Về xã Ðông Hải (Quỳnh Phụ – Thái Bình) sẽ được chứng kiến không khí lao động tất bật của những người dân làm nghề bánh đa. Từ 3 giờ sáng, các lò tráng bánh bắt đầu đỏ lửa, người dân làm nghề cả ngày không có thời gian nghỉ, nhất là vào dịp cuối năm, mọi việc trở nên bận rộn gấp bội phần.
Nghề làm bánh đa diễn ra quanh năm và giống như một guồng máy, người phơi, người tráng, người thái bánh, người ngâm gạo… đã trở thành nét đặc trưng của làng nghề. Theo ông Bùi Hữu Tước, Bí thư Chi bộ thôn Dụ Ðại 1, nghề làm bánh đa có từ hơn 50 năm nay, toàn thôn có 145 hộ thì 131 hộ làm nghề, bình quân mỗi hộ tạo việc làm cho 3 lao động.
Trước đây, các hộ trong làng nghề chỉ làm thủ công, hơn 10 năm nay bà con đã đầu tư các loại máy móc đẩy mạnh sản xuất lên gấp chục lần so với trước đó. Hiện tại, toàn thôn có 30 máy tráng bánh, bình quân mỗi máy tráng từ 5 – 7 tạ/ngày. NISAVA
Ðặc biệt, nhờ có nghề nên đã tận dụng được hết lao động nhàn rỗi của làng, nhất là những người trung tuổi cũng có thu nhập ổn định. Hiện nay, bình quân mỗi hộ làm từ 1,7 – 1,8 tạ gạo/ngày. Vừa làm nghề bánh đa các hộ còn kết hợp với chăn nuôi lợn nên đời sống người dân không ngừng được cải thiện.
Anh Vũ Ðình Hướng có 15 năm làm nghề bánh đa cho biết: Gần 10 năm qua tôi đã đầu tư máy tráng bánh không chỉ phục vụ cho nhà mình mà còn cho các hộ khác quanh xóm tới tráng thuê.
Với cách làm đó, ngoài thu nhập chính từ bánh đa khoảng 500.000 đồng/ngày, bình quân mỗi ngày anh Hướng còn tráng thuê từ 4 – 5 tạ bánh cũng thu nhập thêm được vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, đây là nghề vất vả, để thực hiện các công đoạn làm bánh, nhà nào cũng tất bật từ 3 giờ sáng tới 8 giờ tối mới hết việc. Nhưng đổi lại trong thôn lại tận dụng được hết các lao động nhàn rỗi, hầu như ai cũng có việc để làm.
Cô Bùi Thị Dung làm thuê cho nhà anh Hướng chia sẻ: Ðã 62 tuổi rồi nhưng hàng tháng cô đều có thu nhập trên 1 triệu đồng từ làm thuê tráng bánh. Mỗi tháng cô làm đều đặn từ 17 – 20 buổi, bắt đầu từ 5 giờ sáng tới 5 giờ tối. Như vậy, cô vừa có thu nhập thêm lại vừa duy trì cấy được hơn 7 sào lúa, chăn nuôi lợn, gà và làm các công việc của gia đình.
Tới thăm Cơ sở đóng gói bánh đa Tân Tiến chúng tôi được biết: Cả làng chỉ có 2 cơ sở đóng gói, hàng ngày cơ sở thu mua khoảng 3 tạ bánh của 6 hộ đóng và đóng thành 4 – 5 loại khác nhau. Cứ sáng đóng gói, chiều chở ô tô tải đi đổ cho các quán ăn, cửa hàng trên thành phố Thái Bình. Công việc đều đặn như vậy mỗi tháng Cơ sở thu lãi 15 triệu đồng. Ðặc biệt, trong 2 tháng cuối năm các hộ trong làng nghề đều đẩy công suất tăng lên gấp đôi tháng thường để kịp thời phục vụ cho khách hàng trong dịp tết. NISAVA
Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Khuyến, Chủ tịch UBND xã, nghề làm bánh đa đã trở thành thế mạnh của địa phương. Từ năm 2003, làng nghề Dụ Ðại đã được UBND tỉnh công nhận, sau khi chia tách thôn thì đến nay nghề vẫn duy trì ở 3 thôn là Dụ Ðại 1, Dụ Ðại 2 và Dụ Ðại 3. Tuy nhiên, thôn Dụ Ðại 1 vẫn duy trì sản xuất chính, 2 thôn còn lại thu hút được 96 hộ tham gia làm nghề, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Ðặc biệt, do là nghề truyền thống nên các hộ đều có sẵn các mối hàng, sản xuất ra tới đâu đều tiêu thụ hết đến đó. Thời gian tới, Ðông Hải sẽ tiếp tục vận động nhân dân phát triển nghề; phối hợp với các ngành chức năng từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề nhằm đưa ra tiêu thụ ở thị trường các tỉnh mạnh hơn nữa.
Theo Thu Thủy (Báo Thái Bình)
NISAVA TRAVEL!