(TPO) – Con đường dẫn vào xã Bình Minh, nơi có thôn Bom Bo (sóc Bom Bo) đã đi vào thi ca, được rải nhựa phẳng lì, uốn lượn qua những triền đồi, thung lũng bạt ngàn điều và cà phê. Dưới tán điều, thấp thoáng những ngôi nhà xây kiên cố kiểu tân thời, vài chiếc ô tô đậu dưới mái hiên.
Dân địa phương bảo, trong nhiều năm qua, người từ khắp nơi đổ về vùng này làm ăn, sinh sống và giàu có lên. Có người miền Trung như Bình Định, Phú Yên vào, có cả những người từ miền Tây-ĐBSCL cũng đổ về đây định cư. Xã Bình Minh có hẳn một xóm người Bến Tre, ở đây đã trên dưới 20 năm. Hạnh, Bí thư xã Đoàn Bình Minh bảo, bà con người Kinh về đây sinh sống, mang theo nhiều tập tục, lối sinh hoạt và chúng “lây lan” sang cộng đồng người Stiêng ở đây.
< Con đường cheo leo đi lên khu văn hóa sóc Bom Bo.
Bà con Stiêng nay cũng đều làm nhà mái bằng, bếp nấu hay nhà vệ sinh cũng làm theo kiểu người Kinh. Tuy ít căn cơ, tính toán tiết kiệm trong chi tiêu, nhưng do siêng năng nên hầu hết gia đình Stiêng cũng có cuộc sống ổn định.
NISAVA
Thôn Bom Bo nổi tiếng khắp nước nhờ ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của nhạc sỹ Xuân Hồng, điều này ai cũng rõ. Nhưng bối cảnh ra đời của bài hát thì chẳng phải ai cũng hay. Theo hồi ký của cố nhạc sỹ Xuân Hồng, năm 1966, trong một chuyến đi thực tế tìm nguồn tư liệu sáng tác, ông đã nghỉ đêm tại một sóc người dân tộc Stiêng ở tỉnh Phước Long (nay thuộc huyện Bù Đăng- Bình Phước) có cái tên khá lạ: sóc Bom Bo.
Nửa đêm thức giấc, ông chợt nghe có tiếng giã gạo nhộn nhịp. Hỏi người dân thì được biết đồng bào đang giã gạo cho bộ đội. Cảm xúc trước hình ảnh này, Xuân Hồng đã viết ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”.
Giai điệu bài hát nhịp nhàng, đều đặn như nhịp chày giã gạo rồi đột nhiên vút cao, ngân nga thánh thót. Lời hát giản dị, trong sáng, ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” nhanh chóng được mọi người yêu mến, được dàn dựng trên sóng phát thanh, được trình diễn trong nhiều chương trình ca nhạc, hội diễn.
Du khách nếu muốn đến sóc Bom Bo phải hỏi đường cho kỹ nếu không sẽ rất dễ nhầm địa chỉ. Bởi ở huyện Bù Đăng, có xã Bom Bo, có cầu Bom Bo, có bưu điện, điện lực Bom Bo, nhưng ở đó không có sóc Bom Bo. Sóc Bom Bo lại nằm ở xã Bình Minh. Nhiều năm trước, sóc Bom Bo được đổi thành thôn 1, thuộc xã Bình Minh. Tuy nhiên, người dân sóc Bom Bo không đồng ý. Qua nhiều năm, chính quyền nhận thấy cần phải “trả lại tên cho em” nên cuối cùng vào năm 2011 thôn 1 đã được đổi lại thành thôn Bom Bo như ngày nay (và cũng như ngày xưa).
Có thôn Bom Bo, một cái tên nổi tiếng, du khách biết đến vùng đất này nhiều hơn. Và đã xuất hiện dự án bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa sóc Bom Bo. Một số ngân hàng, doanh nghiệp đang tài trợ để xây dựng khu bảo tồn văn hóa dân tộc Stiêng dựa trên các hoạt động của bà con sóc Bom Bo. Tuy không còn ở trong rừng sâu với “đuốc lồ ô bập bùng”, bà con sóc Bom Bo vẫn giữ được một số nét đặc trưng của văn hóa người Stiêng.
NISAVA
Già Điểu Lên – năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhớ lại: Ngày đó Bom Bo có ba thôn, do địch dồn dân lập ấp chiến lược nên nhiều người dân theo cách mạng ở sóc đã phải bỏ vào rừng. Cái nơi Xuân Hồng ở lại và sáng tác ca khúc là khu căn cứ Đắk Nhau, cách sóc Bom Bo ngày nay hơn 20 cây số. Ở đây bà con cũng làm rẫy, trỉa lúa để cung cấp lương thực cho cách mạng. Mùa khô năm 1965, Khu ủy khu 10 và Bộ Chỉ huy quân sự Miền quyết định mở chiến dịch Ðồng Xoài – Phước Long.
Ðể chuẩn bị lương thực cho bộ đội, người dân Stiêng từ rẫy đến bưng đều nô nức đưa lúa tập trung thóc vào kho hậu cần. Già trẻ gái trai Bom Bo huy động toàn bộ cối chày và giã gạo suốt ngày đêm. Hình ảnh chiến khu giữa rừng sâu rộn ràng như đang lễ hội. Những chiến sĩ giải phóng cùng các cô gái Stiêng ngực trần chung cối gạo, mỗi người một chiếc chày tay dài hai mét, một cối từ hai đến ba người cùng giã. Già làng bảo: “Gia đình tôi có bảy người cùng tham gia giã gạo những ngày đó, vui lắm. Nên Xuân Hồng viết như thế rất đúng, rất hay. Từ ngày có ca khúc đó, tôi đi đến đâu người ta cũng biết đến sóc Bom Bo của tôi”.
Già làng Điểu Lên đi bộ đội từ năm 1963, tham gia gần như hầu hết các chiến dịch ở vùng Phước Long, ba lần nhận danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ. Vợ ông làm giao liên suốt thời chống Mỹ, có hai anh trai đều là dũng sỹ diệt Mỹ và đều anh dũng hy sinh. Điểu Lên bảo: “Tính cả sóc thì nhiều dũng sĩ lắm vì nhà ai cũng có người theo cách mạng mà”.
< Già làng Điểu Lên.
Ông Trần Văn Phong – Phó chủ tịch xã Bình Minh cho biết: “Bây giờ bà con không còn canh tác theo kiểu truyền thống ngày xưa, đốt rẫy trỉa lúa, mà đã biết làm nông nghiệp hiện đại.
Do chăm chỉ làm ăn nên đời sống gia đình nào cũng khá, con cái được học hành đầy đủ. Nhưng có một nét mà bà con vẫn giữ gìn là các phong tục tập quán như cưới vợ gả chồng hay tổ chức lễ hội mừng lúa mới, dệt thổ cẩm… Chúng tôi đang triển khai dự án Bảo tồn Văn hóa dân tộc Stiêng nhằm biến nơi đây thành khu du lịch sóc Bom Bo độc đáo”.
< Điểu Xia đang thoăn thoắt dệt thổ cẩm bằng cái khung cửi của đồng bào Stiêng.
Điểu Thị Xia – Phó chủ tịch hội Phụ nữ xã Bình Minh, con gái Điểu Lên, thì bảo: “Chúng em vẫn giữ đươc bản sắc người Stiêng đấy chứ. Đội chiêng của thôn em giờ vẫn duy trì và hoạt động ổn định, nghề dệt thổ cẩm vẫn được mọi người yêu thích và ai cũng có bộ khung dệt”. Như để minh chứng, cô đưa ra mảnh thổ cẩm đang dệt dở và thoăn thắt làm tiếp. Cũng theo Xia, niềm tự hào lớn nhất của sóc là đội múa toàn những cô gái Stiêng, ngày đi làm rẫy, tối đi múa nhưng đội liên tục được mời tham gia các chương trình lễ hội, các buổi giao lưu văn hoá trong cả nước. Dĩ nhiên, trong các tiết mục luôn có bài múa, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” đã được biên đạo đàng hoàng.
< Nhà dài thuộc khu văn hóa sóc Bom Bo đang được xây dựng.
“Vậy từ ngày thống nhất tới giờ, nhạc sỹ Xuân Hồng có hay lên thăm Sóc Bom Bo hay không?”-chúng tôi hỏi. Già Điểu Lên nói ngay: “Có chớ! Xuân Hồng đã trở thành người của sóc rồi mà. Hồi còn sống, Xuân Hồng lên đây rất nhiều lần, Khi anh ấy bệnh chúng tôi cũng hay xuống thăm anh ấy. Anh ấy mang ơn đến cho sóc mà”.
NISAVA
Quả có thế. Ở vùng đất Bình Phước nói riêng và nhiều vùng đất khác trên quê hương Việt Nam, không thiếu những phum sóc, bản làng yêu nước, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì tổ quốc. Nhưng không phải bản làng, phum sóc nào cũng gặp được một nhạc sỹ Xuân Hồng. Đó cũng là cơ duyên của người Bom Bo vậy.
Sau ngày đất nước thống nhất, bà con trong sóc mới trở về lại mảnh đất xưa. Vùng căn cứ Đắk Nhau, nơi từng có những đem giã gạo huyền thoại đã bị tàn phá trong chiến tranh nên bà con dựng lại bản làng trên nền đất sóc cũ ở xã Bình Minh.
Theo Trọng Thịnh, Xuân Thủy (Báo Tiền Phong)
NISAVA TRAVEL!