Nơi đón ánh Mặt trời đầu tiên trên đất liền
ANTĐ – Chinh phục ngọn hải đăng Đại Lãnh ở tỉnh Phú Yên – cực Đông Tổ quốc – nơi đầu tiên trên đất liền đón tia nắng Mặt trời là niềm khát khao của nhiều người. Đến đây, tắm biển ở Bãi Môn, dựng lều trên Bãi Rạng, bạn sẽ phát hiện có tới 2 điểm được coi là “cực Đông”.
Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên nhỏ, yên bình, xe cộ không nhiều nhưng quán nhậu san sát trên con phố Bạch Đằng ven sông Đà Rằng. Phải rất vất vả chúng tôi mới tìm thấy một hàng chè ven đường để giải khát. Hỏi thăm đường ra Bãi Môn, giọng nói Phú Yên cực khó nghe nhưng cuối cùng chúng tôi cũng biết phải đi qua cây cầu Hùng Vương nối vào đại lộ Hùng Vương dẫn ra bãi biển Phú Lâm. Con đường từ đây ra hải đăng Đại Lãnh chạy dọc theo ven biển vô cùng đẹp và thú vị, trải dài với cát trắng, nắng vàng, biển xanh, gió lộng.
< Trên đường ven biển ra Mũi Nậy.
Con đường dọc biển mặc dù rất đẹp nhưng khi lên đến đỉnh đèo hướng ra Vũng Rô, chúng tôi sững sờ khi một bên là núi đá, một bên là vực sâu sát biển. Những khúc cua được mở rộng cho xe dừng đỗ chụp ảnh.
Mỏm đá đẹp nhất chênh vênh nhìn thấy cả ngọn hải đăng Đại Lãnh phía xa xa, phía dưới là một bãi biển hoang sơ. Khi đến chân ngọn hải đăng Đại Lãnh (còn gọi là Mũi Điện), bãi biển hoang sơ có tên Bãi Môn quá hấp dẫn đã cuốn những bước chân khám phá ào xuống tắm biển.
Bãi Môn là một bãi cát nằm giữa hai mỏm núi nhô ra biển giống như một vịnh nhỏ. Bờ cát chỉ dài vài trăm mét, phía sau là núi rồi đến những đồi cát nhỏ mọc đầy dây rau muống biển. Từng con sóng vỗ từ biển khơi cả ngàn năm tạo nên bờ cát hình cánh cung.
Chưa thấy bãi biển nào cát mịn và hoang sơ đến thế. Từ khung cảnh chỉ có núi đá, đồi cát, cây cối, bờ biển và đại dương trải xa tận chân trời, cho đến dịch vụ cũng chỉ có một quán lá nhỏ bán nước giải khát và cho khách trọ nấu nhờ mì tôm.
Mải mê tắm biển, hoàng hôn xuống từ lúc nào đã níu chân du khách ở lại một đêm ngay trên bãi biển đẹp này. Mọi thứ được tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, cảm giác như đang ở thủơ hồng hoang.
< Tác giả bài viết dưới chân ngọn Đại Lãnh.
Thứ duy nhất nối với thế giới văn minh là ánh đèn biển trên ngọn hải đăng lập lòe theo vòng quay và ánh đèn của thuyền câu mực phía xa.
Thời tiết mát mẻ và người đã khá mệt mỏi sau chặng đường dài, giấc ngủ trên tấm bạt trải ngay bờ cát Bãi Môn hoang sơ đến rất nhanh và sâu. Nhưng cái lạnh của gió biển sẽ đánh thức du khách vào tầm 4 giờ sáng, cũng là lúc phải trở dậy để nhanh chóng leo lên ngọn hải đăng đón ánh bình minh – nơi đầu tiên trên đất liền đón ánh Mặt trời.
Khi bình minh chưa ló rạng, chúng tôi đã rời Bãi Môn leo lên ngọn hải đăng. Tại xã Hòa Tâm, huyện Hưng Hòa, tỉnh Phú Yên, có tấm bia khẳng định cực Đông Tổ quốc là Mũi Điện – Đại Lãnh, nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền có tọa độ địa lý 109o27’06” kinh độ Đông – 12o53’48” vĩ độ Bắc và độ cao 83,5m. Nơi đặt tấm bia này được nhiều người lựa chọn làm nơi đón bình minh nhiều hơn. Sau khi Mặt trời mọc mới leo lên hải đăng Đại Lãnh (cao 26m) để phóng tầm mắt xa tới 27 hải lý.
Cuối thế kỷ XIX, viên tướng người Pháp Varella đã phát hiện và nhận ra vị trí vô cùng quan trọng của Mũi Đại Lãnh trong hải đồ quốc tế. Vị trí của Mũi Đại Lãnh đã được vua Minh Mạng cho thể hiện vào Tuyên đỉnh – 1 trong 9 chiếc đỉnh đồng đặt tại Thế Miếu trong Đại nội Huế từ năm 1836. Năm 1853, dưới triều vua Tự Đức, Đại Lãnh có tên trong từ điển quốc gia do triều đình biên soạn.
< Khuôn viên hải đăng Đại Lãnh.
Nhận thấy vị trí quan trọng của Mũi Đại Lãnh, năm 1890, người Pháp đã cho xây dựng ở đây ngọn hải đăng Đại Lãnh cao hơn 100m so với mặt biển và tín hiệu phát đi xa 27 hải lý. Ngọn hải đăng Đại Lãnh có hình trụ tròn, đường kính trung bình gần 5m với 108 bậc cầu thang gỗ.
Hải đăng Đại Lãnh được người Pháp xây dựng để định hướng cho tàu thuyền ra vào vịnh Vũng Rô. Số phận của ngọn hải đăng này cũng khá ly kỳ khi nó hoạt động được 55 năm thì ngừng. Cho đến năm 1961 tiếp tục hoạt động chưa được bao lâu thì bị bom đánh sập do nằm trong khu vực căn cứ miền Đông, nơi được coi là “Đường Trường Sơn trên biển”.
< Từ hải đăng Đại Lãnh nhìn xuống bãi Môn.
Tháng 8-1996, ngọn hải đăng đã được sửa chữa, tu bổ và chính thức hoạt động trở lại vào năm 1997. Trước kia, xung quanh Mũi Đại Lãnh cứ đêm đến chỉ có duy nhất ánh sáng của ngọn hải đăng nên dân quanh vùng còn gọi nơi này là Mũi Điện. Cái tên Mũi Điện xuất phát từ đó.
Hải Đăng Đại Lãnh – Mũi Điện – Mũi Đôi – cực Đông Tổ quốc đã được chinh phục. Thế nhưng, khi rời đi mới phát hiện: Người ta đã phát hiện ra điểm cực Đông khác – nơi thực sự đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của Việt Nam ở cách đó vài chục cây số.
< Đường vào Đầm Môn.
Bình minh Mũi Đôi
Sau khi phát hiện ra Mũi Điện – Mũi Đại Lãnh không còn là cực Đông thực sự nữa, nhiều du khách đã tìm đến Mũi Đôi, nằm ở bán đảo Hòn Gốm, vịnh Vân Phong (thuộc xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa) – nơi đón ánh mặt trời đầu tiên trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Những du khách đến đây trước đó đã làm một chiếc chóp bằng inox, trên chóp có ghi: “MUI DOI – 12038’39.78”B – 109027’50.03”Đ”.
NISAVA
Hỏi dân địa phương tại Vũng Rô nhiều người còn không biết cực Đông là gì, Đầm Môn ở đâu mà chỉ biết có Bãi Môn. Nhưng hỏi mãi rồi cũng biết, từ Vũng Rô phải vượt qua Đèo Cả, tới đèo Cổ Mã sẽ có lối rẽ trái vào Đầm Môn.
< Đồi cát đường vào Mũi Đôi.
Đường vào Đầm Môn nằm trong vịnh Vân Phong, cách thành phố Nha Trang 90km. Con đường đẹp với những đồi cát bay, thi thoảng có những đoạn cát tràn ra phủ kín gần hết mặt đường. Sau 18km có một lối rẽ trái, đường rộng 4 làn, trải nhựa phẳng lỳ. Đây là con đường dễ lạc nhất vì không có bất cứ một tấm biển nào chỉ đường về Bãi Rạng. Duy nhất một dòng chữ nhỏ “Mũi Đôi” được viết trên mặt đường nhưng lại viết ở làn ngược lại.
Con đường đến Mũi Đôi đã rất gần nhưng còn gần 9km leo bộ đường núi và đồi cát nữa mới tới điểm dừng chân – Bãi Rạng. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ thì cũng đến Bãi Rạng khi hoàng hôn đã buông xuống. Lại có thêm một đêm ngủ ở bãi biển.
< Cắm trại trên Bãi Rạng.
Khác với Bãi Môn, Bãi Rạng tuy cũng nằm trong hai dải núi nhô ra nhưng bờ biển toàn những mẩu san hô nhỏ, vỏ ốc và sỏi chứ không mịn màng nên chỉ có thể lội bộ ven bờ chứ không thể tắm. Các nhóm phượt tranh thủ dựng lều trước khi trời tối và lên núi kiếm củi. Gọi là tiệc nướng nhưng thực chất đồ ăn mang theo chỉ là bánh mì, xúc xích. Đêm trăng sáng, tôi trải túi ngủ trên bờ cát nằm ngắm trăng, ngắm biển. Bãi Rạng có tên như vậy vì nơi này luôn đón bình minh lúc rạng đông.
NISAVA
Trở dậy sau giấc ngủ sâu ở Bãi Rạng khi mới 3h sáng. Chưa kịp ngấm cái lạnh biển đêm, chúng tôi đã phải nhanh chóng khởi hành, vì còn phải leo đồi cát và núi đá thêm gần 2km nữa mới tới Mũi Đôi. Đèn pin siêu sáng lúc này được phát huy tác dụng.
Sau hơn 1 tiếng đồng hồ leo qua các tảng đá lớn, trời bắt đầu tang tảng sáng, đèn pin đã có thể cất đi. Tảng đá lớn có gắn chóp inox đã hiện ra nhưng để leo lên cần đu dây như vận động viên leo núi.
Tảng đá gắn chóp – tảng đá cực Đông có mặt phẳng khá rộng, đủ chỗ cho hơn 20 người.
Chờ đợi mãi cuối cùng mặt trời cũng mọc. Săn mây và mặt trời mọc phụ thuộc chủ yếu vào may rủi. Chân trời đỏ lự, biển và mây chuyển màu tím rồi xanh sẫm. Mặt trời đã mọc, máy ảnh hoạt động hết công suất, đủ các tư thế tạo dáng: trái tim, vươn thở, hôn mặt trời. Tôi khẽ rút lá cờ mang về từ Trường Sa căng ra đón gió chào đón ánh mặt trời ở cực Đông Tổ quốc.
Theo An Ninh Thủ Đô
NISAVA TRAVEL!
Bài về ‘Cực Đông’ có rất nhiều trong NISAVA TRAVEL!. Muốn tham khảo, bạn hãy dùng công cụ search.