Nếu có cơ hội một lần ghé thăm vùng cao nguyên đá Hà Giang, bạn đừng quên khám phá những thửa ruộng được cấy bên những phiến đá cổ, hay những ao bèo với những gam màu đẹp đến lạ thường ở thôn Hạ Thành. Bởi vì đến đó, bạn sẽ thực sự bước vào một thế giới cổ tích với vẻ đẹp thu hút và bình dị, mộc mạc, xưa cũ.

Thôn Hạ Thành thuộc xã Phương Độ, Thành phố Hà Giang, cách trung tâm thành phố 6 km về hướng Cửa khẩu Quốc gia Thanh Thủy. Thôn có 117 hộ với gần 600 nhân khẩu và 100% người dân là dân tộc Tày. Không như nhiều bản làng gần phố xá, cảnh quan nơi đây khá bình yên, mộc mạc và nên thơ, khiến ai nhìn thấy cũng muốn một lần nghỉ lại.

Hạ Thành nằm trên một địa thế đẹp, xung quanh làng là những đồi cọ xanh biêng biếc, xen giữa làng là những thủa ruộng bậc thang được tô điểm bởi những những tảng đá cuội mấp mô.

Hạ Thành tươi mát và trù phú bởi có dòng suối chảy từ đỉnh núi thôn Khuổi Mi xuống thung lũng, vào mùa nước, tạo thành một thác nước tuyệt đẹp mà bà con trong vùng gọi bằng một cái tên rất giản dị, gần gũi: “Thác số 6″.

Hạ Thành còn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, bình yên của khu sinh thái Suối Tiên. Nơi đây có địa hình tương đối bằng phẳng, lòng suối rộng, hai bên suối là những khu đồi thấp, nổi lên những tảng đá nguyên thủy mồ côi khổng lồ, đan xen trong những rừng cọ già cùng hệ động thực vật phong phú.
NISAVA
Ngoài những cánh đồng bậc thang màu mỡ, tiếng cối giã gạo bằng sức nước, tiếng cá Bỗng đớp mồi dưới ao, tiếng mõ trâu, tiếng gà gáy, những món ăn đặc sản hương vị quê hương như: Cá Bỗng nướng, thịt lợn đen hun khói, gà đồi, dê núi, vịt bầu.

Cá Bỗng được người dân nơi đây quý trọng và nâng niu như của cải có giá trị, họ dâng lên trời đất, tổ tiên để tỏ lòng kính trọng. Tục lệ dùng cá Bỗng để cúng trong những ngày lễ của người Tày đã có từ rất lâu đời.

Vào ngày 5/5 và ngày 12/11 âm lịch hàng năm, người ta thường dùng cá Bỗng để cúng tạ trời đất và tổ tiên vì một vụ mùa bội thu, cuộc sống sung túc. Ngày 5/5 âm lịch, tất cả các nhà bà con dân tộc thường nấu xôi nếp và cá Bỗng nướng để cúng. Còn ngày 12/11 âm lịch, đồng bào thường có phong tục làm bánh cá, cũng là để cúng lễ thần linh, tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Nơi đây còn lưu giữ các phong tục tập quán và những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày như: Nhạc cụ, trang phục, các điệu hát cọi, hát then… Con người hồn hậu, chất phác, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, khí hậu trong lành mát mẻ…
NISAVA
Đồng bào dân tộc Tày thôn Hạ Thành sống trong những nếp nhà sàn mái cọ. Bên nhà thường có một ao nhỏ, nước chảy róc rách. Khi du lịch cộng đồng hình thành và phát triển ở Hà Giang, Hạ Thành cũng hòa mình vào luồng không khí mới. Từ đầu thôn đến cuối xóm, mọi người cùng dọn dẹp, trang trí cửa nhà sạch sẽ, gọn gàng từ trong nhà ra đến tận cổng.

Trong thôn có 4 – 5 hộ gia đình làm dịch vụ lưu trú cho khách du lịch đến thăm quan, tìm hiểu về phong tục, văn hóa dân tộc của thôn. Ngoài chăm chỉ, cần mẫn việc đồng áng, người dân Hạ Thành còn rất yêu văn nghệ. Cả ngày vất vả với ruộng, với nương, tối về người dân Hạ Thành lại cùng nhau say sưa trong điệu hát then, hát cọi, trong tiếng đàn tính, đàn bầu.
NISAVA
Xung quanh làng là những đồi cọ xanh biếc, trên những thủa ruộng bậc thang mấp mô những tảng đá cuội nguyên thủy; có dòng suối chảy từ đỉnh núi thôn Khuổi Mi xuống thung lũng với nhiều tảng đá to, phía tây của thôn là khu rừng nguyên sinh.

Những ngôi nhà sàn truyền thống nguyên sơ, những câu hát lượn, hát cọi, hát then ngọt ngào, những điệu múa dân gian, múa tín ngưỡng, những lễ hội truyền thống huyền bí, tạo cho bạn một cảm giác như trở về nơi cội nguồn của dân tộc.

Hạ Thành trở thành một điểm dừng chân lý tưởng cho du khách khi đến với Hà Giang. Đến Hạ Thành, Quý khách được trải nghiệm, được sinh hoạt cùng người dân Hạ Thành, được đắm mình trong câu cọi, điệu then, được thưởng thức những đặc sản của nông thôn miền núi.

NISAVA TRAVEL! tổng hợp từ Dân Trí, Travel VZN, Vietnamtourism… và nhiều nguồn khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *