(NNVN) – Gửi xe ở trụ sở UBND xã Chư Băh, tôi theo chân những tay “săn” lan lão luyện, lặn lội vào những cánh rừng hun hút thuộc thung lũng Ayun Pa (TX. Ayun Pa, Gia Lai) mộng mơ. Một ít thực phẩm và nước uống nhét vội vào ba lô, chúng tôi lên đường.

Chúng tôi đi săn lan rừng

Bây giờ đã là mùa xuân. Mùa xuân Tây Nguyên khác với mùa xuân ở đồng bằng và những nơi khác: Mùa xuân ở đây là nắng, là gió, và cả rét nữa. Nắng vàng ươm nhuộm tím khắp thung xa lũng gần. Gió vô tư sải cánh trên bạt ngàn thảo nguyên mênh mang. Và rét thì dịu ngọt, mơn trớn da thịt thơm nồng của thiếu nữ J’rai…
Mấy chiếc xe máy gào thét vượt hàng chục cây số đường rừng, chở chúng tôi vượt qua bao đèo dốc sỏi đá, rồi ổ gà ổ voi, chở theo cả sự háo hức của những người đi tìm Nghinh Xuân chúng tôi.

Lại giấu xe máy vào bụi rậm, chúng tôi đạp rừng mà đi, hàng chục cây số đường rừng. Nói là rừng, nhưng giờ đã thưa thớt đi phần nào. Tuy nhiên, những bạt ngàn cánh rừng bằng lăng cũng cho chúng tôi cảm giác rằng mình đang có mặt nơi “thâm sơn cùng cốc” của đại ngàn Tây Nguyên. Và mới biết, mùa xuân nơi đây đã đến tự lúc nào – trên những cành cây cao chót vót, nơi những đóa Nghinh Xuân rực rỡ khoe sắc giữa đại ngàn hùng vỹ.

Chúng tôi đi tìm Nghinh Xuân.

Cái tên “Nghinh Xuân” mỹ miều này là do người ở phố đặt cho, bởi nó là dòng lan rừng nở vào đúng dịp mùa xuân – nghinh (nghênh) xuân – chào đón mùa xuân. Tuy nhiên, ngoài cái tên này, và ngoài cái tên khoa học dài ngoằng ngoẵng khó đọc thì người dân nơi đây vẫn trìu mến gọi nó bằng cái tên mộc mạc, dân dã: Phong lan trâu.

Nghinh Xuân thuộc dòng rễ gió với bộ rễ to khỏe, luôn vươn ra ngoài đón nắng gió, đón sương đêm hào phóng của thiên nhiên, của đại ngàn để nuôi cành, nuôi lá và chờ mùa xuân về để nở hoa – để “Nghinh Xuân”. Lá Nghinh Xuân ngắn nhưng có bản to và dày, hoa chùm, nhiều màu nhạt với hương thơm dịu nhẹ.

Ấy là lý thuyết vậy thôi, nhưng để nhận biết giữa vô vàn các loài thực vật ký sinh trên cây rừng để biết đâu là lan – lại là Nghinh Xuân trong hàng ngàn loài lan rừng thì quả là không đơn giản chút nào. Có lẽ vì vậy nên khi về phố, với các loại lan khác, người bán tính tiền bằng cành, bằng chùm, riêng Nghinh Xuân thì… cân lên để bán, với giá bán cao hơn tất cả các loại lan rừng khác. NISAVA

Dừng lại bên một con suối nhỏ, tôi thở ra bằng… tất cả các lỗ trên cơ thể. Riêng Ma Đoan (người dẫn đường, cũng là tay săn lan lão luyện) thì vẫn tỉnh bơ, “ra lệnh”:

– Nghỉ xong, ta chia thành hai nhóm đi tìm lan. Khi mặt trời còn cách đỉnh núi phía trước đúng một con sào thì chúng ta tập trung tại đây. Trong lúc nghỉ, Ma Đoan tranh thủ “lên lớp” cho chúng tôi về kỹ năng tìm lan, nhất là Nghinh Xuân.
“Bài giảng” đại ý: Trong cả ngàn vạn loại cây rừng, phong lan chỉ chọn một số loại cây để ký sinh. Phong lan hay bén duyên với những cây mà nơi vỏ có nhiều khe hở, vì nơi đó có nhiều độ ẩm, dễ thích nghi với loài ký sinh như phong lan. Rồi là cách trèo lên cây cao an toàn, cách gỡ lan ra khỏi thân cây mà vẫn nguyên vẹn, rồi thì cách tụt cây xuống đất.

Theo cha đi rừng từ lúc còn… ở truồng, Ma Đoan đã lão luyện trong việc tìm lan rừng. Nhìn qua, anh có thể phân biệt được đâu là Hoàng Nhạn, Long Tu, Giáng Hương, Nghinh Xuân, Hoàng Lan, Vũ Nữ…
Chúng tôi tản ra đi tìm lan. Thì ra không phải mình đoàn chúng tôi mà còn có những người dân bản địa khác cũng đi săn lan rừng. Puih Leng (dân tộc J’rai) – một trong những người đàn ông mà chúng tôi tình cờ gặp, đang say sưa trên chót vót một tán bằng lăng cổ thụ. Tay trái cầm chùm Đoản Kiếm, tay phải bám vào thân cây, lão tụt dần xuống đất. – Gần chục năm tìm lan rừng, nhưng mùa lan năm nay ít người tìm được hoa đẹp.

Đợt trước đi ba ngày mới rời rừng, nhưng tiền bán lan chỉ đủ chi phí cho cả chuyến đi – Puih Leng nói. Đang lầm lũi, thoăn thoắt, đột nhiên Ma Đoan dừng lại giữa con dốc cao, mắt dõi lên tán bằng lăng chót vót: Anh ta đã phát hiện ra mùi hương đặc trưng của một nhánh Nghinh Xuân – dù rất cao, rất kín, dù hương của Nghinh Xuân không ngào ngạt như Quế Lan, Vũ Nữ hay Song Kiếm, Thủy Tiên…

– Quen rồi mà – Ma Đoan cười khiêm tốn. Vứt ba lô xuống đất, Ma Đoan như con sóc, thoăn thoắt trèo lên cây bằng lăng cao vút. Tôi ngước cổ đến rơi mũ, nhìn Ma Đoan nhẹ nhàng, cẩn thận gỡ từng chiếc rễ của nhành lan đang bám vào thân cây. Xong, anh ta dùng sợi dây nhỏ thủ sẵn từ lúc nào, cẩn thận buộc chéo nhành lan vào sau lưng và nhanh nhẹn tụt xuống.

Nghinh Xuân thì tôi không lạ bởi lúc còn đi dạy học ở vùng cao Vân Canh (tỉnh Bình Định), rảnh rỗi tôi vẫn thường theo các em nhỏ BahNar vào rừng tìm lan, bây giờ nó vẫn được bày bán trên những con phố ở phố núi Pleiku (Gia Lai), hay được cõng trên lưng của người dân bản địa đi bán rong. Tuy nhiên, cảm giác có được cành Nghinh Xuân giữa rừng, giữa mùa xuân và trải qua bao khó nhọc thì đây là lần đầu. Vẫn những cái lá ngắn, bản to mà dày, nơi tiếp nối giữa bẹ lá và thân lan, nhú ra cuống hoa dài bằng gang tay, mới chỉ là búp, chưa bung hoa. NISAVA

Ma Đoan nói với giọng sành sỏi: – Lan trâu là một trong những loài lan rừng lâu nở và lâu tàn. Bây giờ đã ra búp, nhưng với thời tiết như năm nay, cành này sẽ nở đúng vào dịp tết đấy! Ngước nhìn mặt trời, còn đúng một cây sào gác trên đỉnh núi xa, chúng tôi quay lại địa điểm tập kết ban sáng.

Đếm đi đếm lại được bốn nhánh Nghinh Xuân và vài chục loại lan rừng khác. Không nhiều, nhưng cả đoàn ai cũng vui bởi cái cảm giác được tìm Nghinh Xuân giữa rừng Xuân.

Chúng tôi “cõng” mùa xuân ngào ngạt trên lưng, trở về thành phố. Tết, ở phố không thiếu các loài lan ngoại với hoa nhiều, đóa to, hương thơm ngào ngạt và rất đắt tiền… Mặc kệ, bởi tôi đã có một Mùa Xuân để riêng tặng vợ tôi, con tôi: Một nhánh lan rừng do chính mình tìm được giữa rừng Xuân. Ấy là mùa xuân của tôi vậy.

Theo Trần Đăng Lâm (báo Nông Nghiệp VN)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *