Bài của anh Lương Duy Cường (báo Người Lao Động).
Dấu vết trận lũ lịch sử vẫn hiện rõ sự tàn khốc trên những cung đường Tây Bắc, với dấu tích là những ruộng mía ngã rạp trong củi rác, bùn đất từ thượng nguồn sông Đà đổ về.
< Lực lượng cứu hộ với xe múc, xe lu khẩn trương thông tuyến trên đèo Thung Khe.
Chúng tôi rời TP HCM, đến Hà Nội trong cái đỏng đảnh của mùa thu 2018 và cảm thức về những cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ. Mưa không nặng hạt, chỉ đủ để những đôi mắt thiếu nữ Hà thành chung chiêng giữa tiếng cười ngọt lịm thoảng hương cốm mới.
Đồi núi thấp nhưng độ dốc lớn
Thay vì bắt đầu lộ trình khám phá Tây Bắc bằng cao tốc Hà Nội – Lào Cai là tuyến được đưa vào khai thác từ năm 2014 và chỉ chưa hết 4 giờ lưu thông là đã đến TP Lào Cai, chúng tôi chọn hướng Quốc lộ (QL) 6 để qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên trước khi đến Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn. Xa hơn nhiều, khó khăn gấp bội phần nhưng lộ trình này mới thật sự khép một vòng cung Tây Bắc (dọc biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc) và tận hưởng được cảm giác đi dọc sông Đà, sông Mã oai hùng.
NISAVA
Xe rời Hà Nội bằng đại lộ Thăng Long lúc xế trưa rồi rẽ sang 13 km của cung đường Hồ Chí Minh. Từ lối rẽ tại thị trấn Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình), nhập vào QL6 để tiếp cận vùng Tây Bắc.
Chiếc Ford Ranger 2 cầu dòng bán tải đưa chúng tôi vào vùng đồi núi thấp nhưng độ dốc lớn dần. Làng quê bình yên tựa lưng vào các chân đồi. Hai bên đường, dấu vết trận lũ lịch sử vừa đi qua hồi tuần trước vẫn còn rõ sự tàn khốc với dấu tích những ruộng mía ngã rạp trong củi rác, bùn đất từ thượng nguồn sông Đà đổ về.
Rồi đường xuyên qua những lô nhô đồi bạch đàn và đót, lau, rất giống ở Trung Trung Bộ. Nhiều quả đồi viền xanh bậc thang mía, cam rất đẹp nhưng chưa đủ che kín những vạt đất loang lổ như những vết tích đau buồn của quá khứ rừng xanh, gợi cảm giác về một sự tàn phá khốc liệt và nguy cơ sạt lở.
Non chiều, chúng tôi đã ở giữa lòng thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình). Thị trấn nằm giữa những ngọn đồi lô nhô tiếp nối nhau như đám trẻ con nghịch ngợm. Phủ lên đỉnh đồi là màu lá xanh đằm của cam xen lẫn màu vàng ươm của trái chín.
Cam Cao Phong nhiều đến độ cứ bày sẵn trước mắt du khách với hàng loạt đại lý thu mua dày đặc suốt đoạn đường xuyên lòng thị trấn. Hai bên đường, những quầy bán lẻ cũng chất đầy cam, sẵn sàng cho du khách nếm thử. Nhưng số lượng nhiều là một lẽ, thú vị hơn khi đến Cao Phong là tôi mới biết sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong ấy thực ra là có đến 4 giống: CS1 (cam lòng vàng), cam Xã Đoài lùn, cam Xã Đoài cao và cam Canh. Mấy cô bán hàng chỉ dẫn chi tiết cách nhận ra giống cam Canh (còn có tên gọi khác là cam ngự hay cam vua), từng được dùng tiến vua, là thứ có hình quả cầu dẹt, vỏ nhẵn, túi tinh dầu bên trong nhìn không rõ, ít hạt, vách múi dai, ít xơ bã nhưng vị thì ngọt mát. Không hiểu có phải vì cảm giác được đứng ngay giữa “vương quốc” cam Cao Phong hay không mà múi cam Canh vừa đưa vào miệng đã dậy lên hương thơm nồng lịm, thật khó quên.
NISAVA
Phép thử “đèo Thung Khe”
Khi khói đốt đồng xa dần phía sau, chúng tôi tiếp cận đèo Thung Khe nằm giữa 2 huyện Tân Lạc và Mai Châu của tỉnh Hòa Bình.
Chiếc Ford Ranger ngoan ngoãn vượt dần từng khúc cua tay áo, cùi chỏ, dù có lúc tưởng như cháy phanh. Hệ thống cảnh báo nguy hiểm và rào chắn gắn phản quang được lắp đặt rất hiện đại suốt hai bên lề đường. Độ dốc mặt đường bình quân chỉ khoảng 7-8 độ, thi thoảng mới gặp chỗ dốc đến 10 độ. Dù phải vượt qua nhiều chỗ sạt lở, đất đá tràn đường nhưng tôi vẫn rất yên tâm cầm lái khi có lực lượng cứu hộ túc trực sẵn với xe múc, xe lu hoạt động rất khẩn trương để bảo đảm thông tuyến.
Lên gần đỉnh cao 1.000 m, đường nhiều khúc cua chóng mặt. Những bản làng cheo leo ven các triền núi, lẫn trong sương mù lúc ngưng đọng, lúc trôi như thác. Rồi bất chợt thị trấn Mai Châu trù mật hiện ra dưới thung lũng trong ánh chiều nhập nhoạng. Gió lồng lộng, có thể nhìn thấy thấp thoáng những thảm xanh mướt đầy sức sống.
NISAVA
Dân xế ví việc chinh phục đèo Thung Khe như là phép thử tay lái nếu muốn chinh phục “tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc”. Ấy là vì sự hiểm trở mà tôi đang thấy. Nhưng thực ra, Thung Khe là điểm nhấn rất đặc biệt của ngành du lịch tỉnh Hòa Bình vì một ngày ở đây được ví như có bốn mùa. Trời thường trong trẻo đến tinh khiết vào những sớm mai để thảm xanh của những thung lũng dưới chân đèo hiện rõ mướt đầy sức sống mùa xuân. Tầm trưa, trời cao xanh ngắt với cái nắng chói chang của ngày hè oi ả. Khi chiều tà, đường đèo dịu mát như dải lụa mỏng vắt ngang lưng núi, chìm trong ánh vàng man mác mùa thu. Rồi đêm buông rất nhanh, sương mù kín đặc, mưa lay bay nhưng đủ để ướt lạnh và gió lùa tê tái như ngày đông giá.
Tôi tiếc là đã không thể dừng chân dọc đường đèo Thung Khe để ghé vào những lán nứa xiêu vẹo, lẻ loi với bếp lửa hồng có nồi bắp luộc nghi ngút khói và những bà, những cô người dân tộc Mường trong trang phục váy kín màu đen, đầu đội khăn trắng hoặc xanh, áo pắn cánh ngắn, xẻ ngực mặc ngoài nhưng vẫn để lộ bên trong là cái áo báng cùng đầu váy nổi lên giữa 2 vạt áo ngắn. Nghe nói bắp ở đây có hương vị rất đặc biệt vì được trồng từ núi đá cao.
NISAVA
Mất gần cả giờ chúng tôi mới vượt qua những đoạn khó khăn của đèo Thung Khe để hạ sơn tại ngã ba Tòng Đậu, chân phía Bắc đèo. Đây là đoạn đường vừa sạt lở nặng nề và ngập nước sâu đến mức cơ quan chức năng phải lệnh cấm xe lưu thông trong nhiều ngày. Nhưng trước mắt tôi bây giờ, đoạn đường qua Tòng Đậu đã thông suốt, chỉ trơn trượt do mặt đường còn vương lại những vết bùn đất. Từ đây, vượt thêm 67 km trong chiều nhập nhoạng mới đến thị trấn Mộc Châu của tỉnh Sơn La. Đến đây thì không thể nhìn thấy đường đi do sương mù quá đặc. Bù lại, ở nhà khách Công đoàn Mộc Châu, với 300.000 đồng/đêm cho một phòng ngủ đẳng cấp cỡ 2 sao, chỉ với suất ăn 150.000 đồng/người là chúng tôi đã thỏa thuê với món lẩu hơi rất đặc biệt của vùng đất này.
Còn tiếp
Vòng cung Tây Bắc – P1
Vòng cung Tây Bắc – P2
Vòng cung Tây Bắc – P3
Bài của anh Lương Duy Cường (báo Người Lao Động)
NISAVA TRAVEL!