(LVO) – Hùng Lô – nơi đã bảo tồn và phát huy được những nét đẹp văn hóa truyền thống, đó là ngôi đình, ngôi nhà cổ cùng điệu hát Xoan mượt mà, không chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân công đức tổ tiên.
< Biểu diễn hát Xoan tại đình Hùng Lô.
Xã Hùng Lô, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ xưa có tên là Trang Khả Lãm, nằm trong địa hạt kinh đô Văn Lang xưa. Qua nhiều thời kỳ, làng có tên: Làng Xốm, làng An Lãm, làng An Lão rồi sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đổi tên thành xã Hùng Lô.
Từ ngôi đình cổ…
< Đình Hùng Lô là quần thể di tích có giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật trên vùng Đất Tổ.
Theo sử sách và các vị cao niên trong làng kể lại thì Khu di tích lịch sử văn hoá đình Xốm hay còn gọi là đình Hùng Lô, xã Hùng Lô được xây dựng hoàn chỉnh vào thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Chính Hòa (1647). Ngôi đình tọa lạc trên dải đất rộng 500m2 với quy mô kiến trúc khá hoàn chỉnh, gồm: 5 gian nhà tiền tế, phương đình, lầu chuông, lầu trống và toà đại đình.
Tòa đại đình là một công trình kiến trúc trọng yếu với đường nét kiến trúc cổ thời Lê gần như còn lưu giữ được nguyên vẹn với 4 mái rộng cao, 4 góc đao cong vút như 4 cánh hoa xoè nở, hàng gạch hộp rỗng hoa chanh chạy theo bờ mái và những con kìm, con số gắn trên đầu nóc.
< Kiệu văn được lưu giữ từ năm 1697 và sẽ được dùng trong lễ rước kiệu về Đền Hùng năm nay.
NISAVA
Những khúc quanh trên nóc mái được gắn những tác phẩm đồ gốm quý. Trên nóc đình đắp Lưỡng long chầu nguyệt. Toàn bộ nội thất của toà đại đình đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Ông Nguyễn Thanh Mại – một lão niên của Khu 2, xã Hùng Lô bồi hồi nói: “Ngôi đình Hùng Lô đã có từ lâu đời, với người dân Hùng Lô, ngôi đình vừa là nơi văn hóa tín ngưỡng lại vừa là nơi thờ cúng các vị tiền nhân có công với dân, với nước. Vì thế những ngày hội làng hay những ngày rằm, mồng 1 người dân đều dâng hương hoa, lễ vật để biểu lộ lòng biết ơn, cũng là cầu mong những điều may mắn”.
Hiện nay, Đình còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý như đỉnh, đèn, lư hương, hạc đồng và một số bình sứ cổ, cùng những hương án, sập thờ, đồ chấp kích và nổi bật là 4 cỗ kiệu văn, 1 bộ kiệu bát cống được đánh giá rất cao về nghệ thuật điêu khắc cổ thời hậu Lê thế kỷ thứ XVII. Các kiệu văn, kiệu cống trên được sử dụng vào những ngày lễ hội rước hương đăng, đẳng vật của địa phương dâng lên Đền Hùng vào ngày giỗ Tổ và cả trong lễ hội làng Hùng Lô.
< Kiệu bát cống được lưu giữ từ thời vua Lê Trung Hưng, niên hiệu Chính Hòa, năm Đinh Sửu – 1697.
Dù quy mô của Đình rất khiêm nhường nhưng người Hùng Lô vẫn có thể tự hào vì tới nay ngôi đình không chỉ là báu vật riêng của làng mà nó đã đi vào lịch sử và trở thành di sản văn hóa của toàn dân tộc. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch HĐND xã Hùng Lô cho biết: “Các hoạt động gìn giữ, bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đình Hùng Lô được người dân luôn quan tâm, ủng hộ, đóng góp tiền của, vật chất cũng như tinh thần để cùng các cấp, các ngành cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện”
… đến ngôi nhà hơn 100 năm tuổi
NISAVA
Rời Đình Hùng Lô, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Hoàng Phúc (Khu 4, xã Hùng Lô). Ngôi nhà cổ của gia đình ông được để lại đã qua 3 thế hệ, với tuổi thọ hơn 100 năm. Qua thời gian, một số chi tiết trong ngôi nhà đã xuống cấp, gia đình ông thường xuyên tiến hành duy tu, bảo dưỡng đảm bảo giữ nguyên kiến trúc ngôi nhà cổ.
< Hội làng Hùng Lô.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ: “Là thế hệ cháu chắt, được thừa kế lại ngôi nhà cổ của các ông các cụ để lại, đối với tài sản vô cùng quý giá này thì không chỉ đời tôi mà ngay cả đời con, đời cháu cũng chỉ tôn tạo lại chứ không làm mất các kết cấu của ngôi nhà cổ của ông cha để lại cho”. Chính vì những tâm tư đó mà dù 3 thế hệ cùng sinh sống trong một ngôi nhà nhưng gia đình ông Phúc chỉ xây cất thêm một căn nhà bên phần đất bên cạnh, chứ ngôi nhà tổ tiên để lại thì hoàn toàn được giữ nguyên như là kỷ vật.
NISAVA
Hiện nay, xã Hùng Lô còn lưu giữ được gần 50 ngôi nhà cổ từ 100 đến 200 năm tuổi. Những ngôi nhà cổ này đều được trạm khắc những biểu tượng Lân, Ly, Quy, Phượng; Tùng, Trúc, Cúc, Mai. Điều này càng được thể hiện rõ nét trong tổng thể kiến trúc của những ngôi nhà cổ.
Nguyên liệu làm nên những ngôi nhà cổ này hầu hết là gỗ, tre, nứa… những thứ có sẵn trong tự nhiên và gần gũi với cuộc sống của người dân Việt. Vì vậy, nên mỗi ngôi nhà cổ ở Hùng Lô đang được bảo tồn không chỉ về mặt kiến trúc mà còn như một phần tinh thần cho mỗi thành viên trong gia đình được gìn giữ trong ngôi nhà đó.
Những giá trị cổ ở Hùng Lô cùng nhiều di tích khác trên địa bàn TP. Việt Trì hiện đang trong tiến trình bảo tồn và phục dựng các giá trị lịch sử, văn hóa để quảng bá với người dân cũng như du khách thập phương nhằm làm rõ nét hơn nữa những đặc trưng của Việt Trì – Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Theo Hà Hoài (Làng Việt)
NISAVA TRAVEL!