốt và thu hoạch nhanh. Tận dụng lợi thế này nên người dân ở đây chăm chỉ lao động để cho ra những hạt muối trắng ngần.
+ Chùa Xiêm Cán
Nếu du khách muốn biết kiến trúc và phong cách của một ngôi chùa Khmer ở Bạc Liêu ra sao thì điểm dừng chân lý tưởng là ngôi chùa Xiêm Cán nằm cách thành phố Bạc Liêu khoảng chừng 7 cây số (cùng đường đi đến sân chim Bạc Liêu).
NISAVA
Xuyên qua hàng cây xanh mát từ quốc lộ vào, du khách đều không khỏi ngỡ ngàng bởi chùa được trang trí nhiều họa tiết, hoa văn, cùng với những đường nét chạm trổ, điêu khắc hết sức độc đáo.
Chùa Xiêm Cán là ngôi chùa đặc trưng của người Khmer tại Bạc Liêu, được xây dựng vào thế kỷ XIX trên khuôn viên rộng đến 50.000m². Ngôi chùa này có khuôn viên rất rộng, quang cảnh thoáng đãng và hai màu chủ đạo là màu vàng với màu đỏ.
Từ xa du khách đã có thể quan sát cổng chùa màu vàng, với kiến trúc tinh vi, đặc sắc. Bên trên cổng có tạo hình 3 ngọn tháp kiểu Ăng-ko được trang trí bằng hình rắn nhiều đầu và được thợ điêu khắc tạo hình rất công phu. Từ cổng đi vào khuôn viên chùa tầm 100 mét. Hai bên đường đi thông thoáng, sạch sẽ, mát mẻ với hai hàng cây trồng dọc theo đường đi.
NISAVA
Chùa là quần thể kiến trúc gồm chính điện, sala (nhà hội của các sư sãi và tín đồ chuẩn bị trước khi đi ra chánh điện hành lễ), nhà ở của các sư sãi và tháp đựng hài cốt, am. Chùa Xiêm Cán là nơi thể hiện rõ nhất nét văn hóa tín ngưỡng, tập tục của người Khmer ở Bạc Liêu.
+ Phước Đức cổ miếu
Phước Đức cổ miếu là ngôi miếu lâu đời nhất của người Hoa sống ở Bạc Liêu, được xây dựng vào năm 1810. Đây là một di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo của người Hoa ở Bạc Liêu. Ngôi miếu cổ này hiện tọa lạc ở số 74 đường Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu.
Phước Đức cổ miếu còn gọi là chùa Bang, trước đây ngôi miếu này được dựng bằng cây lá đơn sơ và thờ các vị thần như Bổn Đầu Công (ông Bổn), Quan Đế, Thần Nông, Thổ công, ông bà Công Mẫu… trong đó thờ Ông Bổn là chính.
Toàn bộ ngôi miếu là một kiến trúc nghệ thuật quy mô và hoàn mỹ từ đầu kèo, đầu xiên cho đến các linh thú và hoa văn trên các khánh thờ đều được chạm khắc tinh tế. Từng bộ phận trong miếu là một cổ vật có giá trị nghệ thuật cao bởi chúng đã tồn tại trên 100 năm. Phước Đức cổ miếu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
+ Tháp cổ Vĩnh Hưng
NISAVA
Cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 20 km, tháp cổ Vĩnh Hưng ở xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tháp Vĩnh Hưng là di tích cổ duy nhất mang dáng dấp nghệ thuật kiến trúc thời Ăng-ko của người Khmer còn được bảo tồn cho đến nay ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tháp cổ Vĩnh Hưng được xây dựng khoảng vào thế kỷ thứ IX sau Công nguyên, để thờ một vị vua Khmer có tên là Yacovar – Man. Tháp Vĩnh Hưng được dựng trên một doi đất, chân tháp hình chữ nhật, một cạnh dài 5,6m, cạnh kia dài 6,9m, cao 8,9m và được xây bằng gạch khép kín, dù nhìn kỹ vẫn không thấy vữa kết dính (đỉnh tháp đã bị sập).
Cấu trúc của tháp gồm một gian hình chữ nhật, tường dày, nóc cao uốn thành hình vòm với 1 cửa chính. Trong tháp có một bàn tay tượng thần, một phần thân dưới của tượng nữ thần, tượng nữ thần bằng đá xanh, tượng nữ thần Brahma mặt bằng đồng, đầu tượng Phật bằng đồng và một số vật thờ khác.
Hiện nay tháp cổ Vĩnh Hưng ngoài là địa điểm tham quan du lịch, còn là địa điểm để các nhà khảo cổ đến đây tìm hiểu, nghiên cứu. Nhiều lần nơi đây đã khai quật và tìm được các mảnh gốm thuộc nền văn hóa Óc Eo.
+ Vườn nhãn cổ trên trăm tuổi
Vùng đồng bằng sông Cửu Long là xứ sở của vườn cây ăn trái, trong đó nhãn là loại cây được nhiều tỉnh trồng nhất, đặc biệt là ở các cù lao/cồn. Bạc Liêu tự hào có được vườn nhãn cổ trên trăm tuổi, với những cây nhãn cổ thụ mấy người ôm không xuể. Vườn nhãn này nằm song song với bờ biển, cách trung tâm thành phố Bạc Liêu 6 km và cách bờ biển 3 km với diện tích trên 50 ha, chạy dài gần 7 km, từ phường Nhà Mát đến xã Vĩnh Trạch Đông.
NISAVA
Vườn nhãn cổ Bạc Liêu là điểm đến du lịch của du khách khi đến với Bạc Liêu. Các Tour du lịch miền Tây sinh thái miệt vườn thường đưa du khách đến đây dạo chơi và ngắm cảnh. Du khách cũng rất thích thú khi được thoải mái tạo dáng chụp hình bên những gốc nhãn cổ trên trăm tuổi.
Đến tham quan khu du lịch này vào đúng mùa, du khách sẽ được thưởng thức mùi vị quyến rũ của những chùm nhãn thơm ngon hoặc những món đặc sản biển nổi tiếng ở xứ “dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu”. Đặc biệt, du khách còn được thưởng thức bài hát “Dạ cổ hoài lang” do chính các nghệ sĩ miệt vườn ở “cái nôi” của đờn ca tài tử Nam bộ thể hiện. Giữa không khí thanh mát, ngồi trong vườn ăn món đặc sản nghe những giai điệu đờn ca tài tử có một không hai thật không thú nào bằng.
+ Nhà Công tử Bạc Liêu
Đây là địa điểm du lịch khiến nhiều du khách tò mò tìm đến nhất khi đến với Bạc Liêu. Nhà công tử Bạc Liêu gắn liền với giai thoại các chàng công tử Bạc Liêu nổi tiếng vùng Lục tỉnh Nam Kỳ xa xưa. Nhà công tử Bạc Liêu nằm ở số 31, Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu. Ngày nay khu nhà công tử Bạc Liêu đã chuyển thành khách sạn công tử Bạc Liêu.
Cũng giống như nhà cổ Bình Thủy ở Cần Thơ, nguyên vật liệu xây dựng cho ngôi nhà này được đặt ở Pháp và chở từ Pháp về. Với thiết kế theo phong cách Pháp và vật liệu chuyển từ Pháp sang, đây được xem là ngôi nhà bề thế nhất Nam Kỳ lục tỉnh đầu thế kỷ XX.
Ngoài việc tham quan, tìm hiểu kiến trúc, hiện vật lịch sử, du khách còn có dịp nghe kể về cuộc đời “dân chơi” của công tử giàu nhất miền nam thời bấy giờ. Sau khi xem và tham quan nhà công tử Bạc Liêu cùng với những đồ vật trang trí, nội thất trong nhà, du khách sẽ hiểu rõ vì sao ngày xưa, những chàng công tử Bạc Liêu có gan “đốt tiền nấu trứng” như nhiều giai thoại thường kể.
+ Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu là nơi an nghỉ cuối cùng của tác giả bài Dạ cổ hoài lang nổi tiếng. Đến thăm Khu lưu niệm Cao Văn Lầu du khách được nghe giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của ông, quá trình phát triển nghệ thuật từ bản Dạ cổ.
NISAVA
Du khách cũng có dịp tham quan miễn phí các phòng trưng bày hình ảnh về trang phục, nhạc cụ, mô hình sáp về đờn ca tài tử…
+ Khu du lịch Nhà Mát
Khu du lịch Nhà Mát thuộc phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu. Đây là khu du lịch nghỉ mát, sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với khu vui chơi giải trí lớn nhất ở vùng Bạc Liêu, nổi bật trong đó có khu bãi tắm nhân tạo nằm trong khu du lịch Nhà Mát ở ven bờ biển Bạc Liêu.
Ấn tượng đầu tiên khi đến với Khu du lịch Nhà Mát là cổng vào khu bãi tắm hình con bạch tuộc nâng chiếc thuyền nhìn khá đẹp mắt. Ở khu bên trong bãi tắm có dãy núi nhân tạo, hang động với một chiếc đờn kìm lớn. Chủ ý của việc làm này để chỉ vùng đất Bạc Liêu là địa danh gắn liền với nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ cùng với cố soạn giả Cao Văn Lầu rất nổi tiếng với bài “Dạ cổ hoài lang”.
NISAVA
Với quy mô “không kém cạnh” gì các khu du lịch lớn ở Sài Gòn như Suối Tiên, Đầm Sen… Khu du lịch Nhà Mát cũng được xem là một địa điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến với Bạc Liêu.
+ Cánh đồng quạt gió Bạc Liêu
Từ thành phố Bạc Liêu theo đường Cao Văn Lầu đi ra phía biển, ở địa phận ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông là Nhà máy điện gió mới được hoàn thành.
Khoảng cách từ trung tâm thành phố đến nhà máy khoảng gần 20km, nhưng từ cách xa cả chục cây số, du khách đã có thể nhìn thấy những trụ turbine lắp cánh quạt quay đều như những chong chóng khổng lồ in trên nền trời. Đây là điểm chụp ảnh yêu thích của nhiều du khách nhất là các bạn trẻ khi đến với Bạc Liêu.
Nguyên Hà (Cinet)
NISAVA TRAVEL!