(MTG) – Chứng kiến hàng ngàn người dân, du khách đổ về trong ngày hội mới thấy hết cái không khí náo nức, cởi mở của những nụ cười.
< Đồi thịt băm ở phía xa.
Đang băn khoăn không biết nghỉ lễ đi chơi đâu thì PGS.TS Trần Xuân Bình – Trưởng khoa Xã hội học, Giám đốc Trung tâm KHXH&NV, trường Đại học Khoa học Huế gợi ý rằng; ‘Trung tâm KHXH&NV đang thực hiện Dự án giúp đỡ người khuyết tật ở các dân tộc ít người do Cục Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID – US Agency for International Development) tài trợ. Ngày mai có Ngày hội Văn hóa các Dân tộc huyện A Lưới năm 2015’…
Thật là tuyệt khi được về thăm mảnh đất nổi tiếng thời chiến tranh với Thung lũng A Sầu, Đồi Abiah năm nào! Càng thú vị hơn nữa là được chứng kiến một trong những nơi đã và đang hội tụ sự hòa giải về văn hóa sau 40 năm chiến tranh của nhiều dân tộc, cộng đồng…
A Lưới cách thành phố Huế 70 km về phía Tây, có lẽ là một trong những huyện miền núi đặc biệt nhất cả nước: Trong số 46.000 cư dân, người Pa Cô và Tà Ôi chiếm đến 77%. Ba dân tộc “ít người” còn lại là Cơ Tu, Pa Hy, Kinh thì người Kinh chỉ có 9,63%!
NISAVA
A Lưới là huyện duy nhất có địa danh cùng tên với bộ phim về chiến tranh nổi tiếng của Hollywood, Hamburger Hill – Đồi thịt băm, tức Đồi Abiah nằm trong thung lũng A Sầu (Ashou). Trận chiến từ ngày 10 đến 20.5.1969 giữa sư đoàn Không vận 101 Mỹ và 2 tiểu đoàn quân chủ lực của ta đã được phản ánh khá chân thực – đặc biệt là lột trần sự thất bại, vô nghĩa của quân đội Mỹ khi tiến hành cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà trong năm 2014, đã có đến 70 đoàn du lịch nước ngoài – chủ yếu là người Mỹ, “trở lại chiến trường xưa”.
Cũng cần nhấn mạnh rằng Hollywood có “truyền thống” làm những bộ phim về những trận đánh mà thường là quân đội Mỹ… thất bại, để rút ra những bài học cần thiết: Khác với nhiều nước là chỉ làm phim để ca ngợi chiến thắng!
< Ba anh hùng LLVT: Từ phải sang: Hồ A Nun, Hồ Vai, Kan Lịch.
Ngày hội Văn hóa được tổ chức ngoài trời ở làng Việt Tiến, xã Hồng Kim. Sự ra đời của làng Việt Tiến khá đặc biệt: Ông Nguyễn Xuân Trường, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Việt Tiến là cựu chiến binh đã từng có mặt ở Đồi thịt băm năm nào, năm 2008 đã ủng hộ một số tiền lớn để xây 21 ngôi nhà sàn – xi măng đầu tiên cho làng, trị giá hiện nay, chỉ tính riêng phần gỗ tốt cho mỗi căn nhà đã có giá đến hàng trăm triệu đồng!
Chứng kiến hàng ngàn người dân, du khách đổ về trong ngày hội mới thấy hết cái không khí náo nức, cởi mở của những nụ cười. Khi được hỏi chị cảm thấy gì trong ngày hôm nay, nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Kan Lịch cười rất tươi và trả lời rằng “Kỷ niệm 40 năm mà ai cũng vui là vui nhất rồi”.
Ngày hội Văn hóa và Lễ khởi công Khu Du lịch sinh thái thác Anôr được tổ chức ngắn gọn, giản dị chứ không rườm rà như nhiều lễ hội ở miền xuôi. Ngắn gọn, mộc mạc và thực tế là thông điệp của núi rừng. Du khách được tham quan, chứng kiến trình diễn điêu khắc gỗ, dệt thổ cẩm Dzèng, đan lát mây tre và được xem cuộc thi nấu ăn giữa các dân tộc với nhiều món đặc sản như Lạp, K’leng, A ật y Boh… cũng như thưởng thức món rượu được pha chế từ cây Đoác rừng…
Cảm động nhất là khi đến thăm gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công của Hội người mù do USAID tài trợ. A Lưới có lẽ là địa phương cấp huyện có nhiều người bị nạn nhân chiến tranh nhất nước. Hơn 10% dân số bị phơi nhiễm chất độc màu da cam (4.780 nạn nhân), trong đó có 1.494 người khuyết tật – 1/5 những người khuyết tật là người khiếm thị (350 người).
NISAVA
Sự tình cờ do quả đất không hề méo đã cho tôi gặp lại Nguyễn Văn Duy, người mà cách đây 10 năm tôi đã chấm thi và viết bài đăng ở báo Thanh niên: Chấm thi đại học người khuyết tật. Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật, nay Duy là Chủ tịch Hội người mù A Lưới.
PGS.TS Trần Xuân Bình cho biết Dự án của USAID có nhiều phần, nhiều công đoạn; trong đó trước mắt là hỗ trợ việc làm, vốn để tạo ra sản phẩm, tiến tới quảng bá và tìm đầu ra cho sản phẩm của người mù. Nếu thực hiện tốt và được người tiêu dùng trong nước – kể cả nước ngoài quan tâm, thì sẽ tạo nên sự đổi thay đáng kể với hàng trăm người mù nói riêng, hàng ngàn nạn nhân chiến tranh nói chung…
Ông Lê Văn Trừ (người Pa Cô), Bí thư huyện ủy huyện A Lưới cho biết thêm, nhiều năm nay, A Lưới nhận được sự quan tâm chu đáo của Trung ương, tỉnh và nhiều tổ chức nước ngoài. Chẳng hạn, chính phủ Đức đã tài trợ 71 tỷ đồng để rà phá bom mìn, Hội Cựu chiến binh TPHCM tài trợ hàng trăm triệu đồng để trồng cây xanh dọc hai bên tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua huyện dài hơn 100km…
Chia tay A Lưới, cứ ngẫm mãi về những nụ cười trên mảnh đất đã từng là nơi ác liệt nhất,đẫm máu nhất trong chiến tranh: Sự kiện Đồi thịt băm khốc liệt với 73 lính Mỹ chết và hàng trăm bị thương tháng 5.1969 được các nhà sử học Mỹ coi là một trong những sự kiện tạo nên bước ngoặt chống chiến tranh của nhân dân Mỹ.
Người A Lưới đã phải chịu bao mất mát, hy sinh nhưng hôm nay, cứ rạng rỡ và đẹp mãi những nụ cười bởi sự bao dung, thứ tha từ nhiều phía. Nụ cười của ba anh hùng LLVT Hồ A Nun, Hồ Vai, Kan Lịch mà tôi mới gặp, dường như là câu trả lời giản dị và rõ nhất về cái màu xanh tươi mát chân chất của núi rừng…
Theo Hà Văn Thịnh (Một Thế Giới)
NISAVA TRAVEL!