(PNO) – Ghé Đường Lâm, đâu đâu trong làng cổ bạn cũng bắt gặp những thức quà quê phục vụ du khách. Những ngày giáp Tết, người Đường Lâm càng tất bật hơn với những mẻ bánh, kẹo chuẩn bị cho ngày xuân.
< Nồi bánh tẻ còn nóng hổi ở Đường Lâm.
Quà quê Đường Lâm là những loại bánh kẹo thường hiện diện trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc, như bánh tẻ, chè lam, kẹo lạc, kẹo dồi… Nguyên liệu để làm nên những thức quà này có thể tìm thấy ở bất kỳ làng quê nào ở Việt Nam. Có khác chăng ở Đường Lâm, bàn tay của những người nông dân khéo léo hơn khiến hương vị của chúng đặc biệt mà du khách một lần ăn sẽ nhớ mãi.
< Những mâm chè lam mới ra lò.
Đầu tiên phải kể đến chè lam được làm từ bột nếp, đậu phộng, mạch nha, đường và gừng. Tất cả những nguyên liệu ấy khi chế biến tạo thành một loại bánh có vị cay ngọt của gừng, vị bùi của đậu phộng, mùi thơm và béo của bột nếp.
Nhiều người ngạc nhiên bởi sao tên gọi là chè nhưng thực chất lại là bánh. Đem thắc mắc đó hỏi nhiều vị cao niên trong làng đều nhận được câu trả lời tên gọi đó từ bao năm nay vẫn thế.
< Sau khi cắt, chè lam được đóng gói cẩn thận để khách mua về làm quà.
Nếu ghé Đường Lâm, vãn cảnh chùa Mía bạn sẽ thấy hình ảnh những mẻ chè lam mới hoàn thành được phủ đầy bột trắng bày ngay ngắn trên những mâm. Chủ hàng sẽ tự tay cắt cho du khách những gói chè lam mang về làm quà trên những con dao rất bén.
Đi kèm với chè lam không thể thiếu hai loại kẹo: kẹo lạc và kẹo dồi. Hai loại kẹo này có nguyên liệu làm khá giống nhau gồm: lạc (đậu phộng), đường, mạch nha nhưng từ hình thức cho đến cách thực hiện lại khác nhau.
Nếu kẹo lạc được nấu lên, đổ lên mâm và cắt thành từng khúc nhỏ tựa ngón tay thì kẹo dồi làm công phu hơn rất nhiều. Mạch nha và đường được nấu lên với độ keo nhất định sau đó sẽ được những người thợ trong làng dùng tay quật vào một chiếc cột cho đến khi dẻo quẹo để có thể nặn thành khối hình trụ và có màu trắng đục. Lớp vỏ kẹo ấy được dàn mỏng, cho lớp nhân vào sau đó cuộn tròn hình trụ.
< Kẹo lạc, kẹo dồi được bày bán trong những chiếc mẹt bằng tre giản dị.
Làm kẹo dồi công phu hơn bởi phải cần ít nhất hai người, một người kéo phần vỏ kẹo, người khác phải nhanh tay cắt vì nếu để nguội nó sẽ dòn, dễ vỡ. Kẹo sau khi hoàn thành sẽ được phủ một lớp bột nếp trắng tạo thành lớp áo mịn màng. Được biết kẹo dồi có xuất xứ từ Nam Định nhưng đến với Đường Lâm du khách sẽ thấy những người thợ làm thức quà quê này theo kiểu thủ công rất thuần thục.
Cũng từ nguyên liệu chính là hạt gạo, người Đường Lâm còn tạo nên loại bánh bỏng gạo rất giản dị. Hạt gạo nếp còn nguyên lớp trấu được rang lẫn với lớp cát để tạo sức nóng khi đủ độ sẽ bung thành những bông hoa. Lọc riêng cát, trấu sẽ cho những hạt gạo đã được nổ trắng tinh.
< Bỏng gạo gắn liền với ký ức tuổi thơ.
Ngày nay, người ta dùng máy để nổ gạo vì đỡ tốn thời gian. Một nồi đường lớn có thêm chút gừng được nấu lên đến độ nhất định sau đó sẽ đổ hạt gạo đã nổ vào, quấy đều cho đường kết dính các hạt gạo với nhau. Người ta có thể cán chúng thành các hình vuông, tròn hoặc dùng tay nắm thành những nắm nhỏ hình tròn. Nếu đến Đường Lâm du khách sẽ thấy những gói bỏng gạo này được bán khắp nơi.
< Những ông oản được làm từ bột nếp và đường gói trong những lớp giấy đầy màu sắc.
Một điều làm nên đặc trưng ở Đường Lâm là tất cả những thức quà quê giản dị ấy đều được dùng kèm với nước trà xanh được nấu từ những lá xanh tươi. Vị trà lúc đầu hơi chát nhưng khi dùng chung với các loại bánh, kẹo sẽ tạo nên vị ngọt đậm đà. Trà cũng làm giảm bớt vị ngọt, tạo cảm giác vừa miệng mà không chán.
Đến Đường Lâm bạn cũng có thể thử loại bánh tẻ Phú Nhi nổi tiếng luôn được bảo quản trong những nồi còn nghi ngút khói. Đó còn là những ông oản được làm từ bột nếp và đường thường được dùng làm vật thờ cúng nơi đình chùa.
Ngoài ra, các loại hoa quả như mít, chuối ngự… cũng có hương vị rất riêng. Mùa nào thức nấy, tất cả đều là sản phẩm của bàn tay người nông dân tạo nên phong vị đặc trưng, thấm đậm tình quê.
Theo Văn Tuấn (Phụ Nữ)
NISAVA TRAVEL!