(NLĐ) – Cứ vào những ngày cuối năm, các lò mật mía nức tiếng ở xứ Thanh lại có dịp đỏ lửa để phục vụ người dân xa gần. Nổi tiếng bởi độ thơm ngon và màu sắc đẹp, mật mía Thanh Hóa được nhiều người tiêu dùng ưa thích.
Ngày Tết với người dân Thanh Hoá nói riêng và người dân miền Trung nói chung, mật mía là thứ nguyên liệu không thể thiếu, đây là nguyên liệu dùng để chấm bánh chưng, để làm bánh gai, nấu bánh trôi… Ở Thanh Hóa, mật mía Thạch Thành (huyện Thạch Thành) và mật mía Đồng Trạ (thôn Đồng Trạ, xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy) là những vùng khá nổi tiếng. Những ngày cận Tết, những làng mật mía hoạt động hết công suất, nhưng cứ từ 23 tháng chạp trở đi, các lò sản xuất đều trong tình trạng cháy hàng.
Có mặt tại xã Thành Kim, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Thành và làng Đồng Trạ, xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy, những ngày này sẽ bắt gặp hình ảnh người làm mật tất bật chuẩn bị cho dịp Tết, rộn ràng những chuyến xe từ Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội… về lấy mật. NISAVA
Các lò nấu mật chạy đua với thời gian để cho ra lò những mẻ mật thơm ngọt nhất phục vụ Tết. Tiếng máy nghiền, ép mật mía hòa trong tiếng người rộn ràng cả một vùng quê. Nhiều thôn, xã quanh vùng đang rầm rộ thu hoạch mía mang tới các lò nấu mật.
Theo những cụ cao niên trong xã Thành Kim, nghề làm mật mía có từ những năm 60 thế kỷ trước. Đây là mảnh đất do cư dân ở xã Hoằng Lý, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hoá) lên định cư rồi mang theo nghề. Từ đó, bao đời nay cứ thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, nghề làm mật trở thành một nghề không thể thiếu đối với bà con mỗi dịp Tết đến xuân về.
Hằng năm, cứ bắt đầu từ tháng 11 âm lịch cho đến tận tháng 2 năm sau, mùa ép mật ở những vùng này lại bắt đầu. Anh Hà Văn Chuyên, một chủ lò mật, chia sẻ mật mía ở Đồng Trạ có những khác biệt mà ở nơi khác không có được. Ở đây mía chủ yếu được trồng trên những quả đồi đất đỏ bazan nên rất xanh tốt, cây chắc và ngọt lịm, độ đường rất cao.
Để chế biến được một lít mật là cả quá trình phức tạp và tốn nhiều công sức. Công đoạn vất vả nhất là ép mía. Trước đây, khi chưa có sự trợ giúp của điện và máy móc công nghiệp, việc ép mía rất cực nhọc. Ngoài dùng sức người, bà con còn phải dùng trâu, bò để kéo trục quay ép mía lấy nước. Từ khi có người sáng chế ra máy nghiền mía, công việc này đỡ vất vả hơn nhiều. NISAVA
Ông Nguyễn Văn Tuất, ngụ thôn Liên Sơn, xã Thạch Sơn, cho biết “Sau khi ép được nước mía ra là công đoạn chuẩn bị lò, củi để nấu. Quá trình nấu mật mía quan trọng nhất là giữ lửa trong lò luôn ổn định. Nếu lửa quá to, tay đảo không đều, mật dễ bị cháy, lửa quá nhỏ thì công đoạn keo mật sẽ rất lâu.
Công đoạn keo mật là công phu, mất thời gian và công sức nhất. Ở công đoạn này, yêu cầu người nấu phải luôn đảo liên tục và đều tay. Khi bắt đầu sôi, nếu không vớt kịp bọt, làm mật bị trào thì mật sẽ có màu đen, mật kém thơm ngon. Khi nước mía chuyển sang sền sệt và có màu đỏ là được.
Riêng phần cặn của những nồi mật sau khi nấu xong được giữ lại làm kẹo hoặc bánh ong mời khách ngày Tết. Còn bã mía sau khi ép hết nước sẽ được tận dụng làm củi hoặc thức ăn cho trâu bò. Giá bán một cân mật mía khoảng 12.000 – 15.000 đồng.
Nhờ làm mật mía nên đời sống của nhiều gia đình nơi đây đã khấm khá so với những vùng khác trong huyện. Có những gia đình trừ chi phí, có thể thu lại lãi 20 – 40 triệu đồng cho mỗi vụ.
Ông Đoàn Duy Phương, Phó Chủ tịch xã Thạch Sơn, phấn khởi cho biết nghề truyền thống làm mật đã mang lại lợi nhuận rất cao cho bà con ở đây. Những năm gần đây đã có nhiều gia đình thoát nghèo nhờ nghề làm mật mía và những cái tết cũng ấm no hơn nhờ vào nghề này. Hiện toàn xã có 170 ha diện tích trồng mía và có 17 hộ có lò làm mật. NISAVA
“Hiện nay toàn thôn Đồng Trạ có vài chục lò làm mật, mỗi năm ép được khoảng 3.000 tấn mật mía. Ngoài việc thu mua nguồn nguyên liệu cho bà con, các lò mật còn tạo công ăn việc làm cho cả trăm thanh niên trong làng, nên đời sống của người dân cũng được cải thiện” – ông Vũ Xuân Vường, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phong, chia sẻ.
Theo Tuấn Minh (Người Lao Động)
NISAVA TRAVEL!