(QTO) – Các điểm bí mật vượt đường 9 là tên gọi của một cụm di tích nằm trong hệ thống di tích Ðường Hồ Chí Minh (Ðường Trường Sơn).

Các điểm này bao gồm những cầu cống với các tên gọi: Cầu Khe Xom, Cầu Xom Rò, Cầu Cu Tiền nằm trên quốc lộ 9 từ km 41 đến km 47 phía Tây Thành phố Ðông Hà, thuộc địa phận huyện Ðakrông. Di tích đã được Bộ VHTT xếp hạng cấp quốc gia theo Quyết định số 236/ QÐ-VH ngày 12 tháng 12 năm 1986, nằm trong hệ thống di tích Ðường mòn Hồ Chí Minh – hệ thống di tích được xếp hạng đặc biệt quan trọng của quốc gia.

Các cầu cống này nằm trên con đường số 9 do người Pháp xây dựng từ năm 1914. Tất cả đều làm bằng xi măng, cốt thép, bên trên là cầu với lòng đường chưa đầy 5m, rãi nhựa; bên dưới là các cống ngầm có đường kính rộng từ 1,2m đến 1,5m bắc qua các lòng suối cạn để thoát nước  từ các đồi núi phía hữu ngạn xuống sông Ðakrông.

Trong kháng chiến chống Pháp, những địa điểm này từng là các điểm vượt đường 9 thuộc đường dây của Liên khu Bình Trị Thiên với nhiệm vụ chuyển cán bộ, thư từ, hàng hóa nối các vùng chiến khu với nhau và với Khu IV, Khu V. Sau Hiệp định Genève, những địa điểm này cũng là các điểm tập kết của đường dây bí mật đưa những cán bộ cách mạng còn lại của ta ở miền Nam ra miền Bắc.
NISAVA
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, người Mỹ và chính quyền miền Nam đã xây dựng, nâng cấp để biến quốc lộ 9 thành một con đường chiến lược nối Quảng Trị/Việt Nam với các nước Lào, Campuchia nhằm thực thi một kế hoạch xâm lược và thiết lập chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn Ðông Dương. Ðồng thời, sử dụng quốc lộ 9 như một tuyến hành lang chiến lược Ðông – Tây để phòng thủ trực tiếp, ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, kiểm soát các hoạt động của lực lượng cách mạng trên các vùng rừng núi.

Từ những ý đồ đó, bên cạnh việc thiết lập một tuyến phòng thủ bằng hệ thống căn cứ quân sự với các cứ điểm hỏa lực mạnh nối Ðông Hà/Quảng Trị với Nam Lào, Mỹ – ngụy đã tập trung sửa chữa lại các cầu cống, mở rộng lòng đường, rãi nhựa để xây dựng con đường 9 thành tuyến giao thông huyết mạch chuyên chở các phương tiện chiến tranh, tổ chức các cuộc càn quyét chống phá phong trào cách mạng của ba nước Ðông Dương. Cùng với hàng rào điện tử Mc.Namara, Mỹ – ngụy ra sức xây dựng tuyến phòng thủ đường 9 với việc thiết lập một hệ thống đồn bốt dày đặc và thường xuyên có một lực lượng quân đội đi tuần tiễu, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động trên con đường này suốt ngày đêm, đặc biệt là đọan đường từ Cam Lộ đến Lao Bảo. Chính vì thế, việc mở một tuyến hành lang vận chuyển chiến lược băng qua con đường bị địch khống chế chặt chẽ này là một việc vô cùng khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được.

Mặc dù vậy, do yêu cầu của chiến trường, không thể không mở tuyến đường giao thông bí mật vượt đường 9 để nối liên lạc giữa hai miền, nhất là chi viện vũ khí, thuốc men, lương thực cho quân giải phóng miền Nam.

Nhận thức được nhiệm vụ quan trọng này, từ sau năm 1954, Khu ủy Trị – Thiên đã đề nghị Ban Thống nhất Trung ương (bấy giờ là Ðặc khu Vĩnh Linh) xin mở đường dây thống nhất và ngay sau đó, đề nghị này đã được chấp nhận. Những người tham gia phụ trách và trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường dây thống nhất lúc bấy giờ là các đồng chí Phùng Vạn, Lê Hạnh, Phan Du…

Về sau, khi đường dây vận tải chiến lược 559 được hình thành và đi vào hoạt động thì đường dây thống nhất sát nhập với đường dây 559 (từ tháng 6 năm 1959) do đồng chí Võ Bẩm trực tiếp chỉ đạo.
NISAVA
Ngay từ đầu, các chiến sĩ đường dây đã có cách giải quyết thông minh: họ đã lợi dụng các cống ngầm thoát nước ở những đoạn đường thích hợp để xuyên qua đường 9 một cách bí mật. Tại các địa điểm thuộc cầu Khe Xom, Xom Rò, Cu Tiền, những đoàn cán bộ, chiến sĩ cùng hàng hóa đi vào phía Nam đều theo phương thức gùi thồ là chủ yếu.

Họ bắt đầu từ Vĩnh Linh bên bờ Bắc, sau đó vượt sông Bến Hải đi vào vùng tạm chiếm ở bờ Nam đến các trạm tập kết ở phía hữu ngạn sông Ðakrông (như ở suối Ba Ngào, cách đường 9 chừng non cây số), đợi trời tối mới được các giao liên dẫn đường vượt qua quốc lộ 9 bằng cách chui qua các cống ngầm; sau đó vượt sông Ðakrông, chuyển hàng đi lên theo thuyền thúng.

Khi vượt qua đến bờ tả ngạn, họ lại đi ngược suối Mò Ó ở thôn Chân Rò để đi tiếp vào Ba Lòng, A Lưới theo các con đường núi để giao hàng cho Khu V. Nhờ có 2 trạm chuyển tiếp ở Bắc (trạm 6) và Nam đường 9 (trạm 7) cùng với sự giúp đỡ, bảo vệ của đồng bào dân tộc Vân Kiều hai bên đường 9 nên mặc dù địch đánh phá ác liệt, thường xuyên tuần tra, lùng sục nhưng đường dây vẫn được bảo đảm bí mật, an toàn.

Từ năm 1954 đến năm 1971, các điểm bí mật vượt đường 9 trên tuyến vận tải gùi thồ của đường dây 559 đã cùng với các tuyến đường khác ở Ðông và Tây Trường Sơn đã góp phần đưa đón hơn 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ, vận chuyển được 16.136 tấn hàng gùi thồ cùng hàng tấn tài liệu, sách báo từ miền Bắc vào miền Nam.

Có thể nói, tuyến vận tải bí mật vượt đường 9 bằng con đường gùi thồ là con đường đầu tiên và là tiền thân của cả một hệ thống đường vận tải chiến lược xuyên Trường Sơn sau này. Với vai trò của mình, tuyến đường dây này đã góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc.
NISAVA
Các cầu cống thuộc di tích này từ trước những năm 90 của thế kỷ XX do ngành giao thông quản lý. Từ năm 1998, sau khi dự án nâng cấp quốc lộ 9 hoàn thành thì các cầu cống này đã bị tháo dỡ để xây dựng mới hoặc trở nên hoang phế, không phát huy tác dụng do đường bị nắn sang hướng khác. Cho đến nay cũng chưa có một kế hoạch cụ thể nào từ phía cơ quan chức năng để đầu tư tôn tạo các di tích này. Hy vọng những giá trị lịch sử mà các điểm bí mật vượt đường 9 trong tuyến đường dây 559 sẽ mãi mãi ở lại trong lòng các thế hệ mai sau thông qua những kế hoạch giữ gìn, tôn tạo sẽ được thực hiện trong nay mai, góp phần hình thành các điểm tham quan cho khách du lịch khi đi lại trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây.

Theo Nguyễn Văn Dương (Dulich.Quangtri)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *